![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjhCp8CmNEADfErok9Iggpx-U0ZZGOr66VwaIAY1vuG7dn5SRqyjLYbZ2alFOFXa9QqUNqmWg5kl6tj1CiSFfkBaRhJZbJHykiOuVjbdAlptm39t0PigkTp95YX32ObQCth59G724QAs34L/s320/7685311.jpg)
Chúa Giêsu lên đường về Giêrusalem
chịu tử nạn theo tiếng gọi ngất cao của thập giá. Phêrô cũng lên đường với Người,
nhưng khi thấy khó khăn gian truân thì ông đã gợi ý cho Chúa bỏ cuộc. Nhưng…nếu
Chúa nghe theo lời Phêrô thì liệu nhân loại được hưởng ơn cứu độ? Muốn vào vinh
quang phải qua thập giá. Chẳng ai muốn nên khôn mà không khốn một lần.
Còn Phêrô, khi thấy những Kitô hữu
bị bách hại, ông muốn rời Giêrusalem để có thể đem tin mừng của Chúa đến cho
muôn dân, nhưng chỉ một tiếng gọi “Quo va dis?- Thầy đi đâu?”, ông đã quay trở
lại thành để cùng những tín hữu vô tội lãnh phúc tử đạo.
Tôi cũng sẽ chẳng là tôi nếu
tôi chối từ con đường của mình. Nếu Phêrô không quay trở lại Giêrusalem thì con
số các vị tử đạo của Giáo hội Công giáo sẽ giảm đi rất nhiều, và bớt đi bao tấm
gương kiên trung theo Chúa.
Kẻ không đi trên con đường của
họ thì thật bất hạnh. Con đường nào thì cũng đan xen giữa hạnh phúc và nước mắt.
Nếu tôi chỉ muốn chọn hạnh phúc thôi thì có lẽ chẳng có con đường nào dành cho
tôi. Mỗi khi nghe thấy tiếng gọi của đau khổ, tôi muốn bịt tai và chuồn hướng
khác. Đau khổ thường dẫn người ta đến việc lẩn tránh đường đi. Trong tính toán
của Phêrô, ông âm thầm cảm nghiệm được khúc đời khốn khó nếu ông cùng Thầy về
Giêrusalem. Ông theo Chúa, nhưng chỉ muốn theo Người trên những con đường trải
đầy hoa hồng và nhung lụa, gặp những quãng đường gai góc thì ông muốn né tránh.
Ngày đầu Chúa gọi, ông hân hoan từ bỏ tất cả để theo Người. Bao năm tháng dong
duổi trên đất Galilê được theo Thầy chữa bệnh, trừ quỷ, được bao người tung hô,
ca tụng, ông vẽ ra những giấc mơ của những vinh quang trần thế. Ông bình yên
theo Thầy trên con đường rộn rã tiếng cười
ấy. Thế nhưng, những giây phút Chúa cần ông nhất thì ông lại ngăn cản Chúa, bỏ Chúa….
Đau khổ khiến tâm hồn đầy can đảm cũng muốn bỏ cuộc. Phê rô ngậm ngùi chối Chúa,
che giấu lòng thật đang day dứt của mình. Lối đường của mỗi người khác nhau. Đường của Gioan Tiền Hô là ông
muốn mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc
quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng (x. Lc 3,4-6).
Là tiền hô thì đó là cách thế để ông dọn đường cho Chúa. Chấp nhận đi con đường
của mình, Gioan đã phải đi quãng đường rất vắng vẻ của những ngày sa mạc nắng
cháy, của những đêm sa mạc hoang vu, cô đơn đến lạnh người và chấp nhận những
thử thách nghiệt ngã của đời tông đồ trong ngục tối (x. Mc 6,17-28).
Đường sa mạc vắng vẻ quá, đất
sa mạc chẳng cò gì gợi lên sức sống cho dù tuổi trẻ đang phơi phới hân
hoan…nhưng đó là đường đời của Gioan. Sứ mạng của người sứ ngôn là phải lên tiếng,
không để cho cái hoang vu của sa mạc làm nản lòng. Dẫu bị chối hay phản kháng, người ngôn sứ vẫn phải cất tiếng.
Chối từ lên tiếng là chối từ bản chất làm ngôn sứ của người tông đồ. Dẫu cho
người nghe chấp nhận hay chối từ thì sứ ngôn vẫn phải chu toàn sứ mạng của
mình.
Gian nan dễ làm cho những tâm hồn
quả cảm nhất cũng muốn ngã quỵ. Những khó khăn trên đường thường làm ta muốn rẽ
quặt sang một lối đi khác. Trong hôn nhân, biết bao đổ vỡ đã đến từ những bóng
mát hạnh phúc ở bên cạnh. Đời dâng hiến cũng vậy, có biết bao trống trải đã đổ
xuống tâm hồn vì những lời mời mọc không chính đáng. Mỗi người có một lối đi.
Tuy nhiên, trên cùng một lộ trình, không phải ai cũng đến đích mong đợi. Có người
bước tới, có kẻ quay về, có người lại muốn tắt ngang. Vì cùng đi trên một con
đường nên lối đi của tôi cũng gây xôn xao cho lối đi của người khác. Nếu khó
khăn mà tôi vẫn dấn bước trong cố gắng, thì mọi ngưới cùng đi với tôi cũng nhận
được sức mạnh. Ngược lại, nếu tôi nản lòng thì bao tâm hồn quả cảm nhất cũng muốn
quay bước trở lui.
Nhiều lúc tôi thấy người ta cực
nhọc trên lối đường họ bước, tôi kéo họ vào con đường của mình. Làm như thế tôi
ngỡ là tình yêu, nhưng thật ra tôi đã làm tàn tật hóa con đường của họ. Nâng đỡ
nhau trên đường đi thì không bao giờ có nghĩa là bắt kẻ khác đi con đường của
mình. Yêu thương thật sự là để kẻ khác đi con đường của họ. Đường đời tôi đi
hôm nay, có quán trọ bảo tôi ngừng lại, có nhiều bóng mát mời gọi tôi hãy tận
hưởng. Những chống đối, hiểu lầm, kết án, cô đơn làm tôi muốn bỏ cuộc. Và…càng
nghe theo tiếng dụ dỗ ấy, tôi càng ngại ngùng trở về con đường mà Chúa muốn tôi
đi. Cũng trên đường đi đó, có những quãng đường sỏi đá, gồ ghề giống như đường
lên Đồi Sọ của Chúa khiến tôi nản lòng. Cực nhọc làm tôi muốn bỏ cuộc. Thập giá
làm tôi tính toán lưỡng lự. Có những quãng đường cô đơn, bơ vơ, tối tăm khiến
tôi nghi ngờ không biết đó có phải là đường đi không. Ngờ vực làm tôi phân vân
không biết thánh ý Chúa ở đâu.
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEh030hoz6t-Plqc2ztcmUzgxEPc8UEO8Oo4YcDLouzKGnA4HItUrTb3yr8cSzGYWp92tU3gHaL5UfnHn1aaHsemFvYhWAI9-EkdqzNhuUcZhMLGfovzkiUtG3EGrv_b1GI3P-HPxrxzOwcb/s320/thumb_aba81877c45cfc01f2233535e0c38a2a.jpg)
Lạy Chúa,
Xin
giúp con biết nhận ra những lời cám dỗ ngon ngọt để vẫn tiếp tục dấn bước trên
con đường chẳng mấy ai đi này. Có đôi lúc con mỏi gối chùn chân, xin Chúa hãy đến
nâng con dậy và song hành với con. Xin đừng bao giờ để con từ chối con đường của
mình, vì nếu chối bỏ thì con sẽ là kẻ bất hạnh nhất. Khi ấy con sẽ phải độc
hành trên mọi lối đường và đích đến sẽ là những thung lũng mù tối, âm u đến rợn
người.
Chúa
ơi, xin mãi đồng hành với con.
Hatcatnho 16/12/2013
Con đường mình đang đi, tuy nhiều gian khó, gây cho mình kiệt sức, nhưng sẽ cho mình thêm nhiều sắc màu cuộc sống hơn. Đừng bỏ chốn nha!
Trả lờiXóaXin cam on những chia sẻ của bạn.
XóaNhững lúc mỏi gối chùn chân là lúc mà ta cần tịnh tâm lại để ngắm nhìn quãng đường đã qua mà lấy sức bước tiếp. Kẻ trung thành ko phải là không bao giờ vấp ngã, nhưng là biết chỗi dậy và tiến bước.
Ai ai cũng cần cố gắng.
Thân mến,