Trang

Music

Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

Ba ngày sau...

Ngư dân cuối cùng sống sót trong vụ bão đánh đắm tàu trôi dạt đến một hoang đảo. Khi anh tỉnh lại, bốn bề là mênh mông biển nước, xung quanh là những mảnh ván vỡ của tàu, còn ngư trường quen thuộc thì đã lùi xa rất xa. Mệt mỏi hoảng loạn và tuyệt vọng, anh liên tục lẩm nhẩm cầu khẩn một phép màu kỳ lạ xảy ra, nhưng cảm thấy vô vọng.
Kiệt sức và chán nản vì chờ đợi, anh quyết định dựng lên một cái lều nhỏ làm bằng những miếng vỏ tàu để chống lại thời tiết khắc nghiệt trên đảo và chứa những tài sản cuối cùng mà anh còn giữ được.
Sang ngày thứ sáu của cuộc sống trên hoang đảo, sau chuyến lặn lội tìm kiếm thức ăn trên đảo, anh quay lại bờ biển với căn lều khi trời đã tối. Nhưng chưa kịp tới gần nó thì một tia sét giáng thẳng xuống làm căn lều bốc cháy dự dội, khói bốc ngùn ngụt. Suy nghĩ đầu tiên đến với anh là mình thật bất hạnh, đến một chỗ nương thân cũng chẳng còn và tất cả với anh coi như đã hết.
Sáng sớm ngày hôm sau, chàng ngư phủ bất hạnh bị đánh thức bởi tiếng còi của một chiếc tàu thủy đang tiến lại gần đảo. Nó đến để cứu anh.
- Làm sao các anh biết tôi đang ở đây?" - Anh hỏi vị thuyền trưởng sau khi đã yên vị trên tàu.
- Chúng tôi nhìn thấy tín hiệu cấp cứu, lửa cháy và khói bốc cao từ phía đảo. Ðó chẳng phải là tín hiệu kêu cứu của anh sao?
Con người thường dễ nản chí khi mọi việc trở nên tồi tệ, và hầu như quên mất rằng, mọi việc có thể hoàn toàn thay đổi vào "sáng sớm ngày hôm sau... "

Lo âu, sợ hãi, run rẩy, mất niềm tin, thất vọng, chán nản,…. là cảm giác của ba ngày trước đó.
Ba ngày sau…
Những khuôn mặt ủ dột buồn bã nay rạng ngời nét hân hoan
Những bước chân sợ hãi nay trở nên mạnh dạn tự tin hơn lúc nào hết.
Từ chỗ mất niềm tin nay đã biến thành niềm xác tín vào sự Phục Sinh của Chúa hơn lúc nào hết.
Thất vọng biến thành hy vọng
Lo âu biến thành niềm vui.
Hãy kiên nhẫn chờ đợi. Phép màu sẽ đến với người có niềm tin. Có khi chỉ sáng hôm sau hoặc vài ba ngày sau thôi, mọi sự sẽ hoàn toàn đổi khác. Hãy không ngừng nuôi dưỡng trong mình niềm hy vọng....
Đạo của người Công giáo là đạo của niềm hy vọng. Chúng ta- những người tín hữu của Chúa không bao giờ được quyền thất vọng.
Nhiều khi đối diện với cuộc sống, ta dễ dàng lo âu, đau khổ mà không chịu nhìn ra niềm vui đang đón đợi ở phía bên kia. Ta chỉ chăm chú buồn bã với cơn mưa sắp kéo đến mà không thấy đằng sau màn mưa kia là cả một bầu trời rực sáng. Ta thường chỉ thấy cái đau khổ trước mắt mà quên đi những bài học giá trị nó mang lại sau đó. Ta chỉ chăm chú vào những khó khăn sắp xảy đến rồi lo lắng bất an mà quên rằng phải qua thập giá mới tiến đến vinh quang Phục Sinh. Phải chờ đợi trong hy vọng và không được phép đánh mất nó.
Nhìn lại đời mình, bạn và tôi có bao giờ tự cật vấn lương tâm về điều này không? Hãy đối diện với chính mình để có thể điều chỉnh lại lối suy nghĩ. Có được cái nhìn tích cực thì tôi mới gỡ khỏi đời mình những ngày tháng lê lết, vô vị chán ngắt. Hầu hết chúng ta đã tự kiệt quệ hóa đời mình bằng những tư tưởng tiêu cực, bằng những cái nhìn gieo mầm thất vọng để rồi tự kéo ghì đời mình xuống đáy sâu của những thung lung mù tối âm u.
Chỉ có niềm hy vọng mới giải thoát con người ra khỏi ngục tù của sợ hãi, chán nản, thất vọng, bi quan. Chỉ ai có niềm tin tưởng tuyệt đối mới có thể ra khỏi những vũng lầy và hố sâu của thung lũng mù tối âm u và chết chóc.
Chúa Giêsu đã Phục Sinh từ trong cõi chết. Người là bến bờ hy vọng lớn nhất cho đời ta. Ta còn chần chờ gì nữa mà không cầu xin Người biến đổi đời ta nên tươi mới rạng ngời? Đấng Phục Sinh có dư tràn quyền năng ban cho ta điều ta hằng cầu xin hay chỉ cần nghĩ tới. Nếu đau khổ không đưa tới vinh quang thì đau khổ sẽ vô nghĩa, Nếu hy sinh không đưa tới vinh thắng thì dù có hy sinh bao nhiêu cũng sẽ thành vô dụng, không có sự sống lại, thì cái chết chỉ là một sự bất công, một sự xúc phạm lớn. Nếu cuộc vượt qua không có đích điểm, thì đời người sẽ vô nghĩa.
Tin vào sự Phục Sinh của Chúa cũng chính là tin vào sự Phục Sinh của chính ta. Xin cho chúng ta đừng ngại bước theo Chúa, đừng nao núng dấn thân cho sự thật, đừng từ chối chết đi cho Sự Sống và đừng dừng lại trước khi tới điểm hẹn.
Xin cho ta cảm nghiệm được rằng sức sống Phục Sinh đang luân chuyển trong từng biến cố, đang sinh động trong từng quan hệ, đang thấm nhập vào mọi hoạt động và đang biến đổi đời sống ta hôm nay
Mỗi khi gặp khó khăn, hãy tin tưởng và có cái nhìn xa hơn, tôi gọi đó là cái nhìn của sự vượt quá. Hãy can đảm bước qua những u buồn để hướng đến chân trời mới ngập tràn hy vọng và bình an. Sau cơn mưa trời lại sáng. Mong cho bạn và tôi đừng chỉ nhìn vào màn mưa dày đặc âm u kia mà quên rằng một vùng trời sáng trong đang ẩn khuất đang chờ đợi để dọi chiếu những tia sáng ấm áp đâu đó phía bên kia.

