Trang

Music

Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

Lặng nghe Sài Gòn



Tôi nhẹ nhàng băng qua bầu trời Sài Gòn nắng nhẹ bằng ánh mắt chông chênh dòng cảm xúc, lắng tai nghe tiếng đời từ mọi phía. Từ những nơi phố thị xa hoa của từng tòa nhà cao tầng nhất thành phố đến xóm nghèo đông di dân của vùng ngoại ô. Tôi dừng lại bên những khách sạn xa hoa với biết bao con người sang trọng như Tây, liếc nhìn bảng giá được tính bằng tiền đô-la Mỹ, liếc vội những ánh mắt thỏa mãn hạnh phúc.
Tôi băng qua những dòng người nối tiếp nhau trên phố, kẻ vội vàng, người hối hả, tất bật. Thấy vậy mà chẳng thể hiểu rồi cuộc đời sẽ cuốn ta đi về đâu. Phố Sài Gòn xô bồ với những chen lấn. Người ta bảo sống ở thành phố đất chật người đông này phải như thế mới tồn tại được. “Tồn tại”- Thật là “tồn tại” chứ không hẳn là “sống”.
Tôi lại băng qua dòng người trên phố thị văn minh để tách mình vào giữa đám đông những con người. Có ba người đàn ông già đang cùng san sẻ với nhau một “bữa điểm tâm” trên lề phố dưới một gốc cây, chỉ với một bịch hủ tíu cùng ánh mắt khát khao một cuộc sống đầy đủ, không còn bữa no bữa đói. Cái gốc cây ấy, nơi “thường trú” của họ mỗi đêm hò hẹn, khát khao một tình bạn chân thành giữa ba người bạn già hy vọng có thể cùng san sẻ những no đói, những khốn khó giữa chợ đời. Tôi chẳng thể biết họ ở đâu tới. Nhìn sự cô đơn bị bỏ rơi của họ mà đắng lòng. Nếu họ là cha mẹ của mình thì sao nhỉ? Họ cũng là con người. Họ có quyền được sống, được hưởng hạnh phúc như bao con người khác, nhưng tại sao họ lại phải chịu cảnh thương tâm như thế?
Tôi tiếp tục băng qua dòng người hối hả trên phố bằng ánh mắt chứa đầy ắp suy tư mòn mỏi. Một chiếc lá vàng khẽ rơi xuống vai khiến tôi giật mình. Lúc cúi xuống nhặt chiếc lá vàng cũng là lúc tim thót lên khi nghe tiếng khóc yếu ớt cất lên từ chỗ nào đó rất gần…Một sinh linh bé bỏng tội nghiệp bị vứt bỏ trong thùng chứa rác bên vệ đường. Thật xót xa thay… Và chắc chắn còn cả hàng trăm em bé xấu số không được ra đời trong ngày hôm nay. Tôi nghẹn ngào đau xót. Tôi chỉ là một con người, một linh hồn nhỏ bé đưa tay quệt vội dòng nước mắt, nghẹn ngào nén lại những cảm xúc từ tận đáy tim mình. Ai cũng biết ra đi là một cuộc định sẵn của Thượng Đế, nhưng thật xót xa thay những cuộc ra đi bị cưỡng ép, không được quyền sống, không được quyền làm người này. Thật đau xót khi Sự Sống như Quà Tặng vô giá mà con người chúng ta lại nỡ khước từ, xúc phạm và hủy diệt. Thật phẫn nộ khi thấy người ta chăm lo cho một con vật còn hơn một linh hồn con người.
Tôi không băng qua nữa. Tôi dừng lại trên những góc phố, nơi có những anh hùng can đảm trong phong trào “Bảo vệ sự sống”. Hằng ngày họ đến các bệnh viện để xin những thai nhi bị vứt bỏ, cố gắng cứu sống những sinh linh còn có thể, và cẩn thận mai táng những thân phận xấu số hơn. Tôi nghiệm thấy cuộc đời này vẫn còn sự tử tế. Có lẽ đó là điều tử tế nhất còn sót lại để định hướng cho tâm hồn con người mong họ nhận biết chính chính mình. Chính lúc này đây, tôi đã nhìn thấy tình yêu thương nhân rộng, nhân rộng mãi thành hình tượng bất tử trong lòng người khi họ nối thành hàng dài, hàng dài cầu nguyện phong trào bảo vệ sự sống. Tôi lặng yên nghe Sài Gòn với những vô tình, nhưng không quá vô tâm để đồng loại bị bỏ rơi, bị xua đuổi ngay chính do sự ích kỷ của lòng người.
Tôi không băng qua nữa. Tôi dừng lại để biết rằng trên những tuyến đường vẫn còn có những trái tim nồng ấm đang sớt chia bằng bữa cơm, bữa cháo tình thương,… Dẫu chẳng đáng là gì nhưng với tấm lòng quảng đại biết san sẻ cũng làm cho trái đất này chan hòa tình người. Tình thương là ở đó chứ còn đâu. Đau thương sẽ hóa thành sức mạnh. Trái tim sẽ là ánh sáng dẫn đường chỉ lối cho con người.
Tôi đứng lại, lặng yên, không còn nghe tiếng ồn ào náo nhiệt đến vô tình của phố Sài Gòn, nhưng chỉ nghe tiếng tình thương dạt dào trong trái tim, và bỗng nhiên: một giọt nước mắt nóng hổi đang lăn…


Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014

Đoản khúc tháng Sáu



Trời tháng Sáu u ám một màu xám. Những đám mây đen khổng lồ như chờ đợi để chuẩn bị cho những màn mưa dày đặc xối xả. Không biết bao giờ mình sợ mưa. Mưa khiến mình buồn đến nao lòng. Gói gọn một chút kỷ niệm rồi chợt vỡ tan. Mỗi khi mưa, mình như người không thực, chẳng làm được gì, chỉ ngồi và nhớ về kỷ niệm, trong lòng âm ỉ một nỗi đau. Mưa đêm chỉ làm cho tâm hồn co rúm lại với những thổn thức khôn nguôi…
Nhưng...
Sáng nay, màn mây xám cũ hôm qua đã được thay bằng một lớp áo mới xanh tươi của trời đất. Ánh dương đã ghé thăm sau bao ngày âm ẩm lạnh giá. Nắng lên làm cho con người ta cảm thấy hứng khởi hẳn lên. Phố phường nhộn nhịp và hối hả hơn. Mọi thứ dường như được thay một lớp áo mới khác hẳn với tấm áo xám xịt buốt giá của ngày trước đó. Nắng mới làm cho những trái tim ngủ vùi trong u ám của nỗi buồn cũng muốn chui ra khỏi tấm áo ảm đạm để mở lòng đón nhận sự ấm áp mà cuộc sống đem lại. Nắng tháng Sáu dù yếu ớt vẫn làm cho tâm hồn nảy mầm hy vọng. Mình tự nhủ lòng hãy phấn khởi đón nhận những bất ngờ thú vị của cuộc sống, không bỏ cuộc trước những khó khăn và hãy kiên nhẫn chờ đợi trong hy vọng. Có lẽ đó là điều cuối cùng mà mình chắt lọc được cho đến lúc này. Mình nhận thấy rằng cái mà mình sợ nhất cũng là cái mà mình sẽ gặp phải, thế nhưng rồi cũng sẽ vượt qua thôi dù nhanh hay chậm. Mình không nhận mình là người mạnh mẽ, chỉ thấy rằng những khó khăn nhất tưởng chừng như làm cho mình kiệt quệ rồi cũng sẽ qua một cách nhanh chóng. Có đôi khi mình ngần ngại khi nghĩ về tương lai và có lúc yếu lòng để nước mắt rơi trong đời nhưng rồi mình tự nhủ phải luôn cố gắng nhẫn nại hơn với chính mình.
Mình chẳng phải là anh hùng, cũng không là Thánh nhân. Mình thích là con người thật đầu đội trời chân đạp đất. Nhưng dù có thế nào mình cũng sẽ không dừng bước cho dẫu trước mắt là chông gai. Mình chẳng ngại thay đổi, cũng không ngần ngại là người cuối cùng đến đích. Chậm thì chắc. Ai đó bảo mình liều. Mình chỉ mỉm cười, đúng hơn là mạo hiểm. Ừ, mình thích mạo hiểm, ham khám phá. Mình luôn muốn thử thách bản thân trước những khía cạnh khác nhau của cuộc sống, dù rằng cũng chẳng còn trẻ nữa để ước mơ nhưng cũng không quá già để từ bỏ mơ ước. Mình vốn chẳng thích một cuộc sống ổn định, vì nó nhàm chán, hời hợt và tẻ nhạt. Mình thích chút phiêu lưu để khám phá ra những điều kỳ diệu của cuộc sống. Chẳng có bài học nào quý giá hơn là kinh nghiệm được chắt lọc từ những trải nghiệm cuộc sống. Nhìn, nghe không bằng được va chạm. Cho đến hôm nay, có người mới gặp bảo lúc nào cũng thấy mình thanh thản, hay cười, chắc đời không có đau khổ hay sao ấy? Mình thầm nghĩ: Chẳng ai nên khôn mà không khốn một lần. Con người chỉ đạt được hạnh phúc sau khi đã nếm mùi của khổ đau. Để có được sự thanh thản của hôm nay, đời mình đã phải rơi bao giọt nước mắt mặn đắng. Có những tháng ngày quá đau khổ, mình chẳng biết làm gì, cứ vừa cười vừa khóc như trẻ con để chờ đợi mọi sự đi qua. Bây giờ ngồi đây đón nắng lên, mình nghiệm thấy rằng thiên nhiên cũng như cuộc đời, có mưa rồi cũng có nắng, có khổ đau rồi sẽ đến ngày hạnh phúc. Mình chẳng mong may mắn đến với mình bao giờ. Mình thích sự trải nghiệm, thích một cuộc sống thực tế, có sướng có khổ, có nước mắt pha lẫn tiếng cười hạnh phúc.
Cuộc sống vẫn ẩn chứa nhiều thử thách, khó khăn và nghịch cảnh, chỉ có một cách để thích ứng với cuộc sống này là chấp nhận thực tế, đúng hơn là nên đón nhận và tin vào chính mình. Có lẽ mình chẳng nên chờ đợi và ngửa tay hành khất đi xin chút hạnh phúc nữa. Vì vậy, mình tự dặn lòng dù trong bất kỳ cảnh huống nào cũng phải cảm nhận và tự tìm lấy niềm hạnh phúc cho riêng mình.
Vết thời gian in hằn lên đôi mắt. Đôi mắt là nơi chứa đựng những ký ức vui buồn, những tâm sự chất chồng. Thế gian, hết thảy có thể vứt bỏ, hết thảy có thể thay đổi, duy chỉ có đôi mắt của con người là thứ chân thật nhất có thể lưu giữ lại. Đời thay đổi, người thay đổi, chỉ có ánh mắt vĩnh viễn không thể là tờ giấy trắng. Và không biết tự lúc nào mình đã chấp nhận đánh đổi tất cả để có được sự thanh thản trong tâm hồn, không bon chen, không tranh đấu, gác bỏ tất cả mọi toan tính bề bộn để tìm cho mình một thế giới riêng. Thế giới ấy tĩnh lặng đến nỗi chỉ còn nghe thấy tiếng lòng chất chứa niềm hạnh phúc khôn tả. Mình mỉm cười tiễn đưa nỗi buồn đi qua và bình yên chào đón tương lai phía trước.
Cảm ơn tháng Sáu.

Chủ Nhật, 22 tháng 6, 2014

Hoàng hôn sớm


…"Chợt hoàng hôn về tự bao giờ”.
Chiều nay, nghĩ về anh, tôi bỗng nhớ đến ca khúc “Em ơi Hà Nội phố” của nhạc sĩ Phú Quang mà anh hay nghêu ngao hát cho tôi nghe ngày nào.
Bây giờ chẳng phải là mùa đông. Nơi đây cũng không phải là một phố Hà Nội thơm đầy hoa sữa như trong bản tình ca anh hát, cũng chẳng phải Sài thành với những con đường rợp lá me bay và những dãy bằng lăng ngả màu tím lãng mạn mà mấy năm kiếp sinh viên tôi rong ruổi.
Tôi đang ngồi trên lối hành lang nhỏ, trước mặt là một vườn cây cổ thụ già nua. Thi thoảng có một cơn gió nhẹ thổi qua làm những cánh hoa dầu lại rời cành xoay tít trước gió. Thường thì lòng tôi rất vui  khi ngắm những cánh hoa dầu nhẹ rơi xinh xinh vui mắt ấy. Thế nhưng hôm nay, những cánh hoa rơi ấy lại dâng lên một cảm xúc mất mát như rơi rụng một số phận, nhòe nhoẹt một dòng thư ngày nào. Cơn mưa tháng Sáu trút nước khiến bầu trời xám xịt như không có hy vọng nó sẽ tạnh vào một khoảnh khắc gần đây.
Thế là anh đã ra đi, vĩnh viễn ra đi không nói với tôi một lời từ giã. Đến lúc này tôi vẫn không thể tin và không muốn tin điều đó là sự thật dù trên Internet đang rộ lên tin tức nóng hổi về chiếc xe bị cháy tại Thái Lan và anh là một trong 13 nạn nhân tử nạn sau vụ nổ bình gas trên chuyến xe định mệnh đi tham dự Đại hội giới trẻ tại Nong Mua Lam Phu. Người ta nhận ra vì anh đeo sợi dây của Linh mục Dòng Đa minh. Vâng, anh là Linh mục của Chúa. Nhưng tại sao anh lại nằm trong số những nạn nhận xấu số ấy ? Tôi lắc đầu nguầy nguậy và khóc tức tưởi khi vừa nghe hung tin. "Không phải đâu. Không thể nào là anh được". Tôi mới gặp anh cách đây không lâu trong lần về thăm gia đình dịp Tết vừa rồi. Nhà anh cách nhà tôi không xa. Từ nhỏ, tôi là bạn thân của em gái anh. Lớn lên, tôi và anh cùng trong nhóm tu sĩ của xứ đạo... Anh là linh mục trẻ luôn hòa nhã, cư xử thân ái với mọi người. Lần nào có văn nghệ, anh cũng "xí" hát bè với tôi, dẫu hai giọng hát chẳng ăn ý với nhau chút nào..
Nhớ về anh với bao ký ức yêu thương, tôi thả hồn mình về miền quê nghèo năm xưa. Hình ảnh người ra đi lúc này sao đẹp quá. Dường như cứ khi mất thì người ta mới thấy cần trân trọng những gì mình đang có.
Cơn mưa chiều tháng Sáu dai dẳng không dứt. Từng giọt nước hắt vào thân thể một cách vô tình. Dù lạnh đến nỗi run bần bật nhưng tôi cứ muốn để vậy hầu mong có thể xoa dịu bớt nỗi đau khi nhớ về anh. Tôi hết cười rồi lại khóc. Cười khi nhớ về ký ức yêu thương của ngày xưa và khóc khi trở về hiện tại thấy không thể thay đổi được sự thật.
