Trang

Music

Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2015

Hạnh phúc tìm ở đâu?


Đôi lúc tôi tự hỏi lòng mình: Tìm ở đâu ra hạnh phúc trên thế gian này, nơi có lắm sự bất công? Và lẽ nào Thượng Đế tạo dựng nên ta là sản phẩm kỳ diệu từ bàn tay yêu thương của Ngài mà Ngài lại để mình đau khổ sao?
Và tôi ra đi để suy nghiệm về cuộc đời. Tôi đi, đi mãi muốn mỏi gối chùn chân mà vẫn không thấy, có lúc đường mờ sương khiến tôi muốn chùn bước. Tôi thấy người ta yêu nhau, ghét nhau, họ cười, họ khóc,…
Tôi thấy một cụ già râu tóc bạc phơ. Trông nụ cười của cụ thật mãn nguyện, một nụ cười mà tôi hiếm thấy. Tò mò, tôi lại gần hỏi cụ:
-  Cụ ơi, sao con trông lúc nào cụ cũng hạnh phúc thế?
Cụ già vuốt bộ râu đã bạc , chậm rãi trả lời:
-  Thì cháu thấy đó, cuộc sống của cụ có gì là không hạnh phúc đâu. Cụ được Thượng Đế tạo ra trên đời này có cha có mẹ, mặc dù vừa sinh ra mẹ của ta thì mẹ đã qua đời, 3 năm sau cha ta cũng theo mẹ. Rồi thì ta được cô nhi viện nuôi và ta sống đến hôm nay. Bây giờ ta vẫn còn ngồi đây trò chuyện với cháu. Thế là hạnh phúc lắm rồi.
Tôi chưa thỏa mãn với câu trả lời của cụ già nên tiếp tục chất vấn:
-   Thế lẽ nào cuộc sống của cụ không có những khốn khó, không gặp gỡ những người khó ưa hay sao?
Cụ già vuốt bộ râu và nở nụ cười thanh thản của người đầy trải nghiệm:
- Cuộc sống nào mà không gặp những rắc rối hở cháu. Thậm chí đầy những khó khăn là khác. Nhưng ta không bao giờ đồng hóa khó khăn với bất hạnh. Hồi còn trẻ, ta cũng như cháu, từng đau khổ và đi tìm ý nghĩa cuộc đời. sống gần một thế kỷ ta mới hiểu rằng: hạnh phúc không hệ tại ở những điều xảy ra bên ngoài, nhưng là tùy thuộc vào thái độ của mình. Ta không thể điều chỉnh được thế giới, nhưng ta có thể thay đổi cách nhìn của mình. Sẽ chẳng bao giờ hết những điều trái khuấy đâu cháu ạ! Nếu ta cứ mang thái độ chống đối, kháng cự hoặc chán nản mãi, thì hạnh phúc chẳng bao giờ có thể đến với ta.
Cụ già nhấp ngụm nước trà rồi tiếp:
- Bạn trẻ à! Muốn được hạnh phúc trước hết ta phải thay đổi cách nhìn. Với những người nói những lời, làm những điều xúc phạm đến ta, ta cần có sự cảm thông. Mỗi người đều có một nỗi đau rất riêng mà không ai có thể hiểu được. ta không nên đau khổ vì những lời nói, những ánh mắt đó. Nó có xúc phạm đến ta hay không là tùy ở ta cả. ta có cho phép nó thì nó mới ảnh hưởng đến ta. Tại sao ta lại để mình mất đi sự bình an chỉ vì một lời nói khiếm nhã, một ánh mắt không mấy thiện cảm. họ có thể đang hạnh phúc còn ta lại tự làm khổ mình. Sự bình an thật xuất phát từ nội tâm bên trong, chứ không từ những điều bên ngoài. Sự việc thì luôn thay đổi, con người cũng thế. Hạnh phúc của chúng ta không bao giờ phụ thuộc vào những điều bên ngoài ấy. cháu ạ! Là người Kitô giáo, ta hiểu và cảm nghiệm rằng: điều tuyệt vời nhất được thực hiện bởi những người dám tin rằng Cháu ở bên trong họ có sức mạnh hơn tất cả những gì xảy ra bên ngoài. Khi ta có niềm tin, thì những gì xảy ra bên ngoài không hề gì cả. Cả với những con người muốn làm hại ta, chính họ tự chuốc lấy bất hạnh cho họ. còn chúng ta, nếu chúng ta đau khổ, thì xem ra ta đang ủng hộ cho sự bách hại của họ đối với mình còn gì.
