Trang

Music

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

TÌM Ở ĐÂU RA SỰ CÔNG BẰNG?

                                                                           

Đã bao lần tôi hét lên với câu hỏi này, khóc rồi cười, cười rồi khóc như một kẻ điên, mà sao vẫn chẳng có câu trả lời?
Tìm ở đâu ra sự công bằng trong xã hội này, trong cuộc đời này?
Chắc hẳn bạn và tôi, những người khao khát đi tìm chân lý, ít nhiều lần chúng ta cũng đã đi tìm giải đáp cho lời chất vấn này, nhưng có lẽ chưa thấy, và hôm nay tôi dám chắc chắn sẽ không bao giờ thấy.
Điều chắc chắn ấy không làm tôi thất vọng đâu bạn ạ!
Cuộc sống vốn dĩ không công bằng, luôn chứa đựng những điều bất ngờ, rủi ro ngoài ý muốn. Rất nhiều người không may lâm trọng bệnh, hay bỗng nhiên phải gánh chịu những tổn thất mà họ không hề gây ra, không hề lường trước. Một người rất tốt bụng, nhiệt tình, giỏi giang, đầy tài năng lại bị ung thư giữa tuổi trẻ; một gia đình đã hiếm hoi lại mất đi đứa con duy nhất; hay một gia đình đã nghèo mà một hôm lại bị bọn cướp đốt nhà,… vân vân và vân vân…
Những câu chuyện như thế, ắt hẳn bạn và tôi chẳng thấy hiếm hoi xảy ra trong cuộc đời này phải không? Trách ai bây giờ, lẽ nào Ông Trời không có mắt?
Có biết bao khó khăn, bất trắc, thảm họa nằm ngoài tầm kiểm soát, điều khiển của con người. Nếu chúng ta đo đếm hạnh phúc của đời mình dựa trên những điều mà chúng ta không có được và cảm thấy không công bằng, thì chắc chắn lúc nào chúng ta cũng thấy thân phận mình sao hẩm hiu quá! Không ai có thể sống bình yên suốt đời mà không bị những biến cố ngoài ý muốn tác động. Vì vậy, cách tốt nhất là chúng ta hãy hướng đến những gì ta đã và đang có, những niềm hy vọng mới, để cảm thấy nhẹ nhàng hơn đối với những nỗi buồn, những điều rủi ro trong cuộc sống.
Bertrand Russell có lý khi ông nói: “Nếu như mọi hạnh phúc trên đời đều đặt trên nền tảng của sự công bằng, thì cuộc sống chẳng còn gì là thú vị và để chúng ta phải cố gắng nữa!”
Có những bất hạnh mà ta cứ nghĩ chỉ có một mình mình phải gánh chịu, nhưng thật ra, đã có cả hàng trăm ngàn người trước ta đã từng trải qua. Cho nên, một thái độ sống tích cực không phải là ngồi than thân trách phận, cho rằng cuộc sống bất công với mình mà là biết cách thích ứng với hoàn cảnh sống, nhận thức rõ những gì cần làm để vượt lên và thay đổi tình thế. Chúng ta luôn mong cuộc sống phải công bằng. Thế nhưng, trong khi người khác đang phải vất vả tìm cách cải biến những điều chưa tốt thì chúng ta lại chỉ biết ngồi một chỗ mà than trách. Làm như vậy tức là chúng ta đã không công bằng với chính bản thân mình và với người khác rồi!
Tại sao trong cùng một hoàn cảnh, cùng chịu tác động của một biến cố không may, nhưng người này thì tìm thấy hướng đi lên, còn với người kia thì chỉ thấy toàn đau thương, mất mát? Tất cả đều là do cách nhìn của chúng ta. 
Khi than trách, cũng là lúc bạn tự đánh mất cơ hội để vươn lên. Điều này có nghĩa là bạn đã tự mang lại cho mình sự bất công. Nhiều người khác không mất thời gian và công sức để oán than cuộc sống, họ biết tích cực suy nghĩ và hành động nhanh chóng để cải biến hoàn cảnh.
Phải chăng lâu nay, bạn đã bỏ lỡ biết bao cơ hội để sống hạnh phúc khi bạn cứ một mực đòi hỏi mọi chuyện trong cuộc sống đều phải công bằng theo ý mình? Trong mọi tình huống, bạn có biết làm thế nào để mình cảm thấy được tự do, thoải mái, nhẹ nhõm và hạnh phúc hơn không? Trong mỗi hoàn cảnh tưởng chừng như rất bất lợi, khó khăn, bạn vẫn có thể học được một bài học tuyệt vời nào đó. Đó mới chính là sự công bằng mà bạn xứng đáng được hưởng, vì bạn đã phải rất vất vả mới tìm ra nó. Còn nếu chúng ta cứ ngồi oán trách mọi thứ “sao không công bằng” thì có nghĩa là chúng ta tự đem đến sự bất công cho chính mình!
Tại sao chúng ta không nghĩ rằng, đằng sau tất cả những sự kiện, những biến cố tưởng chừng như “vô cùng bất công” của cuộc sống, chính là những cơ hội tuyệt vời để bản thân ta rèn luyện tính kiên nhẫn, hiểu cuộc sống, đồng cảm với người khác…? Trên hết, qua những điều tưởng như “không công bằng” ấy, bản thân ta được trưởng thành hơn. Và như vậy thì, cuộc sống có công bằng hay không là do ở cách nhìn nhận và nỗ lực nơi bản thân ta mà thôi!
Với tinh thần Kitô giáo, chúng ta còn có một cách thế đón nhận đau khổ thật tuyệt vời, đó là nhìn lên Đức Kitô trên thập giá. Lẽ nào cái chết, sự đau khổ của Ngài lại vô nghĩa? Chắc chắn không. Ngài dùng sự đau khổ để cứu độ thế giới, cứu độ con người. Nhìn Đức Giêsu trên thập giá, chúng ta tìm ở đâu ra sự công bằng? Thế nhưng nếu không có cái chết ấy, liệu mỗi chúng tacó được cứu độ? Đức kitô đã dùng chính những điều mà thế gian coi như bất công đó để làm nên một giá trị mới, giá trị đó lớn lao vô cùng mà trí con người không thể hiểu thấu. Đau khổ- thay vì để nó đè bẹp mình, thì sao ta lại không dùng đó như phương thế để kết hợp với đau khổ của Chúa mà sinh ơn cứu độ cho con người cùng với Ngài?
Chỉ khi ta biết nhìn lên Thánh giá Chúa, ta mới thấy được đau khổ mang lại một giá trị lớn lao, để rồi, từ đó ta bớt than trách cuộc đời. Cuộc sống hạnh phúc hay đau khổ là tùy ở ta, chứ không phải ở hoàn cảnh.
Hãy nhớ, không ai có thể cướp được hạnh phúc của bạn khi mà bạn không cho phép. Tất cả là tùy ở bạn.



