![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgrH35zOLm7xLuWjPeEISoeyvTXf8PVeO9nz1zTXj78v_r1BO3dY1b_HpzRUZcMPVvn9O31s-wMv4W0_H0CTpbCB9P3Ft-5g_z8HqIPADrNvrdmWd78cMELcFRBhdwz_-0aPO1-Vnipir-8/s1600/images.jpeg)
Trong một bài huấn giáo hồi tháng 3
năm 1979, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói đến ý nghĩa của sự chay tịnh như
sau: khước từ khoái cảm, các kích thích lạc thú và ngay cả thức ăn của uống tự
nó không phải là mục đích, nó phải mở đường cho những giá trị sâu xa hơn mà con
người nội tâm cần phải được nuôi dưỡng. Một sự khước từ, một sự hãm xác như thế
phải giúp tạo nên trong con người những điều kiện để có thể sống những giá trị
cao cả mà nó hằng khao khát.
Quả thực, con người chỉ thực sự được
sung mãn và trưởng thành khi nó biết khao khát những giá trị cao cả ấy. Và sự
trưởng thành thực sự mà con người đạt được qua sự chay tịnh không chỉ là thắng
vượt được những dục vọng và đam mê thấp hèn của bản thân mà chính là đưa con
người đến gần với tha nhân hơn.
Nếu ăn chay chỉ dừng lại với ý nghĩa
bên ngoài đó thôi thì nó không mang được ý nghĩa của sự trở về. Chay không phải
chỉ là “giảm thiểu phần ăn “ mà thôi, nhưng
còn giúp ta biết gặt hái những hoa trái tinh thần là hãm mình để mở ngỏ cho ta
đến gặp Chúa.
Tôi thích nghe hai chữ “ chay tịnh”
hơn là “ăn chay”. “Chay “ để “tịnh”. Chỉ có “tịnh” mới giúp việc “chay” mang một
ý nghĩa cao cả. Nếu chỉ “chay” không thôi, thì nó mang một ý nghĩa tiêu cực bên
ngoài, nhưng nhờ có “tịnh”, thì sự “chay” đó mới giúp tôi hồi tâm nhìn lại mình
mà biết trở về với tình thương của Chúa.
Thế giới ngày nay đang mất dần sự
thinh lặng bởi những ồn ào náo động bên ngoài và cả trong tâm hồn. Nhìn lại
ngày sống, có mấy phút giây ta để hồn mình lặng thinh? Nhiểu người sợ sự tĩnh lặng
bởi họ sợ sự yên tĩnh sẽ làm cho họ thấy lại lòng mình. Họ sợ phải ra khỏi
chính mình, sợ phải hoán cải
Tôi vốn trân quý những vị hiền triết,
những thiền sư bởi sự khôn ngoan của họ. Do đâu mà họ đạt được sự minh tri tuyệt
vời như vậy nếu không nhờ những giờ phút lặng thinh chiêm nghiệm sự cao cả. Nhờ họ để lòng mình nên rỗng tuếch mà sự khôn
ngoan đã chiếm trọn trí họ. Giữa cõi thinh lặng đó, họ giao hòa cõi lòng giữa đất
trời, giữa cái bé nhỏ của mình với cái rộng lớn bao la của vũ trụ để tâm hồn có
thể chiếm trọn tất cả. Thinh lặng đưa tâm hồn đến sự giác ngộ của lý trí, nhờ
đó họ có đủ khôn ngoan để đưa ra những quyết định cho cuộc đời. Chỉ trong thinh
lặng, con người mới tránh được những hành động
bất như ý, tránh được những vấp phạm đối với người bên cạnh và với cả
chính mình. Khi để tâm hồn quá ồn áo, ta sẽ khó tránh được những hành động nằm
ngoài tầm kiểm soát của lý trí.
Ngày nay dùng từ chay tịnh là có ý nghĩa hơn
cả, vì nó diễn tả được hết cái đặc tính của việc giữ chay. Trong khi ăn chay
điều cốt yếu không thể thiếu là phải có cái Tâm Tịnh, nếu tâm không tịnh
thì mới chỉ có xác chứ chưa có hồn, có hình thức mà không có nội dung, nghĩa là
việc ăn chay trở thành khấp khểnh, vô hiệu. Đây là một vấn nạn tạo nên sự vấp
ngã cho nhiều người, do con người ngày nay hầu như bất lực trước Cái Tâm luôn
bị động, khó có thể tìm cho mình được những giây phút tĩnh lặng trong tâm hồn.
Từ lúc thức dậy cho đến khi đi ngủ, con người hầu như hoàn toàn bị cuốn hút vào
mọi công việc, mọi lo toan, mọi áp lực, và mọi cám dỗ trong cuộc sống. Vì vậy việc chay tịnh là cực kỳ khó khăn cho con người ngày
nay. Bản tính con người dễ thiên về hai khuynh hướng, quá câu nệ vào hình thức
hoặc chỉ chú trọng đến nội dung, như trong việc ăn chay cũng vậy, hình thức và
nội dung thường không tương đồng với nhau, cho nên thường chẳng gặt hái được
kết quả gì sau những lần ăn chay.
Thực tâm mà nhìn nhận thì bản thân việc chay tịnh là
rất khó, vì nó trái với bản tính tự nhiên của con người, nó đòi hỏi một sự từ
bỏ khá triệt để. Chay tịnh chống lại sự đòi hỏi theo như bản năng của con
người, nhất là bản năng hướng hạ. Một mặt nó không cho phép con người hưởng thụ
theo như nhu cầu tự nhiên đòi hỏi, mà việc ăn uống là cơ bản, mạnh mẽ và điển
hình nhất; mặt khác nó bắt người chay tịnh phải biết hãm dẹp mọi dục vọng nơi
bản thân, là nguồn của mọi xáo trộn, để tạo trong tâm hồn một sự tĩnh lặng cần
thiết. Chính vì vậy, ai biết ăn chay và quen chay tịnh, người đó sẽ có một tinh
thần mạnh mẽ, họ dễ dàng chiến thắng bản thân, có một nội lực mạnh mẽ, tạo nơi
con người một thế quân bình cả về tâm lẫn thể lý. Đối với những ai yêu quý sự thinh lặng,
thì việc “tịnh” trong mùa chay trở nên một phần thưởng và đồng thời cũng là món
quà rất quý giá cho họ. Ngược lại nó sẽ trở nên một hình phạt và vì thế gây nên
nỗi sợ hãi cho kẻ vốn ghét nó.
Chay tịnh không thể thiếu trên con đường
tu dưỡng bản thân, nhất là muốn tiến tới sự trọn lành. Nó cũng là phương cách tích cực
và hữu hiệu nhất để triệt hạ thói hư tật xấu, triệt tiêu những xu hướng và bản
năng hướng hạ nơi con người. Nhờ vậy nó tạo trong tâm hồn con người một sự bằng
an, một sự quân bình, một cái Tâm sáng mà chân lý có thể soi rọi vào dễ dàng.
Nhưng ngày nay người ta rất coi thường việc chay tịnh, họ coi nó như một thứ
“xa sỉ phẩm”, nếu có chỉ để trang trí mà thôi, thậm chí có những người đạo đức
cũng coi thường nó, họ biện minh rằng: tinh thần là quan trọng, ý hướng là quan
trọng, sức khoẻ là quan trọng, ngày nay dùng phương pháp tu đức khác…. Vì vậy
thân xác và linh hồn họ luôn bị chao động, mỗi ngày lại yếu đuối và nặng nề
thêm, ngay cả những điều nhỏ mọn họ cũng không thể tự chế hay tự chủ được, nói
gì đến những việc bác ái hy sinh đòi sự can đảm kiên cường.
Theo như Đức Tin Kitô giáo, từ khi con người sa ngã,
tâm trí con người trở nên hèn yếu, mê muội, lầm lạc. Sự sa ngã đó khiến tâm hồn
con người bị đắm chìm trong những dục vọng thấp hèn, cho nên bất cứ tư tưởng, ý
hướng và hành động nào của con người cũng bị tình dục chi phối, thậm chí cả
những ý hướng tốt, nhiều khi bề ngoài có vẻ rất cao đẹp, nhưng lại do động cơ
tham vọng, ích kỷ hay do mặc cảm nào đó dẫn dắt. Trong những tổ chức xã hội, trong
văn hoá, giáo dục, đều vướng mắc đầy dẫy sự khiếm khuyết và sai lạc, cũng như
trong ý niệm, trong sự nhận thức của mỗi người, đều chất chứa nhiều u mê
nhầm lẫn. Cứ thế, lầm lẫn và sai lạc tích lũy và chồng chất lên nhau từ người
này đến người kia, từ tổ chức này tới tổ chức khác, từ thế hệ này sang thế hệ
nọ.
Trong cái vũ trụ bao la này, mỗi người
chỉ là một hạt bụi hư vô mau tan biến nhưng
Thượng Đế lại bao cho nó hơi thở để tạo nên sức sống. Con người được coi
trọng vì họ có lý trí để phân biệt đúng sai, họ có cả một trái tim bằng thịt để
yêu thương. Dù mang kiếp tro bụi mong manh ấy nhưng họ có thể làm nên những điều
kỳ diệu nhờ sự khôn ngoan của lý trí mà Thượng Đế đã ưu ái ban cho họ. Tôi muốn
mình là ai? Một kẻ luôn than thân trách phận, một kẻ chỉ biết đổ lỗi cho người
khác, lúc nào cũng hận đời hay tôi muốn muốn mình trở thành kẻ khôn ngoan, hạnh
phúc vì toại nguyện với những hành vi của mình? Tùy ở cách chọn lựa của chính
mình mà đời tôi hạnh phúc hay bất hạnh. Chắc chắn tôi không thể nào đạt được sự
khôn ngoan nếu tôi để lòng trí mình bộn bề và ồn ào lo toan với những chuyện
không thuộc phạm vi tôi. Thật bất hạnh nếu tôi chỉ lo trách cứ người này kẻ nọ
mà không biết thinh lặng xét lại lòng mình.
Hãy giữ lòng mình khỏi những xào xáo của
bộn bề lo toan, những tính toán ranh mãnh. Bạn và tôi cần giành những giờ
phút thinh lặng tuyệt vời để cảm nhận được tình yêu của Đấng là Tình Yêu.
Ước gì trong những ngày còn lại của
Mùa chay thánh này, chúng ta biết trở về cõi thinh lặng nội tâm để có thể nghe
được tiếng lòng mình. Nhờ đó chúng ta mới có thể cùng Chúa tiến lên đỉnh cao của Thập giá. Bạn hãy tin rằng Thiên Chúa có vô vàn quyền năng để thực hiện những điều
tuyệt vời trong chúng ta. Cầu chúc cho bạn va tôi sống một mùa Chay thật thánh
thiện để hưởng niềm vui và an bình của Chúa Phục Sinh, bạn nhé!
Tu tuong trong bai viet cua tg hoi co mot chut gat gao, khong biet moi nguoi co de don nhan khong? Xin quy doc gia cho y kien
Trả lờiXóaước gì có tâm hồn thi sĩ để được thưởng thức những nét văn đẹp như thế này.
Trả lờiXóaCám on CK nhiều nhiều.
XóaHãy tập thưởng thức, dần dần nét Văn của CK sẽ đẹp hơn nhiều đấy.
MÙA TRỞ VỀ
Trả lờiXóaMùa chay thánh lại trở về,
Bốn mươi ngày sống tràn trề yêu thương.
Tìm theo Chân Lý dẫn đường,
Sửa sai, uốn nắn những mong đổi đời.
Thời gian thuận tiện đến rồi,
Chần chừ, nuối tiếc đắm say làm gì?
Đời người chẳng có là chi,
Kiếm tìm trần thế được gì mai sau.
Tịnh chay, sám hối mau mau,
Lợi danh chi nữa chôn sâu cuộc đời!
Kìa nghe tiếng Chúa gọi mời:
Khổ đau đổi lấy Nước Trời mai sau.
Trăm năm: Cuộc sống dãi dầu,
Bụi tro thân kiếp bể dâu lụi tàn.
Trắng tay rồi sẽ khóc than,
Không gieo công đức: muộn màng ai ơi!
Cùng nhau ngước mắt nhìn trời,
Quê hương mới thật muôn đời hân hoan.
Dắt nhau về bến bình an
Bên nhau hạnh phúc chứa chan ân tình.
Van Doan
Con cảm ơn Thi sĩ- độc giả Bố thật nhiều. Bài thơ của Bố làm con nhớ tới ngày xưa ấy, thầy trò mình cùng viết thơ con cóc gởi ở bụi chuối. Vui quá Bố nhỉ?
Trả lờiXóaMong Bố mãi là độc giả trung thành, siêng siêng góp ý cho những bài viết của con heng!
Con cảm thấy hầu hết con người ngày nay ăn chay đã khó rồi chay tịnh lại càng khó hơn. Khó mà có thể từ bỏ được những đam mê, ham muốn của con người trần tục để lắng tâm hồn lại mà cảm thấy được sự bình an thật sự trong tâm hồn.
Trả lờiXóa