Trang

Music

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2022

Trở về

 

TRỞ VỀ

(Viết sau những ngày Tĩnh Tâm, tháng 8.2022)

Kỷ niệm 17 năm Khấn Dòng (22.8.2005- 22.8.2022)

Trở về là cơ hội để thấy được chính bản thân mình của ngày hôm qua, của những ngày xưa ấy, để thấy lại sự khởi đầu với những bước chân hồ hởi, để tìm lại mình trong những dĩ vãng của ngày hôm qua nhưng chẳng nhạt nhòa…

Tôi trở về Tu viện chính sau một năm miệt mài với sứ vụ. Hạnh phúc nhất là dịp tĩnh tâm năm này. Mẹ Hội dòng đã sinh ra tôi trong dòng máu thiêng liêng từ 25 năm qua, và nay tôi được về với Mẹ để được yêu thương vỗ về. Cũng có nhiều dịp tôi trở về trong năm nhưng vội vã công việc rồi đi liền.

Trời tháng Tám với những cơn bão dai dẳng, mưa suốt tuần. Nhưng cũng nhờ thế mà tiết trời lành lạnh giúp chị em dễ tịnh tâm cầu nguyện hơn. Tôi xin phép được ở khu An dưỡng phía sau, để giúp cho sức khỏe tốt hơn vì luồng không khí tự nhiên, và cũng có thể ngắm nhìn cây cỏ hoa lá và ít tiếp xúc, để có thể cầu nguyện dễ dàng hơn.


Khu vườn phía sau rộng bạt ngàn với một màu xanh của vườn tràm non, xa xa những người nông dân đang cặm cụi bẻ đọt. Tu viện rộng lớn im lìm nhường bầu khí thinh lặng cho tuần tĩnh tâm. Tiếng mưa cứ rơi tí tách đều đều bên hiên hành lang. Gió lạnh nhè nhẹ thổi vào hồn khiến những ký ức xưa lại hiện về.

Đã bao lâu rồi tôi không có được khung cảnh và bầu khí tuyệt vời này, có lẽ trên 15 năm, thời còn Nhà Tập thanh vắng và bình yên trong bầu khí cầu nguyện. Tôi có thói quen cầu nguyện ngoài trời để được tiếp xúc với thiên nhiên, nhìn cây cỏ hoa lá côn trùng để tạ ơn Chúa đã ban cho thế giới xinh đẹp này. Nhiều khi không cần một đề tài để cầu nguyện, mà chỉ là lời tạ ơn. Sống trong tâm tình biết ơn, tôi thấy mình thật hạnh phúc. Mỗi ngày, tôi tạ ơn Chúa vì mình còn được sống, được hít thở bầu không khí trong lành, được có đôi mắt sáng để quan sát vạn vật, được Chúa ưu ái chọn gọi, được sống tình chị em với nhau trong lòng Mẹ Hội Dòng. Bôn ba nhiều nơi, tất bật với bao công việc, Tu viện Nhà mẹ chính là nơi dừng chân để nghỉ ngơi, như những đứa con đủ lông đủ cánh bay xa để đi xa, thì những ngày lễ tết giỗ chạp vẫn muốn quây quần bên mâm cơm đượm tình gia đình, ấm áp tình thương của mẹ cha, nơi mà thuở ấu thơ đã được nuôi lớn, nơi có bát canh cua, dưa muối, dĩa cá kho mặn, đơn giản nhưng ấm tình quê, tình gia đình.

Những ngày tháng tất bật với sứ vụ, đôi lúc hồn không đủ tĩnh lặng để trở về, nên vẫn còn đó những hơn thua được mất, đôi lần cũng đánh mất chính mình bởi tham sân si, rồi những lo âu tất bật. Được trở về nơi đây, tôi gác lại tất cả. Ngồi trong Nhà Nguyện nhìn lên, tất cả chị em dù có làm công việc khác nhau, có hơn thua đấy, nhưng ở nhà nguyện, ai cũng như ai, cũng một màu lúp, cũng bộ áo dòng như nhau. Thế thì hơn thua để làm gì. Trước mặt Chúa chỉ hơn nhau ở lòng mến được bao nhiêu. Trạm dừng chân mỗi tháng, mỗi năm rồi sẽ dẫn mỗi người đến trạm dừng chân nơi khu An Dưỡng, nơi mà dù trước đây chị này chị kia đã từng làm đến chức vụ lớn lao, hay có chị chỉ là người làm vườn, thì về trạm dừng này, tất cả đều như nhau. Có những dì đã lẫn chẳng biết mình là ai. Có dì đã từng đi hết nơi này nơi kia rồi giờ cũng nằm liệt một chỗ. Ấy, đời người ngắn ngủi, vênh vang để làm gì, hơn thua mà chi để rồi về đến đây ai cũng như ai thôi.