Tôi gật đầu tâm phục những lời lẽ minh triết của cụ già. Trên đường về, tôi suy nghĩ rất nhiều về những lời cụ nói. Tôi cũng đã sống gần nửa đời người mà sao thấy đời mình nhiều chông gai quá. Nhiều đêm, tôi ngước mắt lên trời hỏi Thiên Chúa: Tại sao đời con lại khổ, tại sao bao kẻ hại người lại cứ sống sung sướng?...
Sự công bằng, có lẽ mãi mãi cũng không thể tìm được, nhưng hạnh phúc thì có thể. Tôi thấy mình đã để cho người khác làm chủ đời mình, cướp đi hạnh phúc của mình. Tôi đau khổ chỉ vì một lời nói. Tôi mất ngủ chỉ vì một ánh mắt thiếu thật cảm. tôi tự làm tổn thương trái tim và cả thân thể mình trong những giọt nước mắt đắng cay. Tôi tự chôn vùi đời mình khi đem hạnh phúc của mình đánh đổi cho những điều cỏn con phụ thuộc bên ngoài ấy.
Giờ thì tôi đã biết mình phải làm gì rồi. Hạnh phúc là của tôi, ngay trong giây phút này. Tôi cần bài học của sự tha thứ, tha thứ cho người khác và cho chính mình. Lòng chứa sự hận thù thì lòng tôi sẽ ra ung nhọt của những bực bội đau đớn. khi tôi tha thứ cho người khác thì lòng tôi sẽ được chữa lành. Và rồi , tôi cũng cần biết mở lòng ra để có thể đón nhận mọi sự xảy đến. Nhớ bài học về sự chịu đựng của thiền sư Thích Minh niệm rằng: Như nắm muối bỏ vào lòng sông thì chẳng đáng gì. Lòng ta mở rộng thì những khốn khó sẽ chẳng là gì cả. Và như Hạt giống tâm hồn cũng dạy: Khi cuộc sống cho bạn trái chanh, thì hãy lấy thêm ly nước đường….
Vậy muốn được hạnh phúc, tự tôi phải thay đổi thái độ của mình. Vì khi tâm trí ta ngập đầy những tư tưởng khó chịu, ta thấy con người là nguyên nhân làm cho ta khó chịu. Muốn hạnh phúc, tôi phải kiên trì kiểm soát thế giới nội tâm của mình. Tập buông bỏ bớt quá khứ. Mang quá nhiều thứ bên mình thì khó mà thanh thoát được.
Hài Nhi Giêsu đã xuống trần. Ngài không đến trong địa vị một ông hoàng giàu sang, nhưng trong thân phận một Hài Nhi bé nhỏ, đơn nghèo để cảm thông với những đau khổ của phận người. Vì lẽ đó, Ngài cũng muốn tôi biết mở lòng đón nhận những khốn khó của bậc mình trong thái độ an vui. Ngài chấp nhận phận nghèo, thì tôi cũng cố gắng đón nhận những điều bất như ý xảy đến.
Giữa giá rét của mùa đông, 
xin cho con gặp Chúa.
 Giữa những long đong và bấp bênh của phận người, 
xin cho con gần Chúa.
 Giữa cảnh nghèo khó và trơ trụi, 
xin cho con thấy Chúa đi với con và hiểu con.
 Lạy Chúa Giêsu bé thơ nằm trong máng cỏ, 
xin cho con cảm được sự bình an của Chúa, 
ngay giữa những âu lo hằng ngày.
 Xin cho con đón lấy cuộc đời con 
với bao điều không như ý.
 Và cuối cùng, 
xin cho con dám sống như Chúa 
vì Chúa đã dám sống như con. 


Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2015

Viết cho Ba


Tôi ghé về nhà sau nhiều lần nghe tin ba bệnh nặng. Những lần trước nghe các anh chị nhắn tin, tôi lần nữa không về. Lần này, chính mẹ nhắn, tôi về. Tôi tự nhận thấy có một sự ích kỷ len lỏi trong lòng. Tôi đã lưỡng lự về thăm ba, dù nơi tôi ở đến nhà chỉ hơn mấy chục km. Ai có trách, tôi lấy nhiều lý do biện minh: Nào là cơ thể không khỏe, đi xa dễ nhiễm bệnh, và công việc đang nhiều, bệnh thì không thể chu toàn, vân vân và vân vân…
Lẽ nào công ơn ba mẹ mấy mươi năm trời, không đủ lớn hơn vài thứ bệnh lặt vặt và một chút sự bận rộn của tôi sao? Tôi thật ích kỷ. Nhưng có lẽ cái lý do sâu xa hơn, khi tôi không muốn xóa mờ hình ảnh về ba xưa nay: một người cha luôn trẻ trung, sôi động năng nổ hoạt bát của ngày xưa. Thật khó để tôi có thể chấp nhận tuổi già ngày một gần của ba, và sức khỏe xuống dốc nhanh đến độ như vậy. Nhìn ba không còn khỏe mạnh như xưa mà tôi đắng lòng. Tôi nhớ mãi hình ảnh ba từ ngày còn bé thơ. Mẹ vẫn bảo trong bảy đứa con, ba yêu thương tôi nhất vì tôi vốn là con bé nhút nhát vô cùng, luôn bị bạn bè ăn hiếp. Tình cảm của người cha luôn giấu kín, không thổ lộ như của mẹ, nhưng tôi luôn hiểu, dù chẳng bao giờ nói thành lời. Trong trái tim tôi chứa quá nhiều kỷ niệm về ba (dường như nhiều hơn về mẹ nữa). Ba tôi- từ một người cha mạnh mẽ, chèo lái con thuyền gia đình thật đông con giữa bao khó khăn của thời cuộc, để cả thảy anh chị em tôi đều thành đạt, cho đến vài lần trong đời thấy ba khóc vì thất bại trên đường đời, ba vẫn luôn giấu kín những giọt nước mắt khóc thầm trong đêm vắng những lúc khó khăn, không muốn cho anh chị em chúng tôi bị tổn thương. Chỉ mình tôi, con bé hay suy tư tình cờ len lén thấy được. Những ngày khó khăn nhất của đất Bắc xa xôi, ba đưa mẹ và cả thảy gia đình vào Nam lập nghiệp trên mảnh đất mưa sình nắng bụi mà nhiều lần tôi vẫn trách sao ba lại chọn nơi này. Trong những cơn bĩ cực ấy, “thuyền trưởng” luôn vững tay lái trước bao sóng gió để mẹ và anh chị em tôi được bình yên. Tôi quá ấn tượng về ba với sự mạnh mẽ, tự tin. Ba chính là vầng Thái Dương, là núi Thái Sơn, là chỗ dựa của anh chị em tôi và cả những người bà con chòm xóm từ Bắc vào Nam.
Cả xóm ai cũng nói mẹ tôi thật may mắn khi có một người chồng tốt hết mực yêu thương vợ con. Tôi thầm ngưỡng một ba khi ba chẳng quản ngại cứ công việc gì, dù lau nhà, quét sân, giặt giũ và cả nấu ăn,... Buổi sáng thức dậy, mẹ lúi cúi nấu ăn thì ba đi quét tước dọn dẹp cho sạch sẽ. Ba thường khó ngủ nên hay dậy sớm lau nhà. Ai hỏi sao phải vất vả vậy thì ba trả lời rằng :"Để mẹ con dậy được thì nhà cửa được sạch sẽ." Những ngày tay mẹ bi đau, ba dậy sớm để giặt quần áo cho mẹ. Có ba ở nhà là nhà cửa lúc nào cũng sạch sẽ. Các anh tôi cũng phải học hỏi theo những việc nhỏ bé nhưng rất cần thiết để giữ gìn hạnh phúc gia đình.
Chính vì ý nghĩ đó nên tôi thật không chấp nhận nổi cảnh nhìn ba ngày một yếu dần. Tôi không dám nghĩ đến một ngày tôi sẽ mất ba hoặc mẹ. Tôi muốn có cả hai mới đầy đủ. Những lý do tôi đưa ra để không về thăm thật sự là do trái tim tôi vẫn chưa thể đón nhận sự thật, là ba đã già. Ba không còn có thể tự đến nhà thờ mỗi sáng, không còn thể tập hát cho ca đoàn mà ba đã lập mấy mươi năm nay hay làm việc như trước đây nữa...
Nhưng tôi chợt tỉnh. Với cái tuổi ngoài thất thập cổ lai hy, dù thời gian trước ba vẫn mạnh khỏe, nhưng sau cơn bạo bệnh, cái gì đến sẽ phải đến, dù muốn dù không, chẳng ai có thể ngăn cản được. Vì vậy, tôi không thể chạy trốn. Bố mang căn bệnh di truyền của ông Nội, đau nhức cơ khớp. Ba thường phải ngủ ngồi trong đêm vì không thể nằm được. Tôi cũng mang mầm bệnh của ba nên hiểu, nó dễ khiến mình tuyệt vọng lắm, nhất là những lúc trái gió trở trời, đau nhức khắp cơ thể. Rồi bây giờ ba còn bị nhiều căn bệnh khác nữa. Nhìn ánh mắt ba, tôi không khỏi chạnh lòng. Ba thật sự bị sốc. Lẽ ra, tôi phải hiểu và thông cảm hơn cho ba, đằng này... 
Giờ đây, tôi hiểu mình phải can đảm đối diện với điều ấy dù muốn hay không. Nhìn thấy ba như thế, tôi hiểu mình phải đủ lông đủ cánh để bay vào đời, để những khi gặp vấp ngã, tôi biết cách tự đứng lên mạnh mẽ, chứ không dựa vào ba nữa. Tôi tin ba mẹ sẽ luôn là sức mạnh, là nguồn động viên cho anh chị em chúng con mỗi khi gặp phong ba bão táp trên đường đời.
Đêm nay, ở nơi xa, mùa đông phố núi nơi này lạnh lắm, con cầu xin cho lòng ba vẫn đủ ấm để đêm ru giấc bình yên, ba nhé! 
Con yêu ba nhiều lắm. 

