Trang

Music

Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013

Tự tình mùa Giáng Sinh


Gần cuối năm, tiết trời hiu hiu se lạnh. Với vùng rừng đất đỏ thì vào mùa này thì đêm đến trời lạnh cho đến sáng và ánh nắng chỉ xuất hiện lúc gần trưa. Mỗi sớm nghe chuông Lễ tôi chỉ muốn tung mền lên... rồi đắp cho kín và... ngủ tiếp. Nhưng tiếng chuông của những ngày cận kề Giáng sinh nghe như lời mời gọi thổn thức bao tâm hồn còn ngái ngủ trong hoang địa mù tối. Mùa đông tuy lạnh nhưng lại thật ấm áp lòng người vì dường như ai ai cũng đang háo hức đón mừng mầu nhiệm Chúa Giáng sinh. Ngoài đường phố, đâu đó người ta đã trang trí những cây thông, hang đá rực rỡ nhiều màu trong tiếng nhạc rộn rã mừng Noel sắp đến. Càng ngày người ta càng có nhiều sáng kiến để dựng nên những hang đá đẹp mắt. Có nơi còn thi đua xem hang đá nhà ai đẹp hơn, lớn hơn, “nặng đô” hơn,... Ở thành thị, nhiều khách sạn, cửa tiệm được trang hoàng thật lộng lẫy do những dịch vụ chuyên trang trí với mục đích thu hút khách.
Đã từ lâu, Noel không còn chỉ dành riêng cho người Công giáo mà mở rộng cho tất cả mọi người. Đâu đâu người ta cũng gởi cho nhau những cánh thiệp mừng, rồi những gói quà được dịch vụ ông già Noel chuyển đến cho những người mình yêu mến. Nhiều hãng quảng cáo cũng tranh thủ khuyến mại dịp Giáng sinh,... Bên ngoài thì rộn ràng như thế nhưng sao lòng tôi vẫn trăn trở một khoảng trống rất lớn trong tâm hồn...
Giáng sinh năm nào tôi cũng nhớ về câu chuyện “Cô bé bán diêm” của tác giả người Đan Mạch Hans Christian Andersen được nghe bà kể thuở nhỏ. Truyện kể về một cô bé nghèo khổ phải đi bán diêm giữa mùa đông giá lạnh và từ giã cõi đời trong đêm Chúa giáng sinh. Xuyên suốt câu truyện là sự tương phản giữa cảnh ngộ của cô bé bán diêm với khung cảnh rực rỡ, đầm ấm xung quanh trong buổi tối giao thừa, với ảo ảnh đẹp đẽ nhưng ngắn ngủi do những que diêm mang lại. Cảnh ngộ đó còn đáng thương hơn khi con người xung quanh cũng lạnh giá như mùa đông khắc nghiệt. Đỉnh điểm của câu truyện là cái chết của em bé bán diêm giữa đêm giao thừa, một kết cục không giống như cổ tích truyền thống, tính cổ tích có chăng là đôi má hồng và nụ cười của em khi lên cõi thiên đàng, giải thoát khỏi mọi khổ đau. 
Lớn lên, tôi hiểu vì sao bà lại cứ thích kể câu chuyện ấy vào mỗi đêm Giáng sinh khi cả nhà quây quần bên đống lửa để sưởi ấm cùng đón chờ Chúa đến. Câu chuyện đã vào thế giới cổ tích nhưng tôi thấy nó vẫn rất gần đâu đây thôi. Xung quanh, người ta rộn ràng đón Chúa bằng những dây kim tuyến nhiều màu sắc và những đồ trang hoàng đắt tiền mà vô tình không nhớ Chúa đã sinh ra trong hang đá nghèo hèn, thiếu thốn mọi bề. Mọi người háo hức chuẩn bị những bữa tiệc linh đình bằng các loại rượu nổi tiếng và những thứ thức ăn đắt tiền từ những nhà hàng sang trọng, trong khi biết bao người nghèo đói đang ngửa tay xin chút lòng thương giữa đêm đông giá lạnh. Càng giàu có thì dường như tâm hồn con người càng khép kín lại, hay là trái tim họ hình như cũng bị đóng băng cùng với những lớp tuyết trắng dày cộm của mùa đông? Hay là cánh cửa đã khóa kín quá khiến tôi ngại ngùng mở ra để đón họ vào?


Đan xen giữa tiếng nói cười hạnh phúc trong những căn phòng ấm cúng sang trọng thì còn biết bao Hài Nhi Giêsu vô gia cư lang thang vất vưởng đầu đường xó chợ như cô bé bán diêm trong câu chuyện trên. Đáng buồn thay khi càng ngày con người càng làm biến dạng hình ảnh Hài Nhi để rồi thản nhiên mừng đón Noel rộn rã bên ngoài mà trong lòng chẳng mang một nỗi niềm của Chúa.
         Noel là lễ Đạo, nhưng dần dần lễ này được mừng kính với nhiều yếu tố đời. Đến nỗi, tại nhiều nơi, lễ Giáng sinh nay đang mất dần ý nghĩa thánh thiêng. Noel trở thành lễ hội hơn là lễ Thánh. Có khi người ta đón Giáng sinh không phải để tôn vinh Chúa nhưng để tôn vinh nhau.
Trong đêm đông giá lạnh, đâu đó còn nhiều những mảnh đời đen tối, còn lắm những hài nhi đang co ro, bơ vơ trong cái đói cái rét, rao vé số khản cổ mà chẳng ai muốn mua cho vì họ còn đang bận đón Giáng sinh. Ngoài đầu phố vẫn rơi rớt những hài nhi bé thơ bị cha mẹ nhẫn tâm bỏ rơi không chút tình thương xót. Người ta bàng quan đến lạnh lùng trước bao lời van xin thống thiết của những con người đói khổ kia, bởi họ còn bận đi lễ Noel, họ lo chuẩn bị trình diễn Thánh ca, chấm điểm hang đá...
Tôi cứ mãi ấn tượng với một vài hang đá đơn sơ, nghèo hèn vì nó lột tả được sự nghèo khó đích thực của Hài Nhi Giêsu. Dẫu có bao thiết kế lạ mắt nhưng sao tôi vẫn thích những lán tranh nghèo, xung quanh là cảnh trơ trụi, không có những trái châu, chẳng có ánh đèn chớp, không dây kim tuyến cũng chẳng đông người xem. Trong hang đá, chỉ độc nhất một ngọn đèn dầu nhỏ với chút ánh sáng leo loét. Trông nó chẳng thú vị, bắt mắt chút nào. Tuy nhiên, chỉ ở chốn ấy tôi mới có thể dắt lòng mình trở về hang đá lạnh lẽo cơ hàn nơi Belem năm nào. Chúa đó, Chúa của tôi nghèo hèn tội nghiệp lắm. Chúa đã sinh ra trong cảnh trơ trụi, thiếu thốn tư bề, cô đơn, vắng lặng giữa đồng không mông quạnh. Tôi chắp bàn tay, thầm nguyện cho mình biết mở lòng đón nhận những điều không như ý xảy đến trong đời tôi một cách bình thản.


Nghèo khó là con đường của Chúa đã đi. Người không chọn chốn sang giàu để ra đời. Chính trong sự nghèo khó ấy mà Chúa đã gần gũi và cảm thông với những nỗi đau của phận người. Nếu tôi cho Chúa sinh ra trong cảnh giàu sang phú quý thì có lẽ sẽ chẳng bao giờ Chúa có thể thấu cảm được nỗi khốn cùng của tâm hồn tôi. Còn tôi, tôi sẽ chỉ thấy Chúa như một ông hoàng sống trong lầu son gác tía chẳng biết đến nỗi cơ cực của dân... Không, Thiên Chúa là Đấng Emmanuel, Người đến để ở cùng con người và gánh lấy nỗi đau của họ. Người đã từ khước ngai vàng để trở nên giống con người về mọi phương diện chỉ trừ tội lỗi.
Vâng, Chúa đã xuống trần, trở nên giống con người để yêu mến họ. Khi yêu nhau người ta muốn nên giống người mình yêu, từ phong cách đến sở thích, lối sống. Thiên Chúa cũng muốn làm người như tôi để yêu tôi. Người không là vị thẩm phán nghiêm minh đứng trên tòa cao phán quyết nhưng đã hạ mình xuống làm người để tôi cũng được làm con Chúa.
Nếu tôi đón mừng Chúa trong sự nguy nga lộng lẫy thì có lẽ tôi sẽ không thể gặp Người. Chúa đã sinh ra và sống nghèo để Người cảm thông với những khốn cùng long đong phận người của tôi. Nếu tôi chỉ theo Chúa trong  sự đầy đủ thì mỗi khi cuộc sống có những khó khăn trắc trở, tôi có còn muốn theo Chúa không? Dần dà, hình ảnh Hài Nhi Giêsu bị biến dạng theo cách mà con người muốn vẽ ra cho Chúa, chứ không thực sự là điều mà Chúa là, để rồi họ cũng chỉ muốn theo một Chúa dễ dãi, sung sướng và từ chối con đường thập giá mà Chúa đã đi.
Thiết nghĩ mỗi tín hữu Công giáo cần xem lại chính mình trong cách đón chờ Chúa đến. Phải làm sao để cho đêm Giáng Sinh trở thành đêm mầu nhiệm giao hòa tình trời tình đất, giữa Thiên Chúa và con người và hiệp thông giữa con người với nhau, không còn phân biệt kẻ giàu người nghèo vì Chúa chính là Vua Hòa Bình, Người đến để xóa án bất công, phá tan mọi ngăn cách, đem yêu thương thay cho thù hận.
Ước gì trong đêm cực Thánh , mỗi tâm hồn có thể mở rộng cõi lòng để Hài Nhi Giêsu có thể được cưu mang, được hạ sinh và cư ngụ trong cõi lòng mỗi chúng ta.



Lạy Chúa,
Giữa giá rét của mùa đông,
Xin cho con được gặp Chúa
Giữa những lao đao vất vả của phận người
Xin cho con gần Chúa
Xin cho con luôn cảm thấy Chúa đi bên con và hiểu con...
Cảm tạ Hài Nhi đã xuống trần với con để gần con và cho con cảm nhận được tình yêu của Người.
Xin Chúa đến mở toang cánh cửa những tâm hồn còn đang khép kín. Xin cho chúng con biết đón Chúa không chỉ với những rộn rã bên ngoài nhưng thực sự để Chúa ngự trong tâm hồn mình... lặng lẽ, bình yên...

Thứ Hai, 16 tháng 12, 2013

Đường đời



 Tôi sống trong cuộc đời này với mọi người nhưng tôi có con đường của riêng tôi. Mới hôm nào bố mẹ nhìn bầy con vui vầy chung quanh mâm cơm chiều, chỗ nào cũng là yêu thương gần gũi. Dòng sông lớn lên âm thầm rẽ nhánh. Các anh chị em đi vào ngõ của mỗi người. Tôi cũng đi theo tiếng gọi thiêng liêng của đời tôi. Bây giờ đã là xa cách. Trong cuộc đời, mỗi người có riêng đường đời của mình, không đường ai giống đường ai.
Chúa Giêsu lên đường về Giêrusalem chịu tử nạn theo tiếng gọi ngất cao của thập giá. Phêrô cũng lên đường với Người, nhưng khi thấy khó khăn gian truân thì ông đã gợi ý cho Chúa bỏ cuộc. Nhưng…nếu Chúa nghe theo lời Phêrô thì liệu nhân loại được hưởng ơn cứu độ? Muốn vào vinh quang phải qua thập giá. Chẳng ai muốn nên khôn mà không khốn một lần.
Còn Phêrô, khi thấy những Kitô hữu bị bách hại, ông muốn rời Giêrusalem để có thể đem tin mừng của Chúa đến cho muôn dân, nhưng chỉ một tiếng gọi “Quo va dis?- Thầy đi đâu?”, ông đã quay trở lại thành để cùng những tín hữu vô tội lãnh phúc tử đạo.
Tôi cũng sẽ chẳng là tôi nếu tôi chối từ con đường của mình. Nếu Phêrô không quay trở lại Giêrusalem thì con số các vị tử đạo của Giáo hội Công giáo sẽ giảm đi rất nhiều, và bớt đi bao tấm gương kiên trung theo Chúa.
Kẻ không đi trên con đường của họ thì thật bất hạnh. Con đường nào thì cũng đan xen giữa hạnh phúc và nước mắt. Nếu tôi chỉ muốn chọn hạnh phúc thôi thì có lẽ chẳng có con đường nào dành cho tôi. Mỗi khi nghe thấy tiếng gọi của đau khổ, tôi muốn bịt tai và chuồn hướng khác. Đau khổ thường dẫn người ta đến việc lẩn tránh đường đi. Trong tính toán của Phêrô, ông âm thầm cảm nghiệm được khúc đời khốn khó nếu ông cùng Thầy về Giêrusalem. Ông theo Chúa, nhưng chỉ muốn theo Người trên những con đường trải đầy hoa hồng và nhung lụa, gặp những quãng đường gai góc thì ông muốn né tránh. Ngày đầu Chúa gọi, ông hân hoan từ bỏ tất cả để theo Người. Bao năm tháng dong duổi trên đất Galilê được theo Thầy chữa bệnh, trừ quỷ, được bao người tung hô, ca tụng, ông vẽ ra những giấc mơ của những vinh quang trần thế. Ông bình yên theo Thầy  trên con đường rộn rã tiếng cười ấy. Thế nhưng, những giây phút Chúa cần ông nhất thì ông lại ngăn cản Chúa, bỏ Chúa…. Đau khổ khiến tâm hồn đầy can đảm cũng muốn bỏ cuộc. Phê rô ngậm ngùi chối Chúa, che giấu lòng thật đang day dứt của mình. Lối đường của mỗi người khác nhau. Đường của Gioan Tiền Hô là ông muốn mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng (x. Lc 3,4-6). Là tiền hô thì đó là cách thế để ông dọn đường cho Chúa. Chấp nhận đi con đường của mình, Gioan đã phải đi quãng đường rất vắng vẻ của những ngày sa mạc nắng cháy, của những đêm sa mạc hoang vu, cô đơn đến lạnh người và chấp nhận những thử thách nghiệt ngã của đời tông đồ trong ngục tối (x. Mc 6,17-28).
Đường sa mạc vắng vẻ quá, đất sa mạc chẳng cò gì gợi lên sức sống cho dù tuổi trẻ đang phơi phới hân hoan…nhưng đó là đường đời của Gioan. Sứ mạng của người sứ ngôn là phải lên tiếng, không để cho cái hoang vu của sa mạc làm nản lòng. Dẫu bị chối  hay phản kháng, người ngôn sứ vẫn phải cất tiếng. Chối từ lên tiếng là chối từ bản chất làm ngôn sứ của người tông đồ. Dẫu cho người nghe chấp nhận hay chối từ thì sứ ngôn vẫn phải chu toàn sứ mạng của mình.
Gian nan dễ làm cho những tâm hồn quả cảm nhất cũng muốn ngã quỵ. Những khó khăn trên đường thường làm ta muốn rẽ quặt sang một lối đi khác. Trong hôn nhân, biết bao đổ vỡ đã đến từ những bóng mát hạnh phúc ở bên cạnh. Đời dâng hiến cũng vậy, có biết bao trống trải đã đổ xuống tâm hồn vì những lời mời mọc không chính đáng. Mỗi người có một lối đi. Tuy nhiên, trên cùng một lộ trình, không phải ai cũng đến đích mong đợi. Có người bước tới, có kẻ quay về, có người lại muốn tắt ngang. Vì cùng đi trên một con đường nên lối đi của tôi cũng gây xôn xao cho lối đi của người khác. Nếu khó khăn mà tôi vẫn dấn bước trong cố gắng, thì mọi ngưới cùng đi với tôi cũng nhận được sức mạnh. Ngược lại, nếu tôi nản lòng thì bao tâm hồn quả cảm nhất cũng muốn quay bước trở lui.


Nhiều lúc tôi thấy người ta cực nhọc trên lối đường họ bước, tôi kéo họ vào con đường của mình. Làm như thế tôi ngỡ là tình yêu, nhưng thật ra tôi đã làm tàn tật hóa con đường của họ. Nâng đỡ nhau trên đường đi thì không bao giờ có nghĩa là bắt kẻ khác đi con đường của mình. Yêu thương thật sự là để kẻ khác đi con đường của họ. Đường đời tôi đi hôm nay, có quán trọ bảo tôi ngừng lại, có nhiều bóng mát mời gọi tôi hãy tận hưởng. Những chống đối, hiểu lầm, kết án, cô đơn làm tôi muốn bỏ cuộc. Và…càng nghe theo tiếng dụ dỗ ấy, tôi càng ngại ngùng trở về con đường mà Chúa muốn tôi đi. Cũng trên đường đi đó, có những quãng đường sỏi đá, gồ ghề giống như đường lên Đồi Sọ của Chúa khiến tôi nản lòng. Cực nhọc làm tôi muốn bỏ cuộc. Thập giá làm tôi tính toán lưỡng lự. Có những quãng đường cô đơn, bơ vơ, tối tăm khiến tôi nghi ngờ không biết đó có phải là đường đi không. Ngờ vực làm tôi phân vân không biết thánh ý Chúa ở đâu.

 Nhìn lại lịch sử lầm đường, tôi thấy cũng chỉ vì họ nghe theo tiếng gọi của Satan. Trên đường đi, satan không ngừng mời mọc một cách khôn khéo để bảo tôi thoái lui.


Lạy Chúa,
Xin giúp con biết nhận ra những lời cám dỗ ngon ngọt để vẫn tiếp tục dấn bước trên con đường chẳng mấy ai đi này. Có đôi lúc con mỏi gối chùn chân, xin Chúa hãy đến nâng con dậy và song hành với con. Xin đừng bao giờ để con từ chối con đường của mình, vì nếu chối bỏ thì con sẽ là kẻ bất hạnh nhất. Khi ấy con sẽ phải độc hành trên mọi lối đường và đích đến sẽ là những thung lũng mù tối, âm u đến rợn người.
Chúa ơi, xin mãi đồng hành với con.

                                                            Hatcatnho 16/12/2013

Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

Tiếng vọng


Trời sa mạc mênh mông quá. Đất sa mạc cằn cỗi vô cùng. Không có nắng cũng chẳng chút gió. Cô đơn, vắng lặng, nóng cháy, không có sự sống là những gì người ta thấy trong nơi hoang vu này.
Chàng đi, đi mãi. Mồ hôi thấm ướt đẫm chiếc áo lông thú. Gió sa mạc mang đầy bụi bặm. Chàng một thân một mình, không bao bị, chẳng tiền túi, chẳng hai áo, không gậy gộc, không giày dép. Thức ăn đường của chàng chỉ là châu chấu, mật ong rừng và nước lã. Chàng tự nguyện từ bỏ tất cả để đi theo tiếng gọi thiêng liêng sâu thẳm trong tâm hồn, bất chấp những ngại ngùng của bản thân, những lời xì xầm bàn tán xung quanh. Chàng cứ thế dấn bước.
Trên lối đi cô đơn của cõi mênh mông ấy, không phải không có những bước đi khiến chàng chỉ muốn quay trở lui. Nỗi cô đơn mỗi khi đêm đến khiến chàng rùng mình. Những chống đối khiến có lúc bước chân người tông đồ như muốn ngã khuỵu. Thế nhưng... chàng lại tiếp tục đứng dậy và theo gương Chúa Giêsu, chàng lại bước tiếp những bước vững mạnh hơn nữa.
Chỉ có những bước chân dám vượt qua bản thân ấy mà giữa những hoang vu đó mới có những tiếng nói được cất lên. Tiếng nói mạnh mẽ ấy đã làm xóa tan đi những mù tối cô quạnh của rừng vắng, những hoang vu của sa mạc, những nỗi tuyệt vọng của bao tâm hồn khắc khoải trông chờ Đấng Cứu Thế đến ban lời hứa cứu độ.
Tiếng vọng đó đã cất lên mạnh mẽ, thẳng thắn, không ngụy tạo cũng chẳng để êm tai người nghe. Tiếng nói ấy phản ánh đúng chân lý, nhắc nhở mọi người phải trở lại con đường đoan chính trong khi mong chờ Đấng Cứu Thế sắp đến cứu độ dân Người: Hãy dọn con đường cho Đức Chúa; sửa lối cho thẳng để Người đi; mọi thung lũng, phải lấp cho đầy; mọi núi đồi phải bạt cho thấp; khúc quanh co phải uốn cho ngay; đường lồi lõm, phải san cho bằng
Chàng mời gọi dân chúng sám hối. Không thể tiếp tục sống như xưa nữa. Đã đến lúc phải đổi đời, đổi lối nhìn, đổi lối nghĩ. Phải lấp cho đầy những hố sâu tham lam ích kỷ hẹp hòi. Phải uốn cho ngay những lối nghĩ quanh co, những tính toán lệch lạc. Phải san cho phẳng những đồi núi kiêu căng tự mãn. Phải bạt cho thấp những gồ ghề của bất công bất chính.
Tiếng nói của người sứ ngôn thật mạnh mẽ, can đảm, thẳng thắn. Không vì sợ bị phản kháng mà rụt rè sợ hãi. Tiếng vọng ấy mang đến một sứ điệp, một lời tiên báo: Chúa đã gần đến, và việc phải làm là đổi mới mọi sự.
Để cất lên những lời kêu gọi mang đầy tính huấn giáo ấy, chắc chắn chàng đã phải sống trước, vì người sứ ngôn không chỉ rao giảng bằng lời nói suôn nhưng phải được phản ảnh từ chính một đời sống khổ hạnh, một cuộc đời luôn chăm lo “sửa đường” cho ngay thẳng. Ngày nay người ta cần chứng nhân hơn thầy dạy. Nếu rao giảng chỉ bằng lời nói suôn thì những ngôn ngữ đó cũng chỉ sáo rỗng và vô hồn.
Con người tự nhiên không thể sinh ra là đã thủ đắc được những điều tốt đó. Ắt hẳn, chàng đã tập luyện mỗi ngày trong hy sinh thầm lặng, trong chay tịnh là chốn chàng trở về với Chúa trong những tâm sự thân tình. Vì muốn trở nên người sứ ngôn, chàng đã dâng hiến mạng sống và toàn bộ bản thân cho Chúa biến đổi để có thể trở nên một con người hoàn toàn khác. Con người ấy không còn sống cho mình nữa nhưng dấn thân vì sứ mạng tông đồ. Con người ấy luôn sám hối trong từng phút từng giây để đón nhận Tin mừng cứu độ.
.........................


Mùa Vọng là mùa của sự chờ đợi. Tâm tình phải có khi chờ đợi không phải là cứ tiếp tục một lối sống bê tha, nhưng là biết nhìn lại mình, cởi bỏ đi những tư tưởng và lối cư xử không hợp với người tông đồ. Sám hối là nhận ra chính mình là ai trong vũ trụ mênh mông này, từ đó nhận ra những người xung quanh để tôn trọng và quan tâm đến họ. Khi quên thân phận của mình, con người có nguy cơ kiêu ngạo cậy mình;  khi không nhận ra tha nhân là anh chị em, con người bị cám dỗ coi thường khinh miệt và loại trừ người khác.
Thế giới ngày nay đang sống trong hiện tượng "sa mạc hóa" không chỉ ở lãnh vực thiên nhiên môi trường mà còn trong mối tương quan giữa con người với đồng loại và với xã hội xung quanh. Sa mạc là nơi cằn cỗi, chỉ có gió, nắng và cát. Một xã hội đang bị hoang hóa có nghĩa là người ta ích kỷ, dửng dưng vô trách nhiệm đối với người khác. Giữa phố đông người mà nhiều khi ta có cảm tưởng như đang đi trong hoang địa. Chính trong một xã hội hoang hóa này, người tín hữu công giáo chúng ta được Chúa sai đi để loan báo tình thương cứu độ được thực hiện trong Chúa Giêsu Kitô.
Trong Mùa Vọng, người tín hữu được mời gọi mở lòng đón Chúa, đồng thời mỗi người cũng trở nên một tiếng vọng trong sa mạc cuộc đời này. Một cách cụ thể, “tiếng kêu” của chúng ta chính là một đời sống đức tin vững vàng, một lối sống thân thiện và một lương tâm ngay thẳng. Chính nhờ những dấu hiệu ấy mà mọi người nhận ra hình ảnh của Đức Kitô đang đến trần gian.
Nhờ những “tiếng kêu” trong sa mạc cuộc đời, chúng ta có thể cùng nhau xây dựng một thế giới an bình.
Nhiều lần tôi thắc mắc: Tại sao lại phải kêu lên mà không là nói? Tiếng kêu thường được dùng để diễn tả một tiếng nói lạc lõng, bị chèn ép bởi biết bao âm thanh hỗn tạp khác hoặc bị người nghe khước từ. Chứng từ đức tin của chúng ta hôm nay có lúc cũng giống như một  "tiếng kêu trong sa mạc". Việc nói về Chúa trở thành lạc điệu và khó nghe đối với con người của thời đại chúng ta. Vì thế, người sứ ngôn ắt hẳn phải đi theo con đường của Thầy Giêsu: vác thập giá lên đỉnh Calve, nhưng họ không cô đơn vì có Chúa luôn đồng hành .
Trên hành trình biến đổi mình, chúng ta không tránh khỏi những đêm tối của thất vọng chán nản, cả những lúc con đường dày đặc mù sương. Đừng bao giờ bỏ cuộc. Nếu như “một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân”  thì nhiều cánh én sẽ đem lại nắng ấm cho đời. Nếu như một tiếng kêu chỉ là  một âm thanh lạc lõng, thì nhiều tiếng kêu góp lại sẽ thành một bản đồng ca đem đến cho cuộc đời nét vui tươi thi vị.
..................

Chàng tiếp tục đi. Bóng tối bao trùm toàn sa mạc. Bầu trời như rộng lớn hơn. Giữa cõi bao la vô tận ấy, chàng lại thấy mình cô đơn nhỏ bé biết bao. Ban ngày, nắng nóng sa mạc muốn cháy da, nhưng đêm về, sương lạnh lại phủ lên đôi vai gầy ấy khiến cái rét thấm vào da thịt chàng, nỗi cô đơn lại muốn kéo chàng về với một cuộc sống yên ổn ở quê nhà trên triền núi Giuđê kia. Đêm đến là lúc chàng quên hết những mệt nhọc để trở về với cõi lòng mình, diện đối diện trong cái trăn trở, dằn vặt của tiếng gọi thủơ nào và cả của những cám dỗ muốn thoái lui. Trời lạnh mà mồ hôi chàng nhễ nhại. Bứt rứt khiến chàng không thể chợp mắt, giằng co khiến trái tim như muốn thắt chặt vào. Đời sứ ngôn là thế và cuộc hành trình nào cũng vậy, những khó khăn phía trước và tiếng dụ dỗ ngon ngọt bên tai dễ làm người ta bỏ cuộc để rẽ một lối khác bên đường. Nhưng có những trăn trở đó để chàng củng cố lại lời cam kết của mình với Đấng mà chàng đã chọn theo suốt đời. Chàng vẫn hiểu trung tín không phải là không bao giờ té ngã nhưng là biết can đảm trỗi dậy và bước tiếp.
Cái mệt khiến chàng thiếp đi lúc nào không hay. Trong cơn mơ, chàng thấy mình đang đứng lên một ngọn núi cao, chàng được chiêm ngưỡng mọi kỳ công vô cùng vĩ đại của Chúa, nhưng... trước mặt là một biển xanh thăm thẳm mênh mông vô tận khiến chàng vừa thích thú lại vừa sợ hãi. Chàng phân vân không biết có nên tiếp tục ngắm cảnh tiên bồng mà chàng hằng ao ước hay vì sợ hãi biển xanh trước mặt mà trở lui...
Tiếng gà rừng gáy sáng, chàng tỉnh giấc với một niềm hạnh phúc khôn tả. Từ giã chốn nghỉ lưng đêm qua, khoác lên thân mình chiếc áo da thú, ngước nhìn ánh bình minh rực rỡ, chàng nhắm phía trước, mỉm cười và dấn bước.




                                                                               10/12/2013


Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

Khúc tri ân

Happy Birthday and Feast day- 30th



Đó là lời mà con muốn nói lên vào mỗi dịp sinh nhật của mình. Ba mươi năm con đã được hiện diện trên cõi trần này trong niềm hạnh phúc vỡ òa của ba mẹ và những người thân yêu. Thượng Đế đã cho con làm con của ba mẹ không phải một cách ngẫu nhiên nhưng là do ý định ngàn đời của Người. Mười bảy sinh nhật qua con không được hạnh phúc bên ba mẹ và người thân, chỉ một mình con với ngọn nến nhỏ, con thắp sáng lên cùng với lời cầu nguyện và niềm tri ân gởi đến tất cả những người đã can dự vào cuộc đời con. Tâm tình tri ân được khắc sâu vào trái tim con để rồi hôm nay, nhân dịp sinh nhật tròn ba mươi của mình, con muốn thốt lên tự đáy lòng...

Cảm tạ Thượng Đế đã tạo dựng nên con một cách lạ lùng, đã ưu ái chọn gọi con theo Người dẫu con chỉ là hạt cát nhỏ yếu đuối mong manh.
Tạ ơn Chúa đã mời gọi con sống trong ơn gọi tự hiến của người Nữ tỳ bé nhỏ để nhờ đó Chúa loại bớt đi phần nào tính kiêu ngạo vốn sẵn trong con.
Tạ ơn Chúa vì những va vấp mà con đã gặp trên đường, cả những lúc bước chân của con vì ngại ngùng mà muốn rẽ quặt sang một lối đi khác, vì nhờ nó mà con kiện toàn lòng trung thành của con với Chúa.
Tạ ơn Chúa đã ban cho con được sống trong cộng đoàn với những người chị em rất khác biệt và dẫu đôi khi có nhiều phức tạp nhưng nhờ đó con được trưởng thành hơn lên.
Tạ ơn Chúa đã tặng ban cho con những người chị em trở nên người bạn rất thân, luôn đồng cảm để chia sẻ và nâng đỡ nhau trong ơn gọi.
Cảm ơn ba mẹ đã cho con được làm con của ba mẹ, trong khi có những đứa trẻ khác không có quyền lựa chọn.
Cảm ơn ba mẹ đã không ngại bao hy sinh để nuôi nấng dạy dỗ con nên người. Công ơn đó con xin nguyện ghi sâu trong trái tim suốt cuộc đời.
Cảm ơn ba mẹ đã hy sinh dâng con cho Chúa, dẫu biết khi con ra đi, lòng mẹ sẽ thắt hơn mỗi khi nhớ con và gánh nặng trên đôi vai của ba sẽ oằn hơn, hai bàn tay mẹ sẽ chai sần hơn. Những lúc nhớ thương con, ba mẹ vẫn chôn chặt nỗi nhớ ấy để nụ cười nở mãi trên môi cho con an tâm đi theo tiếng gọi của mình.
Cảm ơn ba mẹ đã luôn yêu thương và tình thương ấy hóa nên diệu kỳ để mỗi khi áp lực cuộc sống đè nặng, gia đình lại là điểm tựa nâng bổng con lên khỏi những nỗi buồn niềm đau.


Cảm ơn ba mẹ đã dạy con biết cách chiến thắng không phải bằng cách đè bẹp người khác mà là biết vươn lên bằng chính sức mạnh của mình, đồng thời biết nâng người khác dậy để cùng bước đi.
Cảm ơn ba mẹ đã dạy con biết sống theo sự thật, dám bảo vệ chân lý dẫu mình bị thua thiệt.
Cảm ơn ba mẹ đã sống và dạy con bài học của sự cho đi, biết hy sinh chút quyền lợi của mình để trao ban cho người khác.
Cảm ơn mẹ đã cho con trang bị cho con kiến thức để con hiểu rằng người phụ nữ xinh đẹp là người có một tâm hồn đẹp chứ không nhất thiết phải dựa vào nét phấn son giả tạo bên ngoài.
Cảm ơn ba đã tạo cho con sức mạnh để không bao giờ đầu hàng trước những hoàn cảnh khó khăn, nhưng càng nhiều thử thách càng giúp con luyện tập tính kiên nhẫn cho mình. Bao năm qua con vẫn nhớ nằm lòng lời Ba mẹ vẫn nói với con rằng: trí tuệ con người trưởng thành trong thinh lặng, còn tính cách trưởng thành nhờ bão táp.
Cảm ơn ba đã khơi lên ngọn lửa để sưởi ấm niềm tin và thắp sáng hy vọng cho ước mơ đời con mãi vươn cao.
Cảm ơn ba về bài học mà cả đời ba đã dạy con là tận tụy lo cho gia đình. Ba đã không ngại bất cứ khó khăn nào miễn sao cho mẹ và anh em chúng con được hạnh phúc.
Cảm ơn mẹ mười bảy năm qua mỗi lần sắp đến sinh nhật của con, mẹ biết con không thể về nên gọi điện nhắc con hãy rửa sạch tâm hồn mình cho đẹp để chuẩn bị cho ngày trọng đại này. 

Và đêm nay, khi con đang viết những dòng này thì bỗng nhiên có điện thoại gọi đến, con nghĩ ngay đến mẹ và quả thật mẹ đã khiến con xúc động rơi những giọt nước mắt hạnh phúc làm nhòe cả trang nhật ký.

Con thật hạnh phúc vì có một gia đình luôn hòa thuận thương yêu nhau, dẫu trước bao thử thách đe dọa nhưng gia đình mình vẫn đứng vững, cùng chung sức mạnh để đương đầu với những sóng gió.

Bao năm qua, hạt mầm trong con được nuôi lớn và trở thành cây. Khi vừa đủ khôn lớn, ba mẹ đã dắt con vào đời với tất cả tình yêu thương. Tuy không ở cạnh bên nhưng ba mẹ luôn dõi mắt hướng theo từng bước đi của đời con. Ba mươi năm qua với biết bao hồng ân diệu kỳ. Tất cả chẳng phải do ngẫu nhiên nhưng là sự quan phòng kỳ diệu trong thánh ý của Thiên Chúa.
Ba mươi năm trôi qua, bây giờ con đã lớn chẳng còn là đứa trẻ, nhưng mỗi khi cuộc sống đè nặng khiến tâm hồn con bị rướm máu thì trái tim con lại hướng về gia đình mình. Chỉ có gia đình là nơi nương tựa ấm áp và an bình nhất cho con. Dù con có đi đâu về đâu hay là ai đi nữa thì con vẫn là con của ba mẹ.
Xin tạ ơn Thượng Đế, cảm ơn ba mẹ và tri ân tất cả mọi người đã luôn nâng đỡ từng bước đi đời con.
Thật hạnh phúc khi con được sinh ra trong ngày Lễ mừng kính Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội. Con tin Mẹ luôn yêu thương và chuyển cầu cùng Chúa cho con. Xin Mẹ giữ gìn con cũng được sạch trong như Mẹ. 


Xin cho con mãi là ngọn nến, chấp nhận tiêu hao từng phút từng giây để mang cho đời chút ánh sáng và sức nóng giữa thế giới ngày nay đang ngập tràn giá lạnh của tội lỗi. Dẫu chỉ là ánh nến nhỏ nhoi và sóng gió cuộc đời như muốn dập tắt, nhưng xin cho con vẫn hy hiến trọn vẹn chút ánh sáng mỏng manh ấy.
Xin cho con nên như tấm bánh chấp nhận bị nghiền nát để được tạo thành và dám phó thác đời mình cho Chúa bẻ ra hầu có thể trao ban cho người khác chút phần nhỏ của mình.
Hy vọng hạt cát nhỏ dù vô tri, nhỏ bé và rất mau biến tan cũng có thể truyền thêm sức sống cho những hạt bụi khác để  tôn thêm nét đẹp dưới bầu trời này.

Sinh nhật cho tôi.

 Hatcatnho 8/12/2013

Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

Phía cuối con đường






Đời người là một cuộc hành trình. Dù đã sẵn sàng hay còn chưa chuẩn bị, nhưng rồi một ngày kia, chúng ta cũng phải chia tay thế giới này. Sẽ chẳng còn ánh mặt trời chói chang chào đón, sẽ chẳng còn một ngày mới bắt đầu bằng giọt nắng trong vắt của buổi bình minh. Sẽ không còn nữa những ngày xuân hiền hoà, ấm áp. Tiền bạc, danh vọng, quyền lực,… tất cả với ta cuối cùng cũng sẽ trở thành vô nghĩa. Còn ý nghĩa chăng là những gì ta tạo ra đối với thế giới này. Có sự sống thì chắc chắc sẽ có cái chết. Khi bắt đầu sinh ra là biết sẽ có ngày từ giã cõi đời. Nghe ra thật bi quan nhưng sự thật thì không ai có thể tránh né được những điều sẽ xảy ra dẫu cho mình chẳng muốn. Quy luật của cuộc sống là thế, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời: một thời để chào đời, một thời để lìa thế; một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây; một thời để giết chết, một thời để chữa lành; một thời để khóc lóc, một thời để vui cười; một thời để quăng đá, một thời để lượm đá ; một thời để kiếm tìm, một thời để đánh mất ; một thời để xé rách, một thời để vá khâu; một thời để yêu thương, một thời để thù ghét (Gv 3,1-8 ). Dù muốn dù không, thì sẽ đến một ngày ta sẽ phải đối diện với sự chia ly, tan tác nhuốm màu ảm đạm. Cuộc sống trần gian là thế, nó chỉ như một thoáng mây bay, như một đóa hoa sớm nở tối tàn, nhẹ như một cơn mơ chỉ đủ thoảng qua rồi vỡ mộng vào sáng hôm sau. Tất cả đều tạm bợ, mau qua. Mới ngày nào, người này còn chung sống bên tôi, cười nói với tôi cùng biết bao kỷ niệm vui buồn. Chẳng ai có thể ngờ được ngày tôi gặp lại người đó lại là ngày bao người đang thương khóc ảm đạm.

Rồi sẽ đến một ngày chẳng ai còn thấy bóng dáng tôi nữa và người ta sẽ quên tôi như tôi đã từng quên những người khác. Sẽ có ngày tôi trở thành người quá cố, tàn lụi, mòn hao rồi chẳng còn chút dấu vết và đi dần về sự chết. Bình minh mọc lên nhắc nhở mỗi ngày là một bước sự chết cận kề. Hoàng hôn buông xuống thầm nói cho tôi sự vĩnh biệt đang đến. Dầu tôi chẳng muốn nghĩ tới đoạn đường phía sau nhưng tôi vẫn phải chấp nhận quy luật muôn đời của vạn vật. Những người biết chấp nhận đó mới là cuộc đời có ý nghĩa. Khi ra đi tôi có bao lưu luyến với mọi người. Càng có nhiều mối liên hệ, tôi lại càng lưu luyến, vì trong dòng đời tôi không sống một mình. Cuộc sống của tôi là tấm thảm mà mỗi liên hệ yêu thương là mỗi sợi tơ, mỗi gắn bó tình thân là mỗi sợi chỉ: anh chị em, cha mẹ, ban bè, người thân,…Sự chết xé rách tung tất cả để tôi ra đi một mình, chẳng ai đi với tôi, sự ly biệt đi liền với cô đơn.Những ngày sống của tôi sẽ để lại gì cho phía cuối con đường cuộc đời? Tôi có thể mang theo gì: tiền bạc, địa vị, chức quyền, những người tôi yêu thương? Ngoài hai bàn tay trắng, tôi sẽ chẳng còn gì để mang theo, dầu là một ông hoàng sống trong lầu son gác tía hay một cụ già vô gia cư, tất cả đều ra đi như nhau. Có chăng là ai sẽ được người ở lại khóc thương luyến tiếc. Đau đớn thay khi ra đi mà người ta chép miệng mừng thầm…


Ba mươi năm, bốn mươi năm hay sáu mươi năm qua tôi đã làm gì? Nếu cứ vất vả lo tích lũy thì lúc ra đi tôi có mang theo được những gì? Thật ngu xuẩn khi tôi vì muốn leo lên nấc thang quyền lực đã xô đẩy người khác đến cảnh cùng cực. Ra đi, tôi sẽ chẳng còn gì, không quyền lực, không danh vọng, không tiền bạc và tiếc thay cũng chẳng có bạn bè… Rồi sẽ còn lại gì khi tôi giã từ cõi hư vô để bước về quê hương thật của mình? Hành trang của đời tôi sẽ là gì nếu không phải là tình yêu thương mà tôi phải trao ban trên cõi tạm hư vô này? Vậy điều gì là thật sự quan trọng lưu lