Trang

Music

Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

Giã biệt đóa hoa vô thường



Xin kính dâng hương hồn Cha Gioan Baotixita

Tiếng chuông sầu ban trưa của nhà thờ kéo dài nghe thật não nề hoà vào giọng hát nức nở: “Hôm nay Cha đã ra đi thật rồi…”, và từng dòng người lặng lẽ cầm đoá bạch hồng trên tay run run gởi xuống cho người nằm dưới huyệt mộ. Điều ấy cho tôi hiểu Cha đã không còn hiện diện trên cõi tạm này nữa. Cha đã ra đi ở cái tuổi không ai nghĩ tới- một độ tuổi đang hăng say hoạt động. Chúa đã cắt đứt đường chỉ đang dệt dang dở khi căn bệnh ung thư vô tình đến lạnh lùng cứ mỗi ngày ăn sâu vào cơ thể, nó không tha thứ cho con người xấu số. Cuộc đời của Cha theo cái nhìn tự nhiên thật chẳng có gì đáng nói: nghèo nàn, không địa vị chức quyền, không quen biết những người có thế giá trong xã hội. Cha âm thầm như một đoá hoa vô thường chẳng ai biết tới. Số phận ấy hẩm hiu không khác gì một ngôi sao bạc mệnh. 
        Ngôi sao ấy được sinh ra trong một gia đình nghèo khó neo đơn. Người cha mất sớm khiến cậu bé phải sớm vất vả mưu sinh. Ngày ngày, cậu phải lặn lội từ việc bán cà rem dạo, rao vé số hoặc ngồi bên vệ đường vẽ tranh thuê hay vá xe cho dòng người qua lại,… Ai đó được đến trường lớp vui vẻ còn cậu bé lại phải lặn lội đó đây để mong có được con chữ. Cái số phận ấy mãi chẳng ngóc đầu lên được. Cuộc đời đã đối xử thật tàn nhẫn không chút thương xót cho số phận ấy. Anh em bạn lần lượt chịu chức còn chàng chủng sinh đến khi đầu tóc đã lốm đốm bạc màu lại một mình đi về miền quê nghèo xác nghèo xơ. Ban ngày, Thầy cũng lên rẫy, xuống ruộng cắt lúa, làm cỏ như những người dân nghèo khổ, tối đến lại chong đèn dạy Giáo lý, tập hát, sinh hoạt để đem lại chút ánh sáng cho vùng quê tăm tối. Cuộc sống tuy lam lũ cực khổ nhưng chẳng bao giờ thấy trên khuôn mặt ấy vắng bóng nụ cười hiền lành chất phác chứa đầy sức sống niềm tin. Người người cảm thông xót xa cho số phận hẩm hiu, còn Thầy lại luôn bằng lòng đón nhận tất cả trong sự an nhiên tự tại. Hôm nay Thầy đã ra đi nhưng hình bóng Thầy như còn vương vấn đâu đây. Tôi nhớ mãi cái dáng hao gầy của con người yêu nghệ thuật, hay ca lên những câu hát ngẫu hứng, nhớ mãi nụ cười hiền hậu và cá tính hài hước nhẹ nhàng. Năm ấy tôi  đang theo học lớp Bao đồng- Lớp giáo lý đầu tiên của Giáo xứ từ ngày được thành lập. Dường như cái đói cái nghèo làm cho con người ta đến gần Chúa hơn. Ngoài giờ đến lớp, chúng tôi hầu như suốt ngày lên nhà thờ, khi thì quét lá, khi thì đi hái hoa về cắm trong nhà thờ, có lúc vô nhà xứ phụ giặt đồ lễ, rảnh thì bắt Thầy đàn bằng cây đàn ghi-ta cũ rịch chỉ còn ba dây, Thầy trò cùng nghêu ngao hát vang như muốn quên đi tất cả những nỗi niềm. Cuộc sống bình dị của Thầy đã cùng với tuổi thơ tôi lớn lên từ ấy. Nhớ mỗi dịp lễ tết, Thầy lại tự sáng tác để tập kịch và những tiết mục văn nghệ rồi diễn trên một khoảng sân rộng dưới ánh đèn măng-xông. Những nụ cười thật tươi cùng những ánh mắt hồn nhiên khiến lòng Thầy ấm áp. Còn nhớ một ngày, lúc ấy chúng tôi sắp tuyên hứa, sau buổi học Giáo lý, Thầy hỏi chúng tôi mơ ước sau này lớn lên sẽ làm gì, rồi nói chúng tôi ghi ước mơ của mình vào giấy, sau đó Thầy trò cùng bỏ vào một cái chai thuỷ tinh và đem chôn dưới một gốc cây. Thời gian trôi, ngôi nhà thờ bằng gỗ cũ kỹ không thể mãi che mưa che nắng và đủ chỗ cho con dân mỗi ngày một đông hơn, ngôi nhà thờ mới khang trang được mọc lên, cái cây cũng bị đốn đi. Tôi không thể nhớ cái chai mơ ước nằm ở vị trí nào nhưng ước mơ của tôi vẫn được lớn lên mỗi ngày từ công Thầy đã ươm mầm mơ ước cho chúng tôi. Nhớ một lần sau giờ tập hát, Thầy hỏi tôi: “Lớn lên con thích làm gì?”. Tôi mắc cỡ chẳng dám trả lời vì không biết ước mơ của mình có trở thành hiện thực không. Tôi chỉ nói : “Thầy cầu nguyện cho con đi, một ngày nào đó Thầy sẽ biết”. Ba năm sau, tôi đi theo tiếng gọi của Chúa, xa Giáo xứ nghèo nàn, xa sự thân thương quý mến hướng dẫn của người Thầy giản dị hiền lành nhưng lòng tôi không thể quên công ơn và những nhân đức mà Thầy để lại cho chúng tôi. Rồi một ngày, Giáo xứ cũng lặng lẽ tiễn Thầy ra đi- nhẹ nhàng, thanh thoát. Thầy lại đến một Giáo xứ cũng nghèo nàn không hơn gì xứ tôi. Dường như số phận nghèo khổ của Thầy cứ luôn gắn bó với những con dân cùng hoàn cảnh ấy để có thể dễ cảm thông và yêu thương …
        Thế rồi Thầy cũng được bước lên bàn Thánh khi mái tóc đã điểm hoa râm 
        Lớn lên, vài ba lần khi có dịp xuống vùng quê ấy, tôi ghé thăm Cha. Một mình Cha sống trong căn phòng nhỏ chật hẹp ở đầu nhà thờ. Ngôi nhà thờ thì đang xây dựng dở dang, giáo dân nghèo nàn, Cha cố bệnh nặng, nghĩa là gánh nặng lại tiếp tục đổ lên đôi vai nhỏ gầy của Cha cùng với căn bệnh hiểm nghèo. Tôi thảm cảnh: “Sống ở đây buồn chết, rồi còn gánh nặng thế này…”. Cha cười, vẫn nụ cười nhẹ nhàng hài hước đùa: “Cha cứ để nhiều công trình còn dở dang thế này để Chúa còn cho Cha sống mà chu toàn chứ ”. Trò chuyện được một lúc, có một thằng bé chừng bảy, tám tuổi gì đó chạy chiếc xe đạp, trên tay cầm chiếc cà-mên gọi: “Cha ơi! Cơm nè!” rồi vội đạp xe đi. Tôi xách vào, mở ra để dọn thì…Trời ơi! Nó cũng đạm bạc như đời sống của Cha vậy, như công trình nhà thờ đang ngổn ngang, như con dân hờ hững với vị Cha chung của Giáo xứ vậy… 
        Mấy năm sau, nghe tin bệnh tình Cha nặng hơn, tôi ở xa chẳng có dịp đến thăm ngài, chỉ biết ngôi nhà thờ đã được khánh thành hẳn hoi, Cha đi chữa bệnh ở Thành phố, cuối tuần lại một xe máy từ đó trở về với những con dân mà ngài đang cưu mang như muốn dốc cạn sức lực và tình yêu thương cho những con người Việt kiều dạt về từ đất nước của Thủ đô Pnôm-pênh nghèo đói. Một ngày, tôi lặng người khi nghe hung tin: Cha đã nằm xuống. Ôi! Sự thật phũ phàng xảy đến nhanh quá. Tuy có niềm tin nhưng thật không trung thực khi nói tôi không buồn thương cho số phận của Cha. Bản thân được sống trong những hoàn cảnh nhiều ưu ái nên tôi hy vọng sẽ trông thấy cuộc đời của Cha cũng phải được ưu đãi. Thế nhưng, thê lương vẫn cứ kéo dài đến tận cuối cuộc đời của ngôi sao kém may mắn. Thật bi đát thay, ngôi sao xấu số ấy vẫn mãi hẩm hiu cho đến khi vụt tắt. Một cái chết cô đơn ở xứ người không một người thân. Bộ phẩm phục cuối cùng cũng là do người ta thương xót cho. Số phận của Cha khiến ai cũng xót xa thay. Dường như cuộc sống chưa bao giờ chịu mỉm cười với Cha dẫu Cha luôn tươi cười với nó mỗi ngày. Gia đình Cha đã neo đơn nay lại càng cô đơn hơn khi Cha nằm xuống. Bao công trình xây dựng đền thờ tâm hồn đang dang dở, Chúa lại bảo Cha phải dừng lại. Can kiệt rồi, hết sức rồi. Cha đã vắt cạn sức cho đến giọt máu cuối cùng cho con dân. Căn bệnh ung thư quái ác đã không nhượng bộ cho những thao thức tốt lành của Cha. Từng ngày nó cứ di căn dần vào cơ thể gầy gò ốm yếu và cuối cùng nó phá hỏng cả dòng máu nuôi dưỡng sự sống. Bao thao thức để dấn thân cho sứ vụ mục tử chưa được hoàn thành. Có lẽ Thiên Chúa muốn Cha được nghỉ ngơi sau những chuỗi ngày rong ruổi trên cõi trần, sau những cơn chiến đấu khốc liệt với gian nan cuộc sống, với những thử thách giữa ranh giới của sự sống và cái chết ngày càng đến gần.
  
Cảm giác dự tang lễ của Cha thật khác- một đám tang đượm màu u buồn của sự thương tiếc- một cuộc ra đi làm cho mọi người phải đấm ngực xét lại lòng mình. Cái chết của Cha như vạch trần bộ mặt giả dối của trần gian khi chỉ lo tìm kiếm và đánh giá con người dựa trên địa vị, tiền bạc… Lần đầu tiên tôi dự một đám tang của Linh mục mà không hề nghe đọc lại tiểu sử của một thời hào hùng. Tôi chỉ nghe người ta ca ngợi về một cuộc sống âm thầm nhưng chứa đầy niềm tin. Cuộc đời của Cha cũng nhẹ nhàng, âm thầm và cô đơn như cuộc ra đi sau cuối này. Cả cuộc đời Cha như là một tấm gương sáng của một con người luôn vững tin vào Thiên Chúa quan phòng dẫu bao thử thách luôn rình rập như muốn quật ngã Cha, dầu vậy, Cha vẫn cứ mỉm cười. Giữa những thử thách muốn nhận chìm, Cha vẫn hiên ngang đứng vững và can đảm đương đầu với sóng gió. Thân thể dẫu tiều tuỵ nhưng ý chí Cha lại mạnh mẽ phi thường. Khó ai có thể ngờ một con người giữa bao đe doạ bủa vây lại vẫn can trường trước thử thách như thế.Cha đã ra đi nhưng nụ cười hiền lành của tấm lòng nhân hậu bao dung của Cha vẫn còn tươi mãi. Vĩnh biệt người Thầy kính yêu đã khơi lên và nuôi dưỡng ước mơ nhỏ bé của con. Cuộc đời của Cha không la to, không lớn tiếng giữa phố phường nhưng lại âm thầm một sức sống mãnh liệt. Cảm ơn Cha- một đoá hoa vô thường trong vườn chiều bạc mệnh nhưng không bao giờ tuyệt vọng, một chút vô thường theo từng phút cao giờ sâu, thiêng liêng trong cõi vô cùng. Từ đây, Cha là hoa một sớm kia rất hồng, nở hết trong hoàng hôn đợi gió vô thường lên. Từ đây, Cha là sương rụng mát trong bình minh. Từ đây, Cha là đêm nở đoá hoa vô thường.[1] Vô thường để rồi chẳng ai biết tới nhưng đối với người có niềm tin, đó lại là một con người hạnh phúc nhất vì đóa hoa ấy phản ảnh hình bóng của một Thiên Chúa vì yêu thương đã trở nên nghèo. Chúa thật sự nghèo khó ngay từ lúc sinh ra tại một hang bò lừa, đến cảnh sống đơn hàn ở làng quê Nazareth chẳng ai biết đến. Ba năm rong ruổi trên khắp đất nước Palestin nghèo đến nỗi “không có chỗ tựa đầu”[2]. Rồi lại nghèo trong cái chết tức tưởi tang thương trên thập giá không mảnh vải che thân và nơi chôn cất cuối cùng cũng phải nhờ vào ngôi mộ của một người khác.Vâng, tôi thấy hình ảnh của Cha hôm qua và hôm nay có quá nhiều nét giống Chúa của tôi. Nếu ai đó xót xa thì cũng cảm thấy ấm lòng hơn vì đóa hoa vô thường kia không thể đến rồi đi một cách vô tình, lạnh lùng. Đóa hoa ấy chứa một lý tưởng sống siệu việt, đó là cưu mang cách sống nghèo của Chúa. Vì vậy, trong nỗi xót xa của lòng người ấy lại là một chiến thắng lớn. Đến hôm nay tôi mới hiểu tại sao bao giữa khó khăn chồng chất mà nụ cười trên môi ấy vẫn tươi và chứa đựng một sức sống tiềm tàng. Ngỡ là vô tình nhưng không phải như thế. Cách sống ấy làm sao có được nếu không có một lý tưởng toàn hiến và một niềm tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa? Nhờ lý tưởng ấy, Cha đã hóa thân thành một “trẻ thơ”, thành “người bé nhỏ” được Thiên Chúa luôn yêu thương che chở giữ gìn.  Tưởng là vô thường nhưng lại là sự khôn ngoan đại hạng mà Cha đã từ bỏ tất cả để theo lối sống mà Chúa mời gọi của những ai muốn theo chân Người.
Cảm ơn Cha- người đã đến và khơi dậy một sức sống tiềm tàng mãnh liệt trong con. Lời di chúc cuối cùng Cha để lại cũng âm thầm khiêm tốn. Cha chẳng để lại tài sản vật chất gì nhưng là một lời tạ ơn Chúa và xin lỗi mọi người vì chưa thể chu toàn sứ vụ. Ôi! Cha ơi! Tất cả cuộc đời Cha đã là một tài sản quý giá như một gia bảo của Giáo hội. Ngôi sao bạc mệnh ấy đã nằm xuống- yên bình và thanh thản. 
      Đêm nay, ngồi viết những kỷ niệm về người Thầy năm xưa, dẫu ngoài trời đang mưa tố bão bùng, tôi vẫn thấy ngôi sao ấy như đang rực sáng ở cuối trời- nơi Thiên Chúa đang mở rộng vòng tay chào đón Cha về với Người. Ngôi sao ấy như đang mỉm cười vẫy tay giã biệt cõi tạm để về với cõi sống vĩnh cửu. Nụ cười ấy tươi mãi như một lời trăn trối: “Hãy bắt chước Cha như Cha đã bắt chước Chúa Kitô[3]. Vĩnh biệt cõi thế để từ nay Cha sẽ có thể “hát bên đời líu lo” khúc ca của một con người tự do, cho vườn hoa thêm rộn ràng hương sắc của niềm tin mãnh liệt, bất tận thiên thu …
 
Hatcatnho 4/8/2013


3 nhận xét:

  1. minh xuc dong truoc vi Linh Muc nay. Minh co biet Cha

    Trả lờiXóa
  2. Cam on vi Linh Muc thanh thien thuc su

    Trả lờiXóa
  3. Cam on mot doc gia moi cua Khuc tu tinh.
    Mong chung ta cung tro nen nhung con nguoi am tham va vuon len manh me moi ngay.
    Than men,

    Trả lờiXóa