Gần cuối năm, tiết trời hiu hiu se lạnh. Với vùng
rừng đất đỏ thì vào mùa này thì đêm đến trời lạnh cho đến sáng và ánh nắng chỉ xuất hiện lúc gần trưa. Mỗi sớm nghe chuông Lễ tôi chỉ muốn tung mền lên... rồi đắp cho kín và... ngủ tiếp. Nhưng tiếng chuông của những ngày cận kề Giáng sinh nghe như lời mời gọi thổn thức bao tâm hồn còn ngái ngủ trong hoang địa mù tối. Mùa đông tuy lạnh nhưng lại thật ấm áp lòng người vì dường như ai ai cũng đang háo hức đón mừng mầu nhiệm Chúa Giáng sinh. Ngoài đường phố, đâu đó người ta đã trang trí những cây thông, hang đá rực rỡ nhiều màu trong
tiếng nhạc rộn rã mừng Noel sắp đến. Càng ngày người ta càng có nhiều sáng kiến
để dựng nên những hang đá đẹp mắt. Có nơi còn thi đua xem hang đá nhà ai đẹp
hơn, lớn hơn, “nặng đô” hơn,... Ở thành thị, nhiều khách sạn, cửa tiệm được trang hoàng thật
lộng lẫy do những dịch vụ chuyên trang trí với mục đích thu hút khách.
Đã từ lâu, Noel không còn chỉ dành riêng
cho người Công giáo mà mở rộng cho tất cả mọi người. Đâu đâu người ta cũng gởi
cho nhau những cánh thiệp mừng, rồi những gói quà được dịch vụ ông già Noel
chuyển đến cho những người mình yêu mến. Nhiều hãng quảng cáo cũng tranh thủ
khuyến mại dịp Giáng sinh,... Bên ngoài thì rộn ràng như thế nhưng sao lòng tôi
vẫn trăn trở một khoảng trống rất lớn trong tâm hồn...
Giáng sinh năm nào tôi cũng nhớ về câu
chuyện “Cô bé bán diêm” của tác giả người Đan
Mạch Hans Christian Andersen được nghe bà kể thuở nhỏ. Truyện kể về một cô bé nghèo khổ phải đi bán diêm giữa
mùa đông giá lạnh và từ giã cõi đời trong đêm Chúa giáng sinh. Xuyên
suốt câu truyện là sự tương phản giữa cảnh ngộ của cô bé bán diêm với khung
cảnh rực rỡ, đầm ấm xung quanh trong buổi tối giao thừa, với ảo ảnh đẹp đẽ nhưng
ngắn ngủi do những que diêm mang lại. Cảnh ngộ đó còn đáng thương hơn khi con
người xung quanh cũng lạnh giá như mùa đông khắc nghiệt. Đỉnh điểm của câu
truyện là cái chết của em bé bán diêm giữa đêm giao thừa, một kết cục không
giống như cổ tích truyền thống, tính cổ tích có chăng là đôi má hồng và nụ cười
của em khi lên cõi thiên đàng, giải thoát khỏi mọi khổ đau.
Lớn lên, tôi
hiểu vì sao bà lại cứ thích kể câu chuyện ấy vào mỗi đêm Giáng sinh khi cả nhà
quây quần bên đống lửa để sưởi ấm cùng đón chờ Chúa đến. Câu chuyện đã vào thế giới cổ
tích nhưng tôi thấy nó vẫn rất gần đâu đây thôi. Xung quanh, người ta rộn ràng đón
Chúa bằng những dây kim tuyến nhiều màu sắc và những đồ trang hoàng đắt tiền mà vô tình không nhớ Chúa đã
sinh ra trong hang đá nghèo hèn, thiếu thốn mọi bề. Mọi người háo hức chuẩn bị
những bữa tiệc linh đình bằng các loại rượu nổi tiếng và những thứ thức ăn
đắt tiền từ những nhà hàng sang trọng, trong khi biết bao người nghèo đói đang
ngửa tay xin chút lòng thương giữa đêm đông giá lạnh. Càng giàu có thì dường
như tâm hồn con người càng khép kín lại, hay là trái tim họ hình như cũng bị đóng
băng cùng với những lớp tuyết trắng dày cộm của mùa đông? Hay là cánh cửa
đã khóa kín quá khiến tôi ngại ngùng mở ra để đón họ vào?
Đan xen giữa tiếng nói
cười hạnh phúc trong những căn phòng ấm cúng sang trọng thì còn biết bao Hài
Nhi Giêsu vô gia cư lang thang vất vưởng đầu đường xó chợ như cô bé bán diêm
trong câu chuyện trên. Đáng buồn thay khi càng ngày con người càng làm biến
dạng hình ảnh Hài Nhi để rồi thản nhiên mừng đón Noel rộn rã bên ngoài mà
trong lòng chẳng mang một nỗi niềm của Chúa.
Noel là lễ Đạo, nhưng dần dần lễ này được mừng
kính với nhiều yếu tố đời. Đến nỗi, tại nhiều nơi, lễ Giáng sinh nay đang mất
dần ý nghĩa thánh thiêng. Noel trở thành lễ hội hơn là lễ Thánh. Có
khi người ta đón Giáng sinh không phải để tôn vinh Chúa nhưng để tôn vinh nhau.
Trong đêm đông giá lạnh, đâu đó còn nhiều
những mảnh đời đen tối, còn lắm những hài nhi đang co ro, bơ vơ trong cái đói
cái rét, rao vé số khản cổ mà chẳng ai muốn mua cho vì họ còn đang bận đón
Giáng sinh. Ngoài đầu phố vẫn rơi rớt những hài nhi bé thơ bị cha mẹ nhẫn tâm bỏ
rơi không chút tình thương xót. Người ta bàng quan đến lạnh lùng trước bao lời
van xin thống thiết của những con người đói khổ kia, bởi họ còn bận đi lễ Noel, họ
lo chuẩn bị trình diễn Thánh ca, chấm điểm hang đá...
Tôi cứ mãi ấn tượng với một vài hang đá đơn
sơ, nghèo hèn vì nó lột tả được sự nghèo khó đích thực của Hài Nhi Giêsu. Dẫu
có bao thiết kế lạ mắt nhưng sao tôi vẫn thích những lán tranh nghèo, xung
quanh là cảnh trơ trụi, không có những trái châu, chẳng có ánh đèn chớp, không
dây kim tuyến cũng chẳng đông người xem. Trong hang đá, chỉ độc nhất một ngọn đèn
dầu nhỏ với chút ánh sáng leo loét. Trông nó chẳng thú vị, bắt mắt chút nào.
Tuy nhiên, chỉ ở chốn ấy tôi mới có thể dắt lòng mình trở về hang đá lạnh lẽo
cơ hàn nơi Belem năm nào. Chúa đó, Chúa của tôi nghèo hèn tội
nghiệp lắm. Chúa đã sinh ra trong cảnh trơ trụi, thiếu thốn tư bề, cô đơn, vắng
lặng giữa đồng không mông quạnh. Tôi chắp bàn tay, thầm nguyện cho mình biết mở lòng đón nhận những điều không như ý xảy đến trong đời tôi một cách
bình thản.
Nghèo khó là con đường của Chúa đã đi. Người không chọn chốn sang giàu để ra đời. Chính trong sự nghèo khó ấy mà Chúa đã gần
gũi và cảm thông với những nỗi đau của phận người. Nếu tôi cho Chúa sinh ra
trong cảnh giàu sang phú quý thì có lẽ sẽ chẳng bao giờ Chúa có thể thấu cảm
được nỗi khốn cùng của tâm hồn tôi. Còn tôi, tôi sẽ chỉ thấy Chúa như một ông hoàng
sống trong lầu son gác tía chẳng biết đến nỗi cơ cực của dân... Không, Thiên
Chúa là Đấng Emmanuel, Người đến để ở cùng con người và gánh lấy nỗi đau của
họ. Người đã từ khước ngai vàng để trở nên giống con người về mọi phương diện
chỉ trừ tội lỗi.
Vâng, Chúa đã xuống trần, trở nên giống con
người để yêu mến họ. Khi yêu nhau người ta muốn nên giống người mình yêu, từ
phong cách đến sở thích, lối sống. Thiên Chúa cũng muốn làm người như tôi để
yêu tôi. Người không là vị thẩm phán nghiêm minh đứng trên tòa cao phán quyết
nhưng đã hạ mình xuống làm người để tôi cũng được làm con Chúa.
Nếu tôi đón mừng Chúa trong sự nguy nga
lộng lẫy thì có lẽ tôi sẽ không thể gặp Người. Chúa đã sinh ra và sống nghèo để
Người cảm thông với những khốn cùng long đong phận người của tôi. Nếu tôi chỉ
theo Chúa trong sự đầy đủ thì mỗi khi cuộc sống có những khó khăn
trắc trở, tôi có còn muốn theo Chúa không? Dần dà, hình ảnh Hài Nhi Giêsu bị
biến dạng theo cách mà con người muốn vẽ ra cho Chúa, chứ không thực sự là điều
mà Chúa là, để rồi họ cũng chỉ muốn theo một Chúa dễ dãi, sung sướng và từ chối
con đường thập giá mà Chúa đã đi.
Thiết nghĩ mỗi tín hữu Công giáo cần xem
lại chính mình trong cách đón chờ Chúa đến. Phải làm sao để cho đêm Giáng Sinh
trở thành đêm mầu nhiệm giao hòa tình trời tình đất, giữa Thiên Chúa và con người
và hiệp thông giữa con người với nhau, không còn phân biệt kẻ giàu người nghèo
vì Chúa chính là Vua Hòa Bình, Người đến để xóa án bất công, phá tan mọi ngăn
cách, đem yêu thương thay cho thù hận.
Ước gì trong đêm cực Thánh , mỗi tâm hồn
có thể mở rộng cõi lòng để Hài Nhi Giêsu có thể được cưu mang, được hạ sinh và
cư ngụ trong cõi lòng mỗi chúng ta.
Giữa
giá rét của mùa đông,
Xin
cho con được gặp Chúa
Giữa
những lao đao vất vả của phận người
Xin
cho con gần Chúa
Xin
cho con luôn cảm thấy Chúa đi bên con và hiểu con...
Cảm tạ Hài Nhi đã xuống trần với con để gần con và cho con cảm nhận được tình yêu của Người.
Xin Chúa đến mở toang cánh cửa những tâm hồn còn đang khép kín. Xin cho chúng con biết đón Chúa không chỉ với những rộn rã bên ngoài nhưng thực sự để Chúa ngự trong tâm hồn mình... lặng lẽ, bình yên...