Thứ Tư, 2 tháng 12, 2015

Tự khúc Tháng Mười Hai

Đã không ít lần tự hỏi cảm xúc của mình bây giờ trôi về đâu mà không thể nào gõ trên bàn phím từng dòng thân thương như ngày xưa được nữa. Lâu rồi, hình như gần cả gần năm trời, mình buông bút, chỉ thỉnh thoảng mới đăng một bài mà lòng không cho phép cất giấu cảm xúc được nữa. Phải chăng khi tuổi thanh xuân bắt đầu tàn là lúc ta nhận ra mình cần biết giữ cho mình nhiều hơn, chỉ tâm sự với chính mình cũng như giữ những dòng cảm xúc cho riêng mình thôi.
Và hôm nay, có thể nói dòng cảm xúc này mình không thể cất giấu nữa. Tháng Mười Hai về rồi, dù cho những cảm xúc về mùa Đông đã được trải lên trang giấy khá nhiều rồi.
Tháng Mười Hai…
Khi những chiếc lá bàng màu đồng hun dường như chỉ chờ một làn gió thoảng qua là nhẹ nhàng rời cành…
Khi cái lạnh ùa về đầy ắp cõi lòng tràn đầy cảm xúc yêu thương…
Khi cái nắng hanh hao khô không khốc, cảnh sắc đất trời trơ trụi đến lại trỗi dậy một nỗi nhớ không tên ở một nơi nào xa xôi lắm…
Khi thời gian không còn là đi, chạy mà là bay nhanh ơi là nhanh để tổng kết cho những việc còn dang dở...
Tháng Mười Hai đã chạm ngõ tự lúc nào
Người ta vẫn bảo con gái sinh vào mùa Đông thường hay buồn
Mặc nhiên một cách nào đó, tôi cho là số phận.
Tháng Mười Hai- tháng kết thúc của năm để duyệt xét lại nhiều điều; tháng của nhiều cảm xúc với riêng tôi; tháng mang nhiều nỗi niềm và đầy ắp những kỷ niệm.

Tháng Mười Hai về, bỗng thích thức dậy sớm hơn để chiêm ngưỡng cái bao la của bầu trời tự do, lắng nghe tiếng thở tĩnh mịch của đêm dài, đón những giọt sương sớm lành lạnh, rồi tự lấy hai cánh tay ôm lấy mình rùng mình. Thích nhất cái cảm giác của những khoảnh khắc cuối Thu đầu Đông ấy. Ngày với những cơn gió hiu hiu và những tia nắng yếu ớt còn sót lại của tàn Thu. Và đêm với những hơi sương lạnh nhè nhẹ. Cái cảm giác khi Đông sắp đến thì không thể giấu vào đâu được dẫu xa quê hương của bốn mùa rõ rệt đã hai mươi mấy năm nay.
Yêu lắm những gì nhè nhẹ, thanh thoát của màu xanh da trời, của tím nhạt hay xám tro- những gam màu buồn, phải chăng đó là màu của mùa Đông? (Có người bạn bảo vì thích những màu đó thì dễ buồn nên phải đổi ý thích. Mình thì đổi hoài mà cũng không được).
Thích cảm giác lang thang một mình dưới những tàng cây, thích ngắm mưa, thích đón gió lạnh dù cơ thể sức đề kháng chẳng tốt chút nào.
Và nữa,
Thích chạy trốn khỏi đám đông để đi tìm một cõi thanh vắng, với những âm thanh du dương của suối, của lá hoa dại ven đường, của tiếng chim hót, rồi thích ghi lại những trang nhật ký thay vì đi tìm người để tâm sự.
Phải chăng đó là mặc nhiên của những kẻ sinh vào mùa Đông, của những ảm đạm, rét mướt, của những cơn gió heo may hun hút lạnh?
Nghĩ vậy nên chỉ biết bằng lòng đón nhận mình với tất cả những cái hay dở đó. Đó là cái bản thể của mình, chứ không phải là một bản sao của ai khác.
Dù gì đi nữa thì vẫn thương lắm mùa Đông, yêu tháng Mười Hai, mong tìm về một góc yêu thương của những tiếng nhạc, những tâm sự, những lời hát ngẫu hứng,… thế giới riêng bao la của mùa Đông. Yêu những cánh thiệp với lời chúc Giáng Sinh mà gió Đông gởi đến cho nhau những yêu thương. Yêu cái xơ xác hanh hao vỡ vụn không trọn nghĩa, để mong cuộc đời cũng được tự do mênh mông như bầu trời, thoát khỏi những lo toan vội vã tất bật.
Đông ơi! Hãy cứ là ta, an yên và trầm lắng, để ru mình trong những giấc mơ mùa Đông ấm áp. Yêu lắm Tháng Mười Hai.