Tôi bước xuống lối đi giữa hai hàng cọ già rợp bóng xanh mát. Hàng cọ này đã có trên 20 năm tuổi, hồi tụi tôi ở Nhà Tập đã có nó rồi. Trên thân cây chi chít những vết nứt trên lớp vỏ xù xì, tôi nghiệm rõ vết hằn của thời gian. Những cây cọ vẫn cứ thế vươn cao và xòe tán rộng hơn nữa, mặc kệ những ngày nắng cháy da hay những hôm mưa gió bão bùng. Tôi thì không thể. Tôi chỉ tìm thấy nơi bản thân mình và những cây cọ một điểm chung: dấu vết của thời gian hằn trên da thịt. Tôi về lại chốn xưa, nhìn thấy những đổi thay. Nhưng thấp thoáng đâu đó vẫn còn những điều không thể thay đổi được. Bầu khí thanh vắng của Tu viện là một không gian lý tưởng cho tâm hồn được nuôi dưỡng. Lối này dẫn ra nghĩa trang, đó là trạm dừng cuối cùng của một đời người. Đất Thánh của Hội Dòng đã có hơn ba mươi ngôi mộ, hầu hết là của quý dì đã có công gầy dựng Hội dòng từ thuở khai sinh. 19 năm trước, khi còn là một Tập sinh, nơi đây là địa điểm tôi ra cầu nguyện mỗi ngày, đặc biệt vào tháng 11, mùa Vọng và mùa Chay. Thường mỗi lần về Nhà Mẹ tôi tranh thủ ra đây đọc một kinh cho các vị tiền bối- những dì đã có công gầy dựng Hội Dòng từ thời khó khăn với biết bao mồ hôi nước mắt để tôi được hưởng như bây giờ. Nhìn phần mộ để chiêm nghiệm về sự mong manh của kiếp người. Tôi vốn rất nhút nhát và hay sợ bóng đêm, sợ một mình. Thế mà không hiểu sao tôi lại rất thích nơi này. Khi còn sống, người ta thường tìm cho mình một chỗ đứng, một ghế ngồi. Còn tôi, tôi thấy điều ấy không quan trọng cho bằng hãy nghĩ đến chỗ nằm của mình sau này. Hãy sống làm sao để chỗ nằm sau cũng được nhẹ nhàng, và khi ra đi có thể nở một nụ cười mãn nguyện vì rằng mình đã sống đủ yêu thương và hạnh phúc cho một cuộc đời viên mãn.

Mười chín năm trôi qua từ ngày nhập Tập viện. Mọi thứ nơi đây đã đổi thay nhiều. Nhưng thấp thoáng đâu đó vẫn còn những điều không thể thay đổi được. Bầu khí thanh vắng của khu Tập viện và lối ra khoảng vườn rộng lớn phía sau cùng khu Đất Thánh là một không gian lý tưởng cho tâm hồn được nuôi dưỡng. Chính trong bầu khí ấy, những năm tháng tuổi trẻ của tôi được dưỡng nuôi, tâm hồn tôi được ngụp lặn trong những suy tư, đắm chìm trong những chiêm nghiệm. Tôi nhớ nơi này vì hai năm tập viện với quá nhiều kỷ niệm. Khu nhà cũ tôi ở nay đã thành Khu an dưỡng, nhưng tôi vẫn thích nơi này vì đó là khu đất chứa đầy yêu thương của những ngày tháng nuôi dưỡng tôi trong ơn gọi. Mọi sự đã khác, hình như chỉ còn cây mận và cái chòi nhỏ, cũng ít cây nhãn còn sót lại là di tích của ngày cũ thôi. Chiếc chòi nơi tôi hay cầu nguyện. Cây mận này mười chị em tôi hay trèo lên hái cho nhau ăn, và rượt đuổi tôi xung quanh gốc cây vì tôi hay bày trò những câu đố vui mà lời giải thật vô duyên. Mấy cây nhãn này mỗi khi dì làm vườn chưa kịp thu hoạch thì tụi tôi đã hái gần hết. Nơi này bao nụ cười giòn tan cùng những giọt nước mắt. Ôi, biết bao nhiêu kỷ niệm yêu dấu. Nhìn cảnh xưa thì kỷ niệm lại hiện về như từng con sóng nối tiếp nhau xô vào bờ ký ức vậy. Dì phụ tá- người mà tụi tôi nghịch ngợm gọi bằng tiếng “Bố” thân thương đã qua đời vì căn bệnh nan y. Dì ấy rất yêu thương ân cần lo cho tụi tôi từng chút một. Còn dì Giáo, tụi tôi gọi bằng “Mẹ” vì sự ân cần nhẹ nhàng, luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu từng đứa một. Giờ đây mỗi lần về nhà chính, chị em tôi hầu như đều ghé thăm dì. Một người Giáo rất gương mẫu, yêu thương tụi tôi như con ruột. Vì lớp tụi tôi là lớp Tập đầu tiên được dì coi sóc sau nhiều khóa dì làm phó tổng phụ trách. Tôi cũng không quên Cha Giuse linh hướng của lớp, cũng là Cha nghĩa phụ của tôi, đã ân cần đồng hành gắn bó với Lớp Têrêsa Calcutta chúng tôi trong suốt 2 năm ròng, và hiện vẫn đồng hành với các Lớp Tập và cả Hội dòng cho đến hôm nay.