Hãy có niềm tin, rồi mọi sự sẽ ổn thôi mà.




  
  

Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2014

Đời sống mới



Khi Chúa Giêsu chết, bóng tối tử thần bao trùm toàn thể vũ trụ, ánh sáng khép lại và đêm tối của sự ác đã tấn công. Đối với các môn đệ- những người thân tín với Chúa thì đây là cuộc thất bại thê thảm nhất. Còn đâu những kỷ niệm êm đẹp trên khắp đất nước Palestin để làm phép lạ, chữa bệnh cho kẻ nghèo hèn? Còn đâu hy vọng được ngồi bên Thầy trong vinh hiển mai sau?... Tất cả như đã chấm dứt khi Chúa Giêsu- Thầy của các ông bị vu cáo, chịu những hình phạt nặng nề nhất của quân lính Rôma và kết cục với cái chết tang thương trên thập giá không mảnh vải che thân.
Bóng tối bao trùm và sợ hãi vây bủa các ông. Phêrô- người môn đệ đã từng tuyên bố “dù ai có bỏ Thầy đi nữa thì con vẫn không….” cũng đã chối Chúa ba lần, các môn đệ khác bỏ chạy tán loạn, chỉ còn một môn đệ duy nhất cũng chỉ dám theo chân Thầy xa xa…. Tủi nhục quá, thất bại tràn trề!
Tất cả tưởng như đã chìm sâu vào trong quá khứ. Ai cũng ngỡ rằng sự ác đã thống trị. Cả một bầu trời tím buồn đầy tang tóc phủ trùm lên những người theo Chúa. Những lời hứa phấn khích của ngày từ giã gia đình ra đi với Thầy cùng với niềm tin yêu hy vọng của các ông như cùng bị mai táng trong ngôi mộ có tảng đá to lớn che lấp của người Thầy yêu quý.
Thế nhưng, chỉ sau ba ngày, Chúa Giêsu đã Phục Sinh như lời Người tiên báo trước đó. Sự sống đã chiến thắng khải hoàn, tử thần bị hủy diệt. Những con người trước đây ngỡ mình chiến thắng nay phải sợ hãi trốn chạy và những môn đệ đang lo âu lấy lại được niềm tin. Khi tảng đá lấp cửa mồ tung ra, các khăn liệm được xếp lại và lời loan tin mừng Phục Sinh của Maria Magdala được báo là lúc tâm hồn các môn đệ thoát khỏi màn đêm tử thần vây phủ. Những bước chân vui mừng xen lẫn hồi hộp sáng hôm ấy đã khôi phục niềm tin nơi các ông. Tâm hồn đang ủ dột sợ hãi nay bừng lên một sức sống mới. Một niềm vui chứa chan khôn tả xiết bừng lên trong cõi lòng các môn đệ. Các ông như những người được sống lại từ cõi chết. Chính Chúa Giêsu Phục Sinh làm sống lại tâm hồn các ông. Sự yếu đuối rã rời nay trở nên mạnh mẽ. Nỗi thất vọng đã nở hoa hy vọng. Bể sầu khổ đã biến thành niềm vui.

Ơn Phục Sinh đó chỉ có thể có nơi Đức Giêsu- Đấng Phục Sinh. Chỉ Ngài mới có quyền năng ban cho con người sự sống thần linh ấy. Nhờ ơn Phục Sinh, con người xác tín chết không phải là hết, nhưng là cữa ngõ dẫn vào đời sống mới trong Thánh Thần tình yêu. Với ơn Phục Sinh đó, ta hãy xin Chúa giúp biến đổi con người mình, để từ nay ta có thể sống một cuộc sống thực sự, một cuộc sống đúng nghĩa là sống chứ không phải là sự tồn tại lê lết chậm chạp qua từng ngày. Cuộc sống ta không là hòn đá nằm dưới khe suối chịu tác động của nước rồi mòn dần đi từng ngày. Ta không thể để những đổi thay của hoàn cảnh cuộc sống nhận chìm mình. Với ân ban của Chúa Phục Sinh, đời ta sẽ như một cây xanh vươn lên từng ngày trong ánh sáng mặt trời tình yêu, trong nắng ấm của hy vọng rạng ngời và cả những hạt mưa dịu mát. Nhờ ơn Phục Sinh, tôi cầu xin cho mình được ơn bình an vĩnh cửu, vì Chúa phục sinh trước tiên Ngài đã nói: “Bình an cho anh em” (Ga 20, 19-21). Với ơn bình an đó, ta hãy luôn vững tâm trước sóng gió cuộc đời. Không gì có thể làm ta nao núng, không một đe dọa nào có thể làm ta sợ hãi vì ta đã có sức mạnh quyền năng của Đấng Phục Sinh. Với ân ban của Đấng Phục Sinh, ta sẽ bẻ gãy cánh cửa khép kín của những ngôi mộ, lăn khỏi đời ta tảng đá của sự ích kỷ để mở lòng ra sống chan hòa hơn với anh chị em đồng loại. Thánh Thần tình yêu sẽ không ngừng đổi mới ta mỗi ngày để ta có thể sống một cuộc sống tràn đầy ơn bình an, niềm vui và hy vọng mãnh liệt.
Và, tình yêu sẽ mang lại sự cứu thoát


Lạy Chúa Giêsu phục sinh
xin ban cho con sự sống của Chúa,
sự sống làm đời con mãi mãi xanh tươi.
 Xin ban cho con bình an của Chúa,
bình an làm con vững tâm giữa sóng gió cuộc đời.
 Xin ban cho con niềm vui của Chúa,
niềm vui làm khuôn mặt con luôn tươi tắn.
 Xin ban cho con hy vọng của Chúa,
hy vọng làm con lại hăng hái lên đường.
 Xin ban cho con Thánh Thần của Chúa,
Thánh Thần mỗi ngày làm mới lại đời con.

Thứ Năm, 10 tháng 4, 2014

Mẹ, con đã về...