ĐÃ ĐẾN LÚC...


Đã đến lúc ta chợt nhận ra hạnh phúc không hệ tại ở những điều bên ngoài như tiền bạc, quyền lực, danh giá và số lượng những người kết thân với ta.
Đã đến lúc ta yêu những bước chầm chậm trên con đường, đếm  từng bước đi và có thể nghe cả những âm thanh khua nhẹ của  những chiếc lá rơi.
Đã đến lúc ta không cần đến một bàn tay ủ ấm, và tự mình có thể ngẩng cao đầu đón nhận nỗi đau.
Đã đến lúc không còn muốn ngủ vùi trong chăn mà muốn thức dậy sớm, chờ đón ánh bình minh và nghe tiếng chim hót cùng ngắm những nụ hoa hé nở dưới làn sương sớm, biết yêu mến những điều giản dị xung quanh đơn sơ mà gần gũi, chứ không chờ đợi những ước mơ xa vời.
Đã đến lúc nhận ra mình trầm tư hơn, bớt than trách những khó khăn và thích lắng nghe tiếng đời nhè nhẹ.
Đã đến lúc không còn bận tâm đến một lời phê bình, dù là khen hay chê, bởi chính ta đã đủ thấu hiểu mình và ta vẫn là mình chứ không phải là những điều họ thêu dệt nên.
Đã đến lúc ta ung dung tự tại bước trên con đường mình đang đi, mà không bận tâm về quá khứ hay lo lắng về tương lai hoặc sợ sệt những điều xảy ra bên ngoài, bởi ta tin rằng Thiên Chúa ở bên trong có sức mạnh hơn tất cả những gì xảy ra bên ngoài ấy.
Đã đến lúc ta nhận thấy mình không cần phải tự làm khổ mình bởi những mục tiêu tự đặt ra một cách gò bó, và mình chỉ chú tâm sống giây phút hiện tại cho thật tốt.
Đã đến lúc không còn phải lao vào công việc đến nỗi quên cả bản thân, rồi lại khổ sở với những điều bất như ý.
Đã đến lúc biết tự yêu thương bản thân mình, biết dành cho nó một vị trí nhất định trong tâm hồn và tự hứa với lòng sẽ không bao giờ đối xử bất công với nó nữa.
Đã đến lúc có thể mỉm cười với chính mình, bỏ đi gương mặt cau có của bản tính thích cầu toàn của một thời.
Đã đến lúc chợt nhận ra mọi sự xảy ra xung quanh chẳng thể làm mất đi sự tĩnh lặng của tâm hồn.
Đã đến lúc không còn những giọt nước mắt đôi khi rơi trong đêm vắng. Thay vào đó là thanh thản bước ra sân, ngắm những vì tinh tú giữa trời đêm bao la của núi rừng và đón những ngọn gió mơn man làn tóc và mỉm cười bình yên.
Đã đến lúc muốn giã từ hiệu ứng đám đông và tìm về nơi yên vắng với những tiếng nhạc du dương trầm lắng.
Đã đến lúc đủ can đảm để bênh vực quyền lực những kẻ yếu thế và tìm lại sự công bằng cho họ.
Đã đến lúc ta tin mình có thể làm chủ mọi hoàn cảnh, chứ không để hoàn cảnh làm chủ mình.
Đã đến lúc ta cảm thấy thật sự thanh thoát, không còn lệ thuộc vào bất cứ điều gì bên ngoài, chỉ mong một sự bình yên trong tâm hồn có Chúa luôn hiện diện bằng việc tĩnh lặng cầu nguyện, tích cực sống trọn vẹn ơn gọi của mình và nhấc mình lên những điều nhỏ nhen tầm thường.
CÒN GÌ HẠNH PHÚC HƠN?