Tôi về lại những góc vườn, những nơi chốn tôi từng hay đứng một mình để suy niệm trong những buổi chiều thanh vắng, hay những hôm mưa xối xả, gió rít từng cơn. Vẫn những hàng cây bao năm đứng bên nhà nguyện chịu mưa chịu nắng; vẫn những chậu hoa tuy bé nhỏ nhưng vẫn có nét kiêu sa; vẫn đấy toà giải tội lặng im bên góc cột, với tấm khăn che trắng đã ngả màu. Tôi thấy bóng dáng của chính mình trong dòng thời gian bên những khung cảnh ấy. Bầu trời vẫn thế, hàng cây vẫn thế, mái nhà vẫn thế, nhưng tôi thì đã không còn là tôi của ngày trước. Những thứ kia vẫn chỉ là những vật vô tri vô giác, không hờn giận, cũng chẳng vui buồn. Tôi dần lớn lên, trưởng thành hơn, va vấp hơn, xù xì hơn, giống hệt với vỏ của những cây dầu trước cổng. Thế giới mà tôi đã trải qua thật khác xa với những gì mà tôi đã mường tượng ngày trước. Tôi đã chẳng còn là cô bé Tập sinh non nớt ngày nào, chẳng còn là một khấn sinh trẻ năng đọc sách suy niệm bên hàng cây đó, chẳng còn là một tu sĩ trẻ đứng chắp tay sau lưng nhìn những hạt mưa rơi lốp đốp trên những mái tôn gỉ sét. Những hình ảnh của quá khứ như những thước phim lướt qua trong tâm trí. Tôi chẳng thể thay đổi được gì. Không gì cả. Tất cả giờ đây chỉ còn là những vết hằn trên da thịt, và cả trong tâm trí. Nhưng tất cả làm nên con người tôi của ngày hôm nay. Trở về để tìm cơ hội quay lại những năm tháng êm đềm được bao bọc trong vòng tay của mẹ Hội dòng. Những năm tháng đó cứ mãi êm đềm. Nhưng con người không như sỏi đá, con người vẫn phải lớn lên, chấp nhận những va vấp để học lấy những kinh nghiệm. Trở về cũng là lúc tập lấy sự buông bỏ. Tôi không thể cứ nắm giữ mãi tất cả được.

19 năm trôi qua, đến nay cũng đã 17 năm Khấn. Tạ ơn Chúa vì bao điều kỳ diệu Ngài đã thực hiện.

Đêm nay, đứng bên khu An dưỡng nhìn những ánh đèn lấp lánh sau những khung cửa của Tập viện, những ký ức ngày xưa chợt quay về.

Êm ả!

Bình yên!

Bình Yên 22.8.2022

 

Thứ Ba, 2 tháng 11, 2021

Chiếc chìa khóa hạnh phúc

 Nếu như có ai đó hay điều gì tổn thương đến bạn thì đó là do chính bạn cho phép nó.

Không nên trách người, cũng đừng oán thán việc không hay... Tất cả đó là thử thách hiển nhiên mà bất cứ con tàu nào ra khơi cũng đôi lần phải đối mặt, hoặc là hậu quả cho hàng chuỗi những quyết định trước đó.

Chẳng thể buộc gió ngừng thổi về phía bạn, cũng không bắt một ai trên đời này có trách nhiệm phải đối xử tốt với bạn. Hãy hít một hơi dài, dũng cảm bơi tiếp chặng đường của chính mình và chiến thắng nó thật hiển hách...

Tất cả những con người đi qua đời bạn đều có những lý do, suy cho cùng đôi khi nên xem là ân huệ.

NGÀY HÔM NAY LÀ MÓN QUÀ (Present: Hiện tại = quà tặng), cứ từ từ tận hưởng theo cách của bạn.

Có một thứ mà khi bạn càng cho đi, nó thậm chí sẽ không mất mà còn được nhân lên nhiều hơn thế nữa!!!