... Đoàn tàu hú lên một tiếng thật dài rồi từ từ lăn bánh. Nó lại tiếp tục rúc lên từng hồi như tiếng thét vỡ vụn trong buổi sương sớm làm phá tan sự yên tịnh của buổi bình minh trong vắt nơi miền quê nghèo của Tỉnh Thái Bình để lăn bánh vào Nam. Uyên nhoài người với tay chào tạm biệt mẹ già đã hai mươi tám năm qua sinh ra và nuôi nấng chị: “Con sẽ làm lại từ đầu. Con ra đi sẽ sớm trở về. Mẹ ở lại nhớ bảo trọng...”- Uyên nói với theo khi các toa tàu bắt đầu lăn bánh cho một hành trình mới của đời chị. Mạnh mẽ và kiên quyết, Uyên quệt vội những giọt nước mắt của lần đầu đi xa.
Bóng dáng người mẹ già còm cõi lầm lũi bước theo đoàn tầu từng bước liêu xiêu vẫn như không muốn rời xa đứa con “bé nhỏ” của mình.  Sau khi đoàn tàu đã lăn bánh xa xa, bóng bà chỉ còn thấy nhỏ xíu như cái chấm đen giữa hai hàng cây cối um tùm.. “Cầu nguyện cho nó để nó có cơ hội làm lại cuộc đời”- Bà Tâm lẩm bẩm vừa đi vừa cầu nguyện: “ Xin Chúa chúc lành cho cuộc lên đường mới của đứa con gái đáng thương. Xin Ngài từng bước ở với nó”. Nói đến đó, hai hàng lệ từ khóe mắt bà Tâm cứ chực rơi. Thân già một mình, bà lại lầm lũi lê những bước chân mòn mỏi về lại ngôi nhà lá mà bà đã sống gần nửa đời mình.
Đêm qua, hai mẹ con đã thức đến gần sáng sau mấy ngày Uyên nói quyết định của chị với bà. Lúc đầu, bà Tâm cương quyết không cho vì làm sao bà có thể chịu nổi cảnh cô đơn một thân một mình. Bà chẳng có con trai, mấy đứa con gái lớn đã đi lấy chồng ở xa. Con Thanh theo chồng vào mãi tận Miền Nam. Hai vợ chồng con Thu thì cùng dắt díu nhau vào Miền Trung. Con Thảo cũng theo chồng nó lên Hà Nội lập nghiệp mấy tháng nay. Mà chúng cũng coi thường bà. Chúng đâu muốn gọi bà Tâm là mẹ từ hồi Uyên chào đời. Họa may chúng nó về nhà vào dịp Tết và ngày giỗ bố ở từ sáng đến chiều rồi lại đi. Bà Tâm năm nay đã gần bảy chục tuổi- đã “thất thập cổ lai hy” rồi mà cũng chẳng được yên thân ngày nào. Bà góa chồng từ lúc mới ngoại tứ tuần, rồi ở vậy nuôi con mãi đến nay với mấy xào ruộng mùa được mùa mất. Nhưng với cái ăn dù thiếu thốn, bà vẫn trông cậy vào Chúa hằng ngày dù bà mới chỉ trở về với Chúa sau ngày chồng qua đời. Dù là đạo theo nhưng không ngày nào bà Tâm bỏ Lễ. Những ngày đau ốm, bà cũng cố gắng đến nhà thờ. Bà tựa nương cuộc đời bà vào tình thương và sự quan phòng của Chúa. Kể cả đứa gái út ngổ ngáo này, bà vẫn hằng ngày cầu nguyện xin Chúa dắt nó trở về con đường lành. Thân già mà bà không quản ngại một nắng hai sương với công ruộng, suốt ngày “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, cầu mong cho được mùa để nuôi hai mẹ con, rồi còn chút chút nào tằn tiện để lại làm vốn liếng cho Uyên sau này.
Từ ngày Uyên bước vào thế giới người lớn, thì nó đã bị tổn thương sâu đậm trong chính trái tim thơ ngây của nó. Mọi người dè bỉu mẹ con nó, nói nó là đứa không cha. Uyên thương mẹ già đã vất vả cực nhọc một thân một mình mà người ta còn độc mồm độc miệng xỉa xói những lời ác độc. Từ suy nghĩ ấy, nó trở nên hận mọi người, xa lánh tất cả. Nét mặt ngây thơ dịu dàng thời ngày nào giờ đây trở nên cau có, dễ nổi giận bất cứ lúc nào. Uyên sống bất cần đời và chẳng ai hiểu nổi nó. Thấy bộ dạng nó như thế, mọi người càng dè bỉu và buông những lời độc địa hơn khiến bà Tâm đã khổ lại càng thêm đau lòng. Mấy đứa con lớn cũng bất mãn không chấp nhận Uyên là đứa em út của chúng nó. Rõ khổ, ngày chồng bà đi ra mặt trận rồi mất xác trên chiến trường, sau một thời gian bà sinh Uyên. Cái miệng thế gian mà, tò mò xăm soi hết cả mọi ngõ ngách đời người ta. Họ cho rằng bà là kẻ trắc nết. Thế rồi đứa con ngày ra đời đã không biết mặt cha, lại còn không đón nhận được tình yêu thương của chính các chị ruột của mình- điều mà lẽ ra một đứa út mồ côi cha như nó đáng phải được hưởng nhiều hơn. Bà Tâm cắn răng chịu đựng dư luận đàm tiếu của hàng xóm và sự ghẻ lạnh của con cái để cố gắng nuôi Uyên ăn học cho bằng bạn bằng bè. Uyên hiểu tất cả tình thương ấy. Nó càng xót xa khi thấy nét buồn trên mắt mẹ. Một ngày, Uyên bỗng trở thành một con người khác sau bao nhiêu những dồn nén từ tuổi thơ cho đến nay. Người ta đã không cho mẹ con nó cơ hội để được sống bình yên trong cái làng quê  nghèo này. “Được rồi, nếu thế thì tôi sẽ cho các người thấy cái giá phải trả của những cái lưỡi không xương”- Uyên nghiến răng lại, thầm nói trong lòng lời đắng đót ấy.