Buổi chiều nào đó, anh đã hát tặng đứa em nhỏ này ca khúc mà anh bảo rất thích "Em ơi Hà Nội phố". Anh hát với tất cả tâm hồn, rồi cứ thế nhìn thẳng vào mắt tôi. Cho đến bây giờ tôi cũng chẳng thể hiểu cái nhìn ấy muốn nói với tôi điều gì. Con bé tinh nghịch trong tôi chỉ biết phá ra cười mỗi khi bài hát kết thúc. Anh hỏi :  "Tại sao lại cười ?". Tôi nhăn mũi, đáp cụt lủn : "Anh hát dở ẹc.... ". Anh lại ngẩn tò te chẳng thèm nói chuyện với tôi nữa. Nhưng chỉ được một lúc thì anh lại thích hát cho tôi nghe. Tôi nghiễm nhiên trở thành "khán giả bất đắc dĩ" của anh mỗi khi đến nhà nhỏ bạn học nhóm. 
  Nhớ về anh, tôi lấy quyển album với những tấm ảnh trong đó có anh, những ngày nhóm tu sĩ đi chơi chung, chúc tết... và cả mấy tấm ảnh của tôi mà anh đã xung phong bấm máy hồi cái tết vừa rồi... Tất cả đã đi vào quá khứ, và anh đã là người quá cố rồi sao? Chợt thấy cuộc đời mong manh quá.
Có lẽ với anh, cuộc sống khá đơn giản, chỉ là những "con đường vắng rì rào cơn mưa đổ", rồi có "ai đó chờ ai" dưới phố. Thế giới của anh lãng mạn với "mảnh trăng mồ côi mùa đông" và với những "nóc phố mồ côi mùa đông"... Và rồi...và rồi... màu xanh của thời gian đã cuốn anh đi mất rồi. Hoàng hôn về sớm quá làm nhuộm tím cả bầu trời trong tôi. Nụ cười hiền hậu ngày xưa sao bây giờ khiến lòng tôi đắng đót, rằng mình đã quá vô tình để cho "một người nhớ, một người quên". Cả cái dáng vẻ hiền lành ngày ấy giờ đây cũng khiến lòng tôi như thắt lại.
Chiều nay chẳng phải mùa đông nhưng trong lòng tôi lạnh giá khi nghĩ về anh. Một chút gì đó thoáng như lời trách nhẹ rằng mình đã quá vô tình, chút vô tình mà tôi để lại cho anh cùng những dòng cảm xúc không tên tuổi nhưng ăm ắp nỗi nhớ khi anh nằm xuống, một kỷ niệm không rõ hình hài nhưng ẩn hiện mãi trong lòng tôi.
Anh- người can đảm tiên phong trong công tác đi truyền giáo tại Thái Lan với công việc giúp đỡ những người di dân Việt Nam đi hợp đồng lao động nghèo có được niềm vui sống. Anh nhiệt thành mang hy vọng đến từng bạn trẻ Việt Nam sống bên xứ người. Giờ đây anh đã nằm xuống như một hạt giống mục nát được vùi xuống để trổ sinh bao hạt khác. Chợt mỉm cười ấm lòng khi biết rằng anh là người mục tử đã sống hết mình với đàn chiên và cũng hy sinh cùng đàn chiên ấy. Dẫu Đại hội giới trẻ hôm ấy đã bị hủy vì tai nạn bất ngờ nhưng tôi tin chắc anh và 12 bạn trẻ kia đang hạnh phúc tham dự một đại hội long trọng trên thiên quốc.
Mưa vẫn cứ rơi nặng hạt, nhưng lòng tôi đã bớt lạnh. Mong sao cơn mưa tạnh hẳn để vạt nắng trong có thể hong vỡ những ưu phiền và tiếc nuối của ngày hôm qua.
Tôi lấy tay lau vội những giọt nước mắt rồi ngơ ngác nhìn quanh, lòng hỏi lòng: "Hoàng hôn về sớm quá phải không anh?" Và dường như có tiếng hát vọng về từ cõi xa xăm nhưng cũng thật gần của anh : "... chợt hoàng hôn về tự bao giờ".


Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2014

Chút yêu thương mong manh


Sài Gòn trốn mình trong buổi trưa hè nắng như đổ lửa. Những tia nắng như muốn thiêu đốt lòng đường khiến cho người ta càng vội vã, hối hả đi, chạy, chẳng còn nhìn thấy ai. Giữa chốn đông người mà ta cứ cô đơn lạc lõng. Ai cũng hối hả, tấp nập giờ tan sở, muốn trốn cơn nóng của tháng Sáu oi nồng sau cơn mưa vội để về với căn nhà hay ghé quán nào đó ăn cho qua bữa để tiếp tục giờ làm ban chiều.
Ta cũng sợ lắm những cơn nắng gay gắt và sợ hơn là chốn ngột ngạt đông người. Chỉ muốn chạy thật nhanh, thật nhanh để thoát khỏi dòng xe cộ tấp nập. Bất chợt trông thấy một cụ già chống gậy, cụ đứng giơ tay như muốn kêu xin sự trợ giúp của một ai đó. Vài suy nghĩ thoáng qua đầu: “Nên làm một việc có ý nghĩa cho cuộc sống mình”. Dừng xe lại hỏi han cụ, muốn dìu cụ lên xe nhưng cụ lại lắc đầu. Cụ muốn băng qua đường sau khi đi chùa về nhưng lại vướng con lươn dài. Ta đành phải nhờ anh sửa khóa trông hộ cái xe máy. Rút cái dù trong giỏ để che nắng cho cụ rồi dìu cụ sang đường. Đôi chân cụ yếu không thể bước đi nhanh được, ta đành nhủ lòng đây là dịp để luyện tập đức kiên nhẫn. Dòng người vẫn cứ qua lại, vẫn cứ nhộn nhịp, hối hả, dường như chẳng ai quan tâm đến ai, chỉ cắm đầu cắm cổ chạy. Người cứ bước qua người trên những nẻo đường đầy bụi mịt mù để về một chốn của riêng mình. Nắm lấy bàn tay nhăn nheo của cụ cho lòng bớt cô đơn. Ít ra giữa chốn đông người này vẫn còn một cụ già lãng tai chịu san sẻ cõi lòng. Không biết cụ nghĩ gì mà cứ vừa đi vừa lẩm bẩm: “Không có yêu thương thì sẽ chẳng còn gì”. Ta không đếm được cụ nói lời này bao nhiêu lần trong gần nửa giờ dắt cụ vòng con lươn sang lề đường bên kia. Thời gian như chậm lại. Lòng ta bớt hối hả khi đồng hành với cụ. Bài học chỉ từ một câu nói.
Ta nhớ mãi hình ảnh cụ già tay chống gậy với cái miệng móm mém: “Cảm ơn cháu”, rồi cụ vẫn lặp lại cái điệp khúc hồi nãy: “Không có yêu thương thì sẽ chẳng còn gì”. Một cử chỉ nho nhỏ ta làm, hy sinh một chút quyền lợi của riêng mình, bỏ đi một chút quyền lợi bản thân để rồi nhận được quá nhiều. Quay trở lại cám ơn anh sửa khóa, anh chép miệng: “Chẳng có ai giống cô cả, thật rảnh hơi. Sống ở đây phải coi chừng kẻo dễ bị lừa”. Câu này mình nghe quen quá nên chẳng bận tâm. Nhưng cũng tự khuyến khích mình: mất chút thời gian để được một bài học quý giá thì cũng nên lắm chứ.

Quãng đường về hôm ấy dường như ngắn hơn và bớt nóng hơn, có lẽ bởi vì lòng ta được an ủi. Một việc làm đơn giản mà bố mẹ vẫn dạy từ nhỏ nay  mang niềm vui đến cho ta. Bánh xe vẫn lăn đều đều với bao suy nghĩ mông lung trong đầu và với câu nói của cụ già cứ văng vẳng bên tai. Sống giữa chốn đô thị phồn hoa này ta hay bất chợt mỉm cười một mình, cũng có khi khóc một mình, rồi chẳng biết nghĩ gì khi tự nhủ trong bảy tỷ con người kia ta vẫn còn nhiều mảnh ghép. Yêu thương thì chẳng bao giờ có giới hạn nhưng con người luôn đặt ranh giới cho nó. Thế chăng nên ta cần thay đổi, bớt sống cho mình hơn, bớt nghĩ cho quyền lợi cá nhân để biết nhìn đời, nhìn người. Nhìn họ để thấy họ cần được yêu thương và mình không được phép bàng quan, vô tình đi qua một cách thật nhẫn tâm.
Người ta đăng báo có một ông cụ chết trong căn nhà, nhưng đến gần một tuần sau khi con cái đi du lịch về mới phát hiện. Quả là đáng buồn giữa phố xá tập nập vội vã, rồi thì chẳng còn ai biết đến ai, chỉ biết có sự hiện diện của mình mà thôi. Lẽ nào Sài thành vô tình đến thế sao? Lẽ nào con người ta vẫn cứ vội vã chạy trong vòng xoay cuộc đời hờ hững? Vòng luân hồi cứ thế trôi đều đều giữa ngày, tháng, năm. Và rồi ta bỗng sợ, sợ vì phải bước ra đường thênh thang, đông nghẹt người mà vẫn thấy mình lạc lõng. Hồi ở quê mới lên ta mang theo thói quen mỉm cười chào mọi người, kể cả người lạ, nhưng họ lại nhìn mình như kẻ bất bình thường. Dần dà rồi ta cũng thu mình lại trong chốn chỉ biết có công việc và mong đến ngày nghỉ để chạy về quê hít hà cái cảm giác của miền quê. Những cánh đông mía trải dài như bất tận, chỉ có nắng hiu hiu và những người dân quê chân chất đưa ta về chốn bình yên lạ lùng. Ta sợ lắm cái cảm giác cô đơn dễ làm ta không kìm nén nổi cảm xúc, mà có khóc thì cũng chẳng ai thèm quan tâm. Ta sợ lắm khi phải đối diện với những thực tế thật phũ phàng đến nỗi cảm thấy tất cả nhạt nhoà, hư không.

Sài Gòn ơi! Sao mấy năm gắn bó mà ta vẫn có cảm giác lạc lõng bơ vơ như kẻ cô đơn. Bước ra phố mà sao thấy phố xá thênh thang quá. Mồ hôi vã ra mà vẫn chiếc áo khoác dày cộm, vẫn cái khẩu trang bịt kín mít và cái mắt kính đen như không muốn ai thấy mình. Vào chốn đông người mà chỉ biết lặng thinh, nhìn quanh quất để tìm một bóng dáng quen thuộc nhưng rồi lại thở phào nhẹ nhõm vì may quá nơi đây ta là một kẻ lạ, vô hình giữa đám đông. Có lần mẹ bảo: “Con gái muốn lập nghiệp trên đó hả?”. Ta vội trả lời như sợ mẹ tưởng ta sẽ như thế thật: “ Dạ, con chỉ đi làm thôi, cuối tuần về lại quê mình”. Vì ta sợ sẽ đến một lúc nào đấy ta chẳng còn nhận ra mình là ai nữa. Thoáng chốc thấy nhạt nhòa vì hai tiếng yêu thương thật mong manh.