Khi trao yêu thương, cái bạn nhận về sẽ là hạnh phúc. Những hạt giống tốt sẽ chỉ có thể nảy mầm và triển nở nơi mảnh đất tâm hồn thật lành, thật màu mỡ.

Mình tin chắc chắn rằng, trong mỗi chúng ta, từng quãng thời gian ta sống, vẫn luôn có một hay nhiều hơn một thiên thần ở bên và đồng hành cùng. Chỉ cần ta có đủ lòng chân thành và yêu thương để đón nhận.

Trên con đường ta đi, có những nơi xuất hiện hố lầy hay những chướng ngại vật ... Lẽ tự nhiên, ai nấy cũng chả dại gì bước vào rồi trách cứ cái sự khó mà lẽ đương nhiên sẽ mau lẹ tìm cách tốt nhất để vượt qua nhanh chóng.

Nhưng... có đôi khi trên bước đường đời, ta chạm phải những nỗi đau dường như có thể bóp nghẹt mất cả con tim cùng nhịp thở chính mình... mà mặc nhiên để chúng bủa vây, dày vò mà không hề biết tìm cách để thoát khỏi chúng?

Đôi bàn tay yếu mềm của ta từng chăm sóc bao người, từng nâng niu những người mà ta yêu thương... Nhưng đã bao giờ biết tự ôm lấy mình trong những đêm mỏi mòn chống chọi lại những cơn thống khổ?

Trái tim ta đã từng yêu thương... Rồi mặc nhiên hứng chịu những đau đớn hành hạ đến tận cùng!!!

Vì sao vậy???

Có ai bắt ta phải chịu thế không?

Không!

Chỉ có sự mụ mẫm của chính mình dẫn dắt mình đi trong đêm tối lầm lạc rồi ngồi đó mà oán thán đất trời.

BIẾT YÊU BẢN THÂN LÀ ĐẠO, vì chỉ khi biết yêu lấy mình, ta mới biết yêu thương người khác cho đúng cách. Hãy dứt bỏ hoàn toàn cái sự mụ mẫm đã lỗi thời ấy và mặc lấy một con người mới đầy khát vọng, ta mới vỡ òa nhận ra khung trời mới với biết bao tươi đẹp.

Để mở chiếc chìa khóa của hạnh phúc quả thật không khó, chỉ cần ta biết cách thôi, và luôn nhớ, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, hãy giữ gìn sự bình yên cho tâm hồn mình, nhé bạn!

Khi đã "đi xuyên qua" và chiến thắng hiển hách với sự sợ hãi, buồn đau, lo âu, phiền muộn, những tiếc nuối cùng thất vọng.... Ta ung dung thưởng thức tách trà một mình, phóng tầm mắt lên bầu trời có những rặng cây xanh cùng vô vàn những bóng mây đang phiêu lãng tự do như muôn thuở.

Sớm mùa hạ 15.5.2016

Thứ Bảy, 16 tháng 10, 2021

Cho đi là còn mãi

 “Có một truyền thuyết về con chim chỉ hót có một lần trong đời, nhưng hót hay nhất thế gian. Có lần nó rời tổ bay đi tìm bụi mận gai và tìm cho bằng được mới thôi. Giữa đám cành gai góc, nó cất tiếng hót bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau khổ khôn tả, nó vừa hót vừa lịm dần đi, và tiếng ca hân hoan ấy đáng cho cả sơn ca và họa mi phải ghen tị. Bài ca duy nhất, có một không hai, bài ca phải đổi bằng tính mạng mới có được…”

Xin mượn những lời tựa trong tác phẩm “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” để mở đầu cho bài viết về chị- người nghệ sĩ hoàn hảo.

Ngày 28.9 vừa qua, hầu hết khán giả Việt, Mỹ và nhiều nơi trên thế giới đều bàng hoàng khi nghe tin nghệ sĩ Phi Nhung qua đời sau gần hai tháng chiến đấu với căn bệnh Covid. Khán giả đau buồn vì mất đi một nghệ sĩ tài ba, hơn thế nữa buồn vì mất đi một nghệ sĩ có tâm, cống hiến cho nghệ thuật, một người mẹ hy sinh quên mình cả đời mình vì hạnh phúc của con gái và những đứa con nuôi không máu mủ ruột thịt.

Tôi thực sự rất ít xem tin tức về giới nghệ sĩ. Chỉ khi dân mạng rầm rộ chuyện gì thì tôi tò mò mở xem xíu để lỡ ai hỏi thì biết đường mà trả lời. Lần này, khi xem clip ngắn tâm tình của ca sĩ Mạnh Quỳnh tiễn biệt chị, và livestream Ngọc Hân phỏng vấn hai mẹ con chị, vài bài phỏng vấn về chị, tôi quá nể phục chị. Tôi đã khóc khi nghe chị kể về cuộc đời chị: Xuất thân là một đứa con lai vô thừa nhận, mồ côi mẹ khi mới 11 tuổi, không được học hành nhiều, chị trải qua một tuổi thơ bất hạnh. Những năm 90, khi mới qua Mỹ, chị một thân một mình lo chạy vạy kiếm cơm nuôi con, việc gì cũng làm, chỉ muốn con con được học hành đầy đủ, có một tuổi thơ êm đềm không phải khổ như chị ngày xưa. Chị không khoe con gái mình không phải vì chị khùng như nhiều người nghĩ, mà vì chị muốn con mình có một cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác. Chị nói: “Người ta có thể chửi chị, chê chị vô học, nhưng chị không cho phép ai sỉ nhục con cái của chị…”. Một người mẹ dám hy sinh tất cả để dành hạnh phúc cho con, và chị xứng đáng là một người mẹ tuyệt vời.

Khi được phỏng vấn rằng bây giờ con gái đã thành đạt, chị có nghĩ chị sẽ tìm một người chồng không? Chị nói, hồi xưa thì lo làm lo cho con. Khi các em qua Mỹ thì lại lo dựng vợ gả chồng cho 5 đứa em cùng mẹ khác cha. Bây giờ thì chị vẫn còn lo cho 23 đứa con nuôi ở Việt Nam nữa, nên thôi, nếu có kiếp sau thì chị sẽ lấy chồng. Xem như chị có mặt trên cuộc đời này để cống hiến, để cho đi. Chị đúng là đóa hồng Nhung Phi thường của giới nghệ sĩ và trong lòng những khán giả yêu mến chị.

Một người nghệ sĩ nổi tiếng như chị, nhưng chị lại sống rất giản đơn: không đeo nữ trang, không mang đồ hàng hiệu, cái gì rẻ mà đẹp thì chị mặc, nhà ở chỉ hai căn phòng nhỏ để đủ cho hai mẹ con, về Việt Nam cũng thế, đi xe cũng bình thường. Chị dư sức mua sắm những thứ đắt tiền, sang trọng chứ. Nhưng không, chị thể hiện mình bằng tấm lòng của người nghê sĩ từ tâm, cống hiến thực sự, không khoe mẽ về bản thân hay bất cứ thì gì liên quan đến bản thân. Chị nói đời quen chị khổ rồi nên chị cũng không thích xa hoa, sang trọng. Có lẽ chị khác hẳn với những nghệ sĩ khác thường đánh bóng mình bằng cách khoe xế xịn, biệt thự sang trọng, khoe con cái, gia đình,… Có người vì tuổi thơ quá khổ cực nên khi giàu có, họ sẽ bù đắp lại, che chắn quá khứ của mình bằng một cuộc sống xa hoa, người ta gọi như luật bù trừ. Với chị, hạnh phúc là sống cho đi, là phục vụ, cống hiến.


Nhìn con nuôi ôm chị, quây quần bên chị, em tin chắc chị phải yêu thương các con như thế nào thì chúng mới dành tình cảm cho chị như thế. Trẻ thơ không biết giả tạo, nó chỉ hành động khi trong lòng nó mang tư tưởng thật chứ không bao giờ gượng ép. Chắc chị đã rất hạnh phúc khi nhìn các cháu ngoan ngoãn, trưởng thành từng ngày. Chỉ tiếc rằng từ nay chúng sẽ không còn mẹ nữa. Dù ai có thể cưu mang chúng nhưng làm sao có thể thay thế một người mẹ có tâm tựa đai dương bao la như chị?

Mấy hôm nay, cơn bão số 7 khiến trời đất âm u suốt ngày, mưa ngày đêm không ngớt. Em ngồi đây viết những dòng này, nhìn ra khoảng vườn, những chiếc lá me nhỏ xíu theo những giọt mưa khẽ rơi xuống, nhạt nhòa. Chị cũng như những chiếc lá kia đang theo giọt nước trôi về nguồn cội, lặng lẽ, một mình đi về nơi nó phát xuất, nhưng chị không nhạt nhòa đâu. Hình ảnh chị mãi được khắc khi trong tâm trí hàng triệu con người, vì chị đã sống một cuộc đời quá đẹp. Hoàng hôn về sớm quá phải không chị? Mới 50 tuổi đời, gần 30 năm cho sự nghiệp ca hát, dù cho những chiếc gai của dư luận đâm xuyên ngang trái tim, chị vẫn hát cho đến khi sức tàn lực kiệt bài hát mà chị đã phải đánh đổi bằng cả tính mạng. Chị ra đi bỏ lại trần thế những lời thị phi, những búa rìu dư luận của những con người vô lương tâm.