Uyên đã bước vào tuổi mười tám, bỏ học ngang xương, tập họp thêm mấy đứa con trai quậy phá trong làng hay cũng mang tâm trạng bất mãn nào đó và rồi thành lập nhóm “Hippy”. Chúng nó tôn Uyên là trưởng nhóm với cái tên “Uyên đại ca”. Cả nhóm quyết phải trả công lý cho những người bị áp bức trong đó có mẹ con Uyên. Nhóm bỏ học, đi bụi, ban ngày lêu lổng đi đây đi đó, tối đến cầm những khúc côn trên tay để hành động theo lệnh của “Uyên đại ca”. Trước đây, vùng quê này chẳng bao giờ có tệ nạn xã hội, không chốn ăn chơi, tụi mới lớn có muốn đi chơi cũng chẳng có chỗ nào chứa. Tối đến cứ bảy giờ là nhà thờ ngân lên một hồi chuông thật dài nhắc nhở đã đến giờ kinh tối. Giờ ấy đường chẳng một bóng người. Hết giờ kinh tối mới lại có tiếng ồn chút chút rồi im bặt cho người ta ngủ để lấy sức ngày mai vật lộn với đồng ruộng. Ngày ấy còn nghèo nhưng lại lành mạnh. Vài năm gần đây, bọn trẻ đi xa xứ lập nghiệp mang văn minh lẫn những tệ nạn xã hội mới về với vùng quê này.
Ở cái làng này nhỏ quá, ai ai trong xóm có chuyện gì người ta cũng biết hết. Nhà này hôm nay ăn cái gì người ta còn biết rồi bàn ra tán vào nữa là. Nhà ai sắm được cái giường hay cái tủ mới là cả xóm đến chia vui. Những chuyện nhỏ nhặt như thế người ta còn đủ điều mà nói huống hồ câu chuyện hằng ngày đi về của Uyên. Sáng, trưa, chiều, tối, lúc nào hàng xóm cũng lườm nguýt chì chiết mẹ con Uyên: “Hay gì thứ con rơi con rớt. Mẹ nào rồi con đấy cho mà xem”. Bà Tâm đón nhận tất cả những lời xỉa xói ấy bằng một sự im lặng can đảm. Quả vậy nếu không can đảm thì chắc bà đã bỏ xứ này đi từ lâu rồi. Quê có cái sự chân tình nhưng cũng tọc mạch lắm điều. Nhất là gia đình nào có chuyện chẳng lành thì không biết cái tiếng xấu ấy còn lưu truyền đến đời kiếp nào nữa. Thật đúng như cha ông vẫn nói: “Thương nhau thì củ ấu cũng tròn, ghét nhau thì bồ hòn cũng méo”.
Thấy đứa con gái nhỏ yêu quý bỗng thay đổi đến lạ thường, bà Tâm đau lòng lắm nhưng người mẹ ấy quá hiểu trái tim của nó. Bao nhiêu tình thương bà dành cho nó nhiều hơn. Nhưng dù thương bao nhiêu thì những lời mỉa mai kia vẫn như những nhát dao đâm vào trái tim thơ ngây của nó đến rướm máu. Nó không chịu nổi những ánh mắt và lời gièm pha mà người ta dành cho hai mẹ con nó. Nó muốn hét lên, muốn bước ra khỏi con người dịu hiền được hưởng “gien” từ mẹ để trở thành một kẻ giang hồ đúng nghĩa. Con bé thùy mị có đôi mắt màu hạt dẻ với mái tóc dài óng mượt bỗng biến thành một “đứa con trai”. Mái tóc mà mọi người thầm ước ấy Uyên đi cắt ngắn rồi nhuộm xanh xanh đỏ đỏ. Dáng đi thướt tha ngày nào giờ đây thành ngông nghênh bất cần đời. Cái mặt nó vênh vênh váo váo như muốn thách thức tất cả. Nó bận quần áo y như con trai. Trái tim người mẹ đã đau đớn vì chồng mất, con cái bỏ đi xa nay lại càng đớn đau hơn trước sự “lột xác” của con đứa con gái nhỏ còn lại mà bà rất yêu quý. Trái tim người mẹ mách bảo cho bà biết những diễn biến trong tâm lý của đứa con gái tuổi mới lớn. Bà chẳng biết làm gì hơn ngoài lời cầu nguyện tha thiết xin Chúa thương xót Uyên. Bà không bao giờ mất niềm  tin vào một ngày nào đó Thiên Chúa sẽ làm điều kỳ diệu mà Người muốn nơi con bà.
Trong hơn mười năm, Uyên ra tù vào khám không biết bao nhiêu lần vì tội đánh lộn gây rối trật tự xóm làng. Chẳng mấy ngày người ta lại kéo đến nhà bà Tâm mắng vốn: “Bà không biết dạy con bà à! Con gái con đứa suốt ngày lêu lổng rồi đi đánh nhau. Oan khiên đây mà”. Có ngày người ta không thấy bà ờ nhà, họ kéo nhau ra đến ruộng rồi mắng nhiếc bà. Những lời ấy như con dao găm đâm thấu trái tim người mẹ già tội nghiệp. Bà Tâm thân cò một mình chắt chiu với cuộc sống ngày càng kham khổ hơn. Cả tuần lam lũ vất vả, cuối tuần lại đón xe cả trăm cây số để đi thăm nuôi nó. Dầu đường xa, tốn tiền mất sức nhưng vì tình yêu thương, bà vẫn muốn sự hiện diện ấy sẽ làm trái tim nó lay động vào một ngày gần đây. Bà Tâm không bao giờ mất niềm hy vọng dẫu rất mong manh ấy. Đêm nào Uyên cũng về khuya, bà Tâm lại ngồi bó gối bên bàn thờ thầm thĩ nguyện xin cho đứa con gái giờ đây không cỏn biết đến sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời nó. Đã biết bao đêm, bà quỳ bên bàn thờ, những giọt nước mắt mặn đắng rơi lặng lẽ vào đêm sâu hun hút cô đơn như cuộc đời của người mẹ xấu số ấy.

Uyên biết điều đó. Sống trong trại cải tạo khiến trái tim nó cũng thổn thức nhiều. Mỗi lần mẹ đến thăm, nó tỏ ra bất cần, nhưng khi bóng dáng còm cõi ấy khuất đi, Uyên lại đau đến quặn lòng. Nó biết nó làm như thế sẽ chỉ thêm đau lòng mẹ mà thôi và mất cả tương lai đời mình, nhưng sao bảo quay trở về làm lại cuộc đời thì nó chẳng làm được. Cái mâu thuẫn làm khổ tâm lòng người nhất là khi người ta biết phải làm gì mà lại không làm được. Hết cải tạo rồi lại về… Cũng chứng nào tật ấy… Ban ngày nó là một con người khác, nhưng đêm đến, nó trở về với cõi lòng trong sự ân hận day dứt khôn nguôi. Bạn bè đồng trang lứa đã đi lấy chồng, đứa nào cũng có việc làm ổn định, yên bề gia thất, được nghe những tiếng bi bô gọi mẹ ơi ời. Là phụ nữ, nó cũng thèm lắm có một bóng dáng nào đó che chở, thèm được nghe tiếng “mẹ” thân thương lắm chứ. Nhưng... có ai hiểu được nỗi lòng của nó!!!
Nhưng... làm sao nó có thể cứ mãi làm cho gánh nặng trên vai mẹ oằn hơn mãi? Nghĩ thế, nó mạnh mẽ đưa ra một quyết định cũng táo bạo không kém quyết định đi bụi năm nào. Nhưng quyết định này là quyết định không phải của lứa tuổi ngông nghênh mới lớn nữa, mà là quyết định của một con người đã thực sự trưởng thành, chín chắn hơn trong bước đi của mình. Đã lâu, rất lâu rồi Uyên chẳng đoái hoài gì đến nhà thờ, bỏ luôn việc cầu nguyện. Nhưng đêm nay, nó đang nằm miên man suy nghĩ. Nó nhớ đến những việc làm vô duyên của mình và nhóm bạn hồi chiều, rồi lời nói của người cha dạy con mình sau khi chứng kiến nó cùng nhóm bạn đánh lộn với nhóm kia. Ông nói: “Con ạ! Con không được ghét họ nhưng ghét lối đi của họ. Mình cùng cầu nguyện cho những con người đó được ơn Chúa mà quay trở về với Ngài.”. Ồ, cầu nguyện ư? Hồi nhỏ mỗi tối mẹ đếu dạy nó cầu nguyện. Lúc ấy nó thấy Thiên Chúa là một Đấng vô cùng cao cả quyền năng. Mẹ bảo Chúa có thể làm tất cả. Ồ, vậy tại sao nó lại không nói với Người về quyết định mới này. Một mình nó có thể sẽ không làm nổi vì mặc cảm, nhưng với Chúa, mẹ vẫn bảo Người có thể làm được những điều tuyệt diệu kia mà. Nghĩ thế, Uyên ngồi bật dậy. Trong đêm vắng, nó nghe tiếng thở nhẹ của mẹ. Chắc mẹ đã ngủ say sau một ngày vất vả trên cánh đồng rồi thêm thời gian ngồi chờ đợi nó nữa. Nhưng trên khoé mắt nhắm nghiền của mẹ những giọt nước mắt như vẫn đang rơi…Chiếc đồng hồ cũ treo tường kỷ niệm của bố nó để lại gõ mười hai tiếng khuya khoắt nghe sao thật sâu lắng. Nó rón rén đi ra nhà ngoài, với tay lên bàn thờ cầm cây nến nhỏ cùng cái hộp quẹt, rồi lại nhẹ nhẹ trở lại giường. Nó thắp nến, ngồi bó gối, nhìn vào ngọn nến cứ cháy lụi dần. Từng giọt nến lặng lẽ rớt vào đêm sâu. Nó thấy cây nến nhỏ kia sao giống cuộc đời của mẹ nó quá. Bà cũng hy sinh cả cuộc đời cho nó. Mỗi giọt nến rớt xuống là một phần đời mất đi. Nó cứ ngồi yên như thế cho đến khi cây nến chỉ còn một nửa. , mau tan chảy thế sao? Nếu nó không mau quay trở lại thì lẽ nào... không còn kịp nữa! Nghĩ thế, nó bật khóc. Những giọt nước mắt ở đâu cứ tự do rơi xuống mặn đắng bờ môi. Đã lâu lắm rồi nó chẳng thể rơi giọt lệ nào. Nhưng sao đêm nay, chỉ ngồi nhìn ngọn nến, nghĩ đến mẹ, nó lại khóc như chưa bao giờ được khóc. Con người ta có thể vững mạnh bất cứ lúc nào trước mọi tình huống, nhưng chỉ cần nghĩ đến mẹ là trái tim dù sắt đá cũng trở nên yếu mềm. Nó thương mẹ quá đỗi. Mẹ như thân nến bền bỉ kia chẳng nghĩ đến sự tiêu hao mà cứ mãi khoe sáng để cho đời nó được êm ấm. Rồi sẽ đến lúc ngọn nến ấy sẽ vụt tắt chẳng còn gì. Lúc ấy, nó sẽ nhờ đến ánh sáng nào đây?
Ánh nến sáng cũng gợi cho nó nhớ cái ngày còn bé nó được bà Quản chọn vào đội hoa của nhà thờ. Hồi ấy đứa nào được chọn thì thích lắm. Lúc dâng nến, gợi cho nó nhiều xúc cảm hơn hết. Nó tưởng tượng Thiên Chúa đang hiện diện trong tia sáng kia, Người như đang muốn nói với nó điều gì đó. Đêm nay, tia sáng le lói kia cũng như đang muốn ngỏ với nó một điều. Nó hiểu Chúa muốn nó phải làm gì. Nó còn bé bỏng gì nữa đâu chứ. Đâu thể mãi là gánh nặng cho mẹ. Đâu thể cứ để những lời xì xầm và những ánh mắt kia đè nặng lên cái thân thể gầy gò tiều tụy của mẹ nó mãi.
Nó có ý định làm lại cuộc đời.
Một  buổi tối, nó không đi chơi như mọi hôm, không hẳn vì thấy dáng gầy gò của mẹ tựa cửa tay cầm cái quạt nan hay ngồi cầu nguyện trong căn nhà đã cũ nát từ ngày bố mất chẳng ai sửa chữa cho để rồi quanh năm nơm nớp lo sợ gió bão chờ đợi, mà vì trong lòng nó cảm thấy có điều gì đó thổn thức lắm. Bà Tâm thấy hôm nay con gái bà khác lạ, bà lại gần, hỏi nhẹ:
-                      Hôm nay con gái mẹ có chuyện gì hả?
-                      Không- Nó đáp cụt lủn y như mái tóc tém ngắn cũn cỡn trên đầu.
Giọng bà Tâm nhỏ lại:
-                      Tại mẹ thấy con không như mọi hôm.
-                      Không muốn đi nữa- Vẫn cách nói không đầu không đuôi ấy, Uyên đáp lại.
-                      Hôm nay con có tâm sự gì phải không?- Bà Tâm vẫn kiên nhẫn với giọng nhỏ trầm.
Dường như đã lâu, rất lâu rồi nó không ngồi bên mẹ. Có chăng chỉ nói vài câu xã giao cụt lủn rồi lại đi. Là người mẹ nghèo quê mùa nhưng bà Tâm hiểu tâm lý con gái mình. Bà nhận thấy gần đây con bà có biểu hiện khác. Nét mặt nó không còn ngổ ngáo như trước kia. Dù vẫn trong bộ đồ bụi bặm ấy, vẫn cái đầu như con trai ấy nhưng trông nó lặng lẽ hơn. Mấy ngày nay, nó ở nhà phụ mẹ cắt lúa, làm cỏ. Nó ít ra ngoài và dường như chẳng muốn tiếp xúc với bất cứ ai. Lòng bà Tâm mừng thầm, chắc hẳn Thiên Chúa đã nhậm lời bà nguyện cầu.
-                      Mẹ.., con muốn… làm lại cuộc đời- Cố gắng mãi Uyên mới nói được điều muốn nói.
Nói đến đây, cổ họng nghẹn ứ, Uyên bật khóc. Đứa con gái đã từng làm cho những người tiếp xúc phải sợ hãi giờ đây đã biết khóc. Bà Tâm ngồi xích lại gần con hơn, đưa tay ôm nó rồi để cho cái đầu xanh xanh đỏ đỏ ấy tựa vào vai mình. Đối với bà nó vẫn là đứa con nhỏ ngày nào. Trong vòng tay mẹ, Uyên cũng cảm nhận được hơi thở ấm áp như những ngày thuở nhỏ. Hơn mười năm qua nó không tựa vào lòng mẹ mỗi khi bị bạn bè chửi rủa, khinh bỉ nó là đứa không cha. Có lẽ vì vậy mà việc nó trở nên một người “khác” đã làm mẹ buồn. Giờ đây khi nỗi cô đơn xâm chiếm tận cõi lòng, khi cảm thấy vô cùng chán chường, Uyên bỗng tìm thấy bình yên nơi lòng mẹ. Đã lâu lắm rồi Uyên mới thể hiện tình cảm yêu thương dành cho mẹ và cũng rất lâu rồi bà Tâm mới có cơ hội gần con. Hai mẹ con hạnh phúc trong sự bình yên hiếm có này. Đêm tĩnh mịch đến nỗi có thể nghe thấy cả tiếng thở nhẹ của hai con người một già một trẻ. Đêm khuya mang cả tiếng gió lùa qua kẽ lá lay nhẹ sợ mùa thu thức giấc và có cả tiếng muỗi vo ve tìm thức ăn khi đêm xuống. Hai mẹ con tuy chẳng nói thêm được gì nhưng cả hai đều muốn giữ cái khoảnh khắc tuyệt diệu hiếm có này. Trong vòng tay mẹ, Uyên khóc như chưa bao giờ được khóc.
Một lúc sau, Uyên mới bớt xúc động, nó lên tiếng:
-                      Con chán cuộc sống này lắm rồi..... Con thấy mình thật là tồi tệ, chẳng làm được gì giúp mẹ, lại chẳng có ích gì cho ai. Con đã tự phá hoại đời mình rồi.
Nghe đứa con bà đã cất công gần ba mươi năm cưu mang và nuôi nấng nói những lời đó, lòng người mẹ như cất được một gánh nặng vì cuối cùng bà đã mòn mỏi chờ đợi câu nói này biết bao nhiêu năm. Thiên Chúa Tối Cao đã không để bà mất hy vọng. Dù khó khăn, dù khổ cực, dù ở nơi chẳng có chút hy vọng thì bà Tâm vẫn cậy trông và tín thác tuyệt đối vào Thiên Chúa như đứa bé thơ bình yên khi được nép mình trong vòng tay mẹ nó. Dẫu cho thời gian có mòn mỏi vẫn không thể làm lay chuyển niềm tin mạnh mẽ kiên cường ấy vào Thiên Chúa. Dù cho những người hàng xóm có lắc đầu ngao ngán với sự chờ đợi ngày đổi đời của Uyên- đứa con hết thuốc chữa, thì bà Tâm vẫn tin ngày hạnh phúc sẽ đến với bà không xa đâu.
Bà vẫn im lặng trong niềm hạnh phúc vô bờ. Lúc này bà muốn nghe tiếng lòng của Uyên để con gái bà có thể trút hết nỗi niềm của nó.
-         Mẹ ! Con xin lỗi mẹ, con hiểu biết bao năm qua mẹ đã quá khổ vì đứa con gái bất hiếu này. Con đã chẳng ngày nào làm cho mẹ hạnh phúc.
Bà Tâm xoa đầu con gái, cười nhẹ.
-         Con nhỏ này, nói gì linh tinh vậy, Mẹ quên hết những tháng ngày qua rồi. Mẹ chỉ còn nghĩ đến hạnh phúc này thôi. Bây giờ mẹ đang rất hạnh phúc ngồi bên con, nghe con nói những lời này. Con gái nhỏ biết không, mẹ đã chờ đợi rất lâu, mẹ cầu xin Chúa và tin có ngày mẹ sẽ được nghe lời này và quả thật Ngài đã quá thương mẹ đó nhỏ à!.
Ánh điện nhỏ từ bàn thờ soi lờ mờ, Uyên thấy được niềm vui trong đôi mắt mẹ. Một niềm vui rất lớn hiện trên khuôn mặt da đã nhăn nheo, với màu tóc gần như bạc trắng lúc nào cũng búi tó củ hành vì lam lũ với đồng ruộng, suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để kiếm cái ăn nuôi hai mẹ con. Uyên bỗng thấy xót xa vô cùng. Mà sao đến bây giờ nó mới chợt nhận ra khi đã bỏ đi gần nửa đời người. Có quá muộn để làm lại cuộc đời không? Mọi người xung quanh có chấp nhận nó không ? Nó cần sự tha thứ của mọi người. Nó sợ những ánh mắt dè bỉu đối với hai mẹ con nó suốt bao năm qua. Từ ngày còn bé họ đã khinh chê, miệt thị gia đình nó. Mà sao mẹ vẫn hạnh phúc nhỉ? Nó tự hỏi và hiểu ra niềm tin vững mạnh ấy chỉ có được nơi Thiên Chúa.  Mỗi đêm, nó cứ đi đến gần sáng mới lò mò về nhà. Lúc ấy chuông nhà thờ đã báo, bà Tâm với cái dáng gù gù tay cầm chiếc đèn bão lò dò đường đi bộ cả gần ba cây số để đến nhà thờ. Tối đến lại đi đọc kinh với các ông bà trong xóm. Ôi! Sao bao năm qua mà Uyên lại không có được niềm tin ấy để có thể cùng bước với mẹ những bước đi của niềm tin?
Bầu khí im lặng chợt bị đánh tan khi Uyên đề nghị:
-         Mẹ, con sẽ làm lại cuộc đời, nhưng nếu ở đây thì khó quá. Con thấy mình khó có thể thoát ra khỏi dư luận được… Con rất muốn ở bên mẹ để phụ giúp mẹ. Mẹ đã già yếu rồi, sao con cảm thấy ngại quá!
Bà Tâm hiểu thấy con mình nên không bất ngờ với lời đề nghị ấy. Bà không cản ngăn vì bà biết những rào cản của dư luận xã hội có khi không làm cho con người ta có cơ hội để làm lại cuộc đời. Và với Uyên, bà biết tính con gái bà, nó đã muốn điều gì thì quyết phải làm cho được. Bà hỏi nhẹ :
-         Ra đời con sẽ gặp nhiều khó khăn đó nhỏ à!
-         Mẹ ạ ! Con lớn rồi. Con có thể tự lo cho mình, những năm tháng sống đời giang hồ con đã biết cách tự bảo vệ mình. Mẹ cứ yên tâm ở nhà và tiếp tục cầu nguyện cho con.
Thấy đêm càng tĩnh lặng hơn, chắc đã khuya lắm rồi, bà Tâm đề nghị:
-         Thôi khuya rồi, mẹ con mình đi ngủ nhé, mai mình sẽ bàn tính tiếp.
Hai mẹ con cùng đọc kinh tạ ơn Chúa rồi lên giường.
Nói được những điều giấu kín trong lòng bấy lâu nay, Uyên thấy nhẹ cả người. Và hơn nữa, sau những lời thú tội ấy, nó lại thấy được nụ cười mãn nguyện của mẹ. Tình thương ấy chẳng bao giờ cạn dẫu cho nó đã đi hoang bao phen ngụp lặn trong tội lỗi.
Đêm đó hai mẹ con ngủ chung giường. Có lẽ đã hơn mười năm qua, hôm nay Uyên mới nghe lại nhịp thở khe khẽ của mẹ, ngửi được cái mùi hanh nắng lúa thơm của đồng ruộng quê nhà nơi bộ quần áo mẹ đang mặc. Thật ấm áp trong tình yêu của mẹ. Uyên chợt nghĩ về tương lai. Nó hạnh phúc với những gì vừa mới xảy ra tối qua. Cả đêm Uyên không thể chợp mắt, nó nghĩ đến tương lai, nghĩ đến đời mẹ. Mãi gần sáng tiếng chuông vọng xa từ nhà thờ. Mẹ nhẹ nhàng lật tấm chăn ra, đắp đến tận cổ cho đứa con gái yêu quý của bà. Thật ra Uyên đã tỉnh giấc từ lúc nào. Niềm hạnh phúc khiến Uyên thao thức. Nó nhìn theo cái dáng gầy còm của mẹ liêu xiêu khe khẽ đi ra sân để đánh răng rửa mặt, thương mẹ quá. Uyên bỏ chăn, tháo màn rồi ra sân theo mẹ.
Nghe tiếng động, bà Tâm quay lại. Trông thấy Uyên, bà nói:
-         Con dậy sớm thế? Đêm qua ngủ muộn còn mệt mà, vô ngủ tiếp đi con gái.
-         Không, Uyên mạnh mẽ. Hôm nay con sẽ đi lễ và xưng tội.
Nghe con nói thế, bà Tâm mừng quá chẳng nói được câu nào. Hai mẹ con vui mừng nhanh nhẹn rồi đi đến nhà thờ.
Thánh lễ hôm ấy, Cha đọc đoạn Tin mừng về người con hoang đàng. Hình ảnh đứa con trở về cứ đánh động Uyên mãi. Sau lễ, Uyên xin được lãnh nhận bí tích hòa giải. Lời khuyên của vị linh mục càng thêm động lực và niềm tin cho Uyên quyết định làm lại cuộc đời. Uyên nhớ mãi lời Cha : “Thiên Chúa luôn yêu thương và chờ đợi con trở về, Ngài không bao giờ mất kiên nhẫn với ai cả. Ngài là Cha yêu thương luôn dang rộng vòng tay chờ đón con. Con biết, đối với Chúa, Ngài quý một con chiên bị đi lạc hơn là chín mươi chín con chiên kia lành lặn…”
Từ hôm đó, Uyên không đi sớm về khuya nữa. Cô từ giã nhóm bạn giang hồ và khuyên bảo chúng nó từ nay hãy đổi đời để sống có ý nghĩa hơn. Mất đi “đại ca” nhóm Hippy cũng dần dần giải tán. Xóm làng lại yên ổn. Uyên cũng đi nhuộm lại mái tóc, dáng đi cũng nhẹ nhàng hơn…. Ở nhà, ban ngày Uyên ra đồng giúp mẹ, tối đến hai mẹ con cùng ngồi bên bàn thờ đọc kinh. Uyên cảm thấy bình yên hạnh phúc ngần nào, cái hạnh phúc mà chẳng gì có thể đánh đổi được, cái hạnh phúc mà nó đã vô tình đánh mất hơn mười năm qua. Bây giờ chỉ có niềm tin và hy vọng mới có thể giúp Uyên làm lại cuộc đời.
Hạnh phúc bên con chẳng được bao lâu, bà Tâm lại phải xa con vì tôn trọng quyết định của con. Uyên muốn ra đi. Uyên biết rõ cái làng còn mang nặng tư tưởng phong kiến này vẫn chưa chấp nhận nó. Dư luận không cho Uyên cơ hội để có thể hoán cải. Uyên định sẽ ra đi một thời gian, sau khi trở thành một con người thực sự, cô sẽ trở về để chăm sóc người mẹ già. Uyên hiểu bây giờ cô chỉ có thể lấy lại niềm tin của mọi người bằng việc phải cố gắng đổi đời. Cô sẽ lên đường, quên đi chặng đường đã qua để lao mình về phía trước, không ngoái đầu nhìn lại ….
… Kể đến đây, cô gái lau nước mắt:
-         Dì ơi! Uyên chính là con, là người mà Dì vẫn gọi vẫn đi với Dì đó.
Tôi ngờ ngợ hiểu chuyện. À, thì ra cô đang kể về cuộc đời của chính cô. Hay quá, một bài học quý giá cho tôi trong công tác Tông đồ của người tu sĩ. Cô gái ngồi trước mặt tôi có dáng người nhỏ nhắn, chạc bốn mươi, trông giống như một người tu vậy. Nghe giọng nói nửa Nam nửa Bắc của cô, tôi không thể đoán biết cô là người gốc ở đâu. Chỉ cảm phục sao cô gái ấy chỉ mới quen với mình mà chân tình quá. Cô không ngại bộc bạch cả cái quá khứ đen tối của đời mình cho tôi nghe.
Tôi bất chợt hỏi:
-         Rồi sau khi xa quê hương, chị Uyên đã sống như thế nào?
Cô gái giọng trầm lại:
-         Sau khi ra đi, con vào Sài Gòn tự tìm việc làm. Cũng rất may mắn, con gặp được các Dì của Tu hội Bác ái Vinh sơn. Các Dì rất yêu thương đã cho con ở trong Dòng để đi làm. Ngày nghỉ con được theo các Dì đi làm việc thiện nguyện ở nhiều nơi.
-         Rồi còn mẹ?- Tôi hỏi.
Cô gái vẫn với cái giọng nửa Nam nửa Bắc ấy rất chân thành:
-         Lúc sống tá túc trong Dòng, con có dịp tâm sự với Dì Alphong. Dì nói con hãy đưa mẹ vào Nam này sống để hai mẹ con được gần nhau.
-         Bây giờ sao chị Uyên lại về đây?- Tôi thắc mắc.
-         Dạ, ba năm sau mẹ qua đời khi con chưa kịp đưa mẹ vào. Lúc đầu con rất hối hận vì lời hứa trở về chưa thực hiện được. Nhưng dù con không được trở về với mẹ bằng đôi chân như lời đã hứa, nhưng Chúa đã làm cho con thực sự trở về bằng con tim, bằng cả cuộc sống sau này của con. Chắc mẹ con giờ này hạnh phúc mãn nguyện lắm đó.
-         Rồi sau đó?- Tôi cầm bàn tay Uyên muốn xoa dịu bớt nỗi mất mát của cô.
-         Sau đó các Dì đã giúp đỡ con để lo ma chay cho mẹ rất chu đáo. Con thật may mắn khi gặp được một chị góa chồng đã gần hai chục năm. Chị ấy rất hiểu và yêu thương con. Chị ấy đã cưu mang con suốt thời gian qua. Con về sống với chị từ đó cho đến nay. Ngoài giờ phụ giúp quán cơm cho bé cháu con của chị thì con đi làm việc thiện nguyện Dì ạ! Con nghĩ đó chính là cách để con đền lại những thiếu sót trong quãng đời đã qua. Dì biết không, cuộc đời con có được ngày hôm nay cũng là nhờ niềm tin nơi mẹ của con. Con tin ở trên Trời, mẹ cũng đang nhìn xuống để cầu nguyện cho con mỗi ngày.
Nhìn ánh mắt chị như còn điều gì đó ngổn ngang, tôi nhìn sâu vào ánh mắt đang nhìn vào cõi xa xăm của chị:
-         Hình như trong chị còn có một điều gì đó khắc khoải?
-         Dạ! Uyên ngậm ngùi. Con thấy mình có lỗi nhiều với mẹ lắm Dì ạ! Con mong được về tạ lỗi với mẹ dù chỉ là một lần trong đời. Nhưng... - Nói đến đây Uyên lại xót xa- con vẫn cảm thấy ngại ngùng lắm.
Người con gái ấy, tôi cũng chỉ mới biết khi về với cộng đoàn ở vùng quê nghèo này. Cô là tình nguyện viên, chở tôi đi trao Mình Thánh Chúa cho kẻ liệt ở mãi tận khu đồi xa xôi. Lúc đầu tôi không dám hỏi về  thân thế của cô. Chỉ biết cô hiện đang sống với một người chị em kết nghĩa. Còn gia đình ruột thịt của cô thì tôi chẳng nghe nói. Từ ngày tôi chuyển về cộng đoàn này, thấy cô hay qua Tu viện, khi thì dâng bông hoa cho Đức Mẹ, lúc thì giúp sơn sửa cái hàng rào xung quanh nhà nguyện, mùa Noel thì lại trang trí hang đá cho Chúa Hài Đồng. Thỉnh thoảng lại thấy cái dáng bé nhỏ ấy sang sân tu viện nhổ cỏ quét sân. Khi có công tác tông đồ, cô lại cùng các Dì hăng say đi phát quà cho người nghèo.
Đoạn đường từ đồi cao su về đến Tu viện cũng khá xa. Vào mùa này ban sáng trời rất lạnh. Chiếc xe máy cứ từ từ lăn bánh trong câu chuyện cuộc đời của cô. Tôi ngỡ ngàng như đang đi lạc trong câu chuyện cổ tích thần tiên hay được nghe bà kể hồi nhỏ. Sương xuống khá lạnh, kéo chiếc khăn choàng kín cổ, tôi mỉm cười đón một ngày mới trong niềm hạnh phúc tuyệt diệu chưa từng có từ trước đến nay. Tôi thầm cảm phục cô gái ấy quá. Một con người trông bé nhỏ yếu đuối nhưng lại mạnh mẽ và kiên quyết hơn ai hết. Cảm ơn tình thương bao la, đức tin vững mạnh của người mẹ cao cả đã giúp cho một lời hứa được thực hiện. Vâng, tôi tin dù Uyên không trở về bằng đôi chân nhưng cô đã trở về bằng một chuyến hành trình cả cuộc đời mình.
... Chuyến tàu từ Nam ra Bắc đỗ ngay trước sân ga. Có hai bóng dáng con người nhè nhẹ bước về phía bên kia đường, ngoắc một chiếc ta-xi, chỉ lối về hướng đi Thái Bình, rẽ vào phía nghĩa trang. Trên tay, cô gái cầm bó bạch hồng, bước từng bước và dừng lại bên một ngôi mộ còn mới. Run run nhẹ nhàng, cô đặt bó hoa trên nấm mồ, khuỵu gối xuống rồi òa khóc trong tiếng nấc: “Mẹ, con đã về....”