Chị xứng đáng là biểu tượng của người phụ nữ hy sinh hết mình vì cuộc đời, vì con người. Chị vẫn là người phụ nữ Việt: Trung hậu, đảm đang, hết lòng hy sinh. Một người phụ nữ muốn được làm mẹ thì phải chịu chín tháng cưu mang nặng nhọc, ba năm bú mớm, hy sinh sắc đẹp, tuổi xuân, sức khỏe… Nhưng sự cho đi tưởng rằng mất mát ấy lại đẹp tuyệt vời khi dành lại hạnh phúc cho người khác. Mạnh Quỳnh-người bạn tri kỷ của chị đã nức nở khi nói: “Phi Nhung sẽ có được một gia đình hạnh phúc, nếu Phi Nhung muốn…”. Vâng, nhưng chị đã đánh đổi hạnh phúc ấy cho cuộc đời này đẹp hơn, cho con gái chị có được một tuổi thơ êm đềm, cho những đứa trẻ mồ côi không phải bất hạnh như chị ngày xưa. Nhìn bên ngoài, chị thật ngốc vì chị đã chưa lúc nào sống cho bản thân. Tuy nhiên, em tin sự cho đi của chị sẽ không vô nghĩa, các con chị sẽ được lớn lên, trưởng thành và ngẩng cao đầu bước vào đời, hãnh diện vì có “mẹ Nhung” tuyệt vời. Hạnh phúc là cho đi, và cho đi là còn mãi.

Chị đã nằm xuống, nhưng hình ảnh chị vẫn sống mãi trong lòng mọi người. Chị sẽ phù hộ cho con gái và các con nuôi của chị. Chị ra đi, cả thế gian lặng đi lắng nghe và chính thượng đế trên thiên đình cũng mỉm cười. Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại…

Thương chị!

Chiều nhạt nắng 15.10.2021

Hãy gọi tôi giữa bình yên

 

Có bao giờ bạn cảm thấy chán nản, mệt mỏi vì mất cân bằng giữa công việc và niềm hạnh phúc riêng cho bản thân? Có bao giờ bạn tự hỏi mỗi giờ hằng ngày mình dành ra thực sự mang lại giá trị hay ý nghĩa nào cho cuộc sống?

Cuộc sống mang đến cho con người nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau, có cả vui buồn, hạnh phúc, bình an và tức giận. Tất cả những điều này không những đang diễn ra hết sức đa dạng mà còn rất nhanh chóng. Thế giới nội tâm của con người như một bánh xe không ngừng luân chuyển và ai cũng mong tìm kiếm cho mình một chốn bình an, thanh thản, được sống trong hạnh phúc giữa sự xô bồ của cuộc đời.

Khi cảm thấy mình bắt đầu nôn nóng và giận dữ, bạn hãy dừng lại trong giây lát và tự hỏi: “Trong ánh sáng của vĩnh cửu thì điều này có gì là quan trọng?”

Đôi lúc bạn nghĩ mình không bình an là do thế giới này, con người kia. Và rồi bạn tìm cách thay đổi thế giới. Nhưng công dã tràng, bạn bé nhỏ như thế thì làm sao thay đổi được họ? Nếu thế giới này chẳng đổi thay theo ý bạn, có lẽ tốt hơn là bạn nên thay đổi chính bản thân mình. Lúc đó, bất kể phải đối mặt với thế giới nào, bạn cũng đều có thể dễ dàng sống hạnh phúc. Con người ta bước trên đường đời của mình thường mải mê kiếm tìm hạnh phúc và bình yên trong vật chất, mà quên mất rằng đôi khi hạnh phúc và bình yên lại phụ thuộc vào chính tâm hồn và trái tim của mình. Muốn tìm kiếm bình yên thì chẳng cần đâu xa đến ngàn vạn dặm đường, mà đầu tiên phải giữ cho tâm hồn và trái tim mình bình yên trước đã.

Mỗi người đều phải tìm thấy sự yên bình từ bên trong bản thân mình. Và sự bình yên thật sự không thể bị ảnh hưởng bên ngoài tác động. Bình yên không phải là đứng giữa một khoảng trời không giông tố, mà là khi ở giữa giông bão ta vẫn thấy lòng bình yên.

Đôi khi ta đánh mất bình yên chỉ vì những điều vụn vặt. Càng trưởng thành, bạn sẽ nhận ra rằng tranh luận đúng sai hơn thua với người khác không còn quan trọng nữa. Khi ta cảm thấy yêu thương và tử tế với người khác, điều đó không chỉ làm người khác cảm thấy được yêu thương và chăm sóc, mà còn giúp ta tìm được hạnh phúc và bình an trong nội tâm.

Bạn sẽ tìm thấy một kiểu thanh bình, một sự trưởng thành mới khi bạn biết sống cho đi, sống trao ban tình yêu thương. Hãy xây dựng sức mạnh và khả năng kiểm soát khi còn trẻ và ôm lấy sự yêu thương với trái tim vị tha. Chỉ như vậy, bạn mới tìm được yên bình thực sự trong tim và bắt đầu cuộc hành trình tiến tới cái tôi tốt đẹp hơn và những ngày tháng tốt đẹp hơn trong đời.

Có một quy luật thần bí và tuyệt vời của tự nhiên rằng ba điều chúng ta khao khát nhất trong đời: hạnh phúc, tự do và sự bình an của tâm hồn – luôn luôn có thể đạt được bằng cách trao chúng cho người khác. Vì bản chất của tình yêu là sự thánh thiện và thanh bình. Ở đó, tâm hồn, lý trí, lương tâm và thể xác đều được bình an.

Bình yên cũng là một dạng của hạnh phúc. Hạnh phúc đó rốt cục cũng là một dạng của tình yêu. Có thể đau khổ cũng là dấu hiệu cho tình yêu, – nhưng suy cho cùng cái kết cục viên mãn nhất của tình yêu mà con người ta hằng mong mỏi phải chăng là những tháng ngày bình yên sao?

Không phủ nhận rằng hạnh phúc và bình yên sẽ không tròn vẹn nếu thiếu thốn về vật chất, nhưng hãy nhớ rằng, khởi nguồn của mọi sự bình yên luôn đến từ trái tim và tâm hồn các bạn nhé!

Mong rằng khi ai đó lên tiếng gọi, bạn và tôi sẽ đang ở giữa bình yên nhé.

Chiều mưa 13.10.2021

Thứ Ba, 12 tháng 10, 2021

Khiêm tốn

 

Ngày nay dường như người ta ít đề cập đến vấn đề tu luyện bản thân. Ở trường học trò chỉ được học kiến thức, đúng hơn là nhồi nhét kiến thức sao cho nhiều nhưng kỳ thực học trò không nhớ được bao nhiêu, thầy cô không còn thời gian để dạy lễ giáo. Con cái thì được cha mẹ thúc giục phải học sao cho giỏi bằng con nhà người ta, chứ ít dạy con về những đức tính nhân bản. Bởi thế khi bước vào đời, các bạn trẻ thường bị bỡ ngỡ bởi không biết ứng xử, cách sống và cách làm việc chung sao cho hòa hợp. Và thường sau vài cú vấp ngã người ta mới hiểu cần làm gì.

Lẽ nào cứ phải để vấp ngã rồi mới biết cách đi?

Giữa một xã hội người ta tranh đua nhau để hơn người, thì có mấy ai đề cao đức khiêm nhường. Một số bạn trẻ cho rằng ui trời, ngày nay ai giàu có hơn, địa vị cao hơn thì được nể phục, cần gì phải khiêm tốn cúi mình làm chi, nó có giúp được ta no ấm, quyền cao chức trọng đâu.

Đi qua hơn nửa đời người, tôi mới hiểu mình cần rèn đức khiêm tốn biết bao. Một người tu dưỡng tốt thực sự biết rằng thế giới rộng lớn và có những người lớn lao hơn họ. Vì vậy họ luôn luôn khiêm tốn và không bao giờ dừng chân, luôn không ngừng học hỏi và hoàn thiện bản thân. Khiêm tốn là đức tính nhã nhặn, nhún nhường, không đề cao cái mình có và luôn coi trọng người khác. Nhờ có sự khiêm tốn, con người thực sự có thể học hỏi nhiều hơn từ những người xung quanh. Hơn thế nữa, thái độ sống giản dị khiêm nhường cũng đem đến cho mỗi người những cơ hội để mở mang đầu óc, lắng nghe, tiếp thu những điều hay lẽ phải từ những người xung quanh. Bằng đức tính khiêm tốn ham học hỏi, con người biết tự khai phá những con đường đi tới thành công cho mình. Trái lại là kiêu căng tự phụ sẽ làm cho chúng ta không lắng nghe được từ người khác, từ đó học hỏi bị hạn chế. Không những vậy, thái độ sống khiêm tốn giản dị hướng tới những giá trị lâu bền sẽ được mọi người yêu mến và kính trọng. Đức tính khiêm tốn rất cần thiết mà mỗi người cần trang bị trong cuộc sống để trưởng thành và thành công.

Sách Gương phúc dạy: “Đức khiêm nhường là nền tảng, là điểm tựa của trót tòa nhà thiêng liêng”. Đối nghịch với Đức khiêm nhường là sự kiêu căng. Nếu khiêm nhường là nét đẹp của đức tính con người thì kiêu ngạo là mối tội đầu tiên gây ra sự hư hoại của con người.

Chắc hẳn bạn cũng đã nghe rằng: Khiêm tốn bao nhiêu còn chưa đủ, tự kiêu một chút cũng là thừa!

Khiêm tốn không phải là hèn nhát như một số bạn trẻ nhận định. Khiêm tốn trong đối nhân xử thế là một loại tu dưỡng, nhìn ngoài tưởng người yếu đuối nhưng kỳ thực nội tâm lại vô cùng mạnh mẽ.

Thời nay có một số người sợ người khác biết sự thật về mình, nên họ không ngừng đánh bóng mình trên mạng xã hội. Họ ảo từ ngoại hình, danh tiếng,… vì mong được khen ngợi. Họ tự quảng cáo mình trên mạng để mong mọi người nhìn họ với cái nhìn nể phục, họ mơ mộng trên mây trên gió nhưng khi trở về thực tại, họ thường bị thất vọng bởi ảo tưởng. Họ quên rằng điều làm nên con người hoàn thiện không phải lớp sơn được đánh bóng kia, mà là việc cần trau dồi cho mình nhân cách của người trưởng thành. Họ sợ sự khiêm tốn dám nhận thật về bản thân sẽ khiến thiên hạ cười chê, nhưng kỳ thực, chính sự biết mình ấy và sự nỗ lực hoàn thiện bản thân mới chính là điều khiến ai cũng phải nể phục.

Có những người khi mới ở trường làng ra học ngoài tỉnh, ban đầu cứ nghĩ mình đứng nhất trường làng, thì ai cũng nể phục, nhưng khi bước ra chân trời rộng hơn một chút thôi, đã thấy mình còn thua xa bao bạn bè khác. Khi mới vào công ty làm, ta ngỡ mình đẹp, giỏi giang, nhanh nhẹn hơn người, nhưng kỳ thực, trong một xã hội lớn hơn, có đầy người còn giỏi hơn ta, giàu có hơn ta. Cái nhìn của ta chỉ như ếch ngồi đáy giếng nhìn miệng giếng cứ ngỡ mặt trời. Đôi khi ta tưởng mình giỏi giang, nhưng khi vào thế giới rộng lớn ta mới nhận ra mình chẳng là gì so với vũ trụ bao la. Trong vũ trụ ấy có biết bao con người thông minh tài trí siêu việt hơn mình. Vì thế, bạn ơi, đừng bao giờ tự tôn mình lên, vì có ngày bạn sẽ bị hạ xuống. Hãy tự biết hạ mình xuống thì sẽ được tôn lên.

Nếu bạn khiêm tốn chính là đã tạo cho mình vô vàn cơ hội để có thể bước dài, bước xa, ngày càng tiến gần đến thành công, hạnh phúc, tránh được những phiền phức, tai tiếng và cả những sân si của người đời.

Mỗi khi được ra biển, tôi thường thích một mình nhìn khoảng không biển xanh bao la rộng lớn để thấy mình thật nhỏ bé, nhờ đó tôi luyện cho mình đức khiêm nhường.

Pavlov từng nói: "Đừng bao giờ kiêu ngạo. Bởi vì khi bạn kiêu ngạo, bạn sẽ trở nên cố chấp. Khi bạn kiêu ngạo, bạn sẽ từ chối những lời khuyên và sự giúp đỡ của người khác. Khi bạn kiêu ngạo, sự khách quan sẽ bị mất". Một người khiêm tốn bao nhiêu thì người đó cao cả bấy nhiêu. Bất kể khi nào và ở đâu, họ sẽ đối xử với mọi người xung quanh một cách khiêm tốn, bởi vì họ hiểu rằng chỉ khi tôn trọng người khác, họ mới có được sự ưu ái và chấp thuận của họ. Sông càng sâu càng tĩnh lặng. Lúa càng chín càng cúi đầu. Người giỏi thật sự thì càng khiêm tốn. Kẻ thiếu năng lực thì thường ba hoa. Khiêm tốn là một điều không thể thiếu cho những ai muốn thành công trên đường đời.

Nếu đọc hết bài viết này, tôi tin rằng bạn luôn vươn mình lên để hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Bạn muốn sỡ hữu sự bình yên và được mọi người yêu mến, hãy sống khiêm tốn. Và tôi tin khi ấy, tâm hồn bạn cũng đã sở hữu được sự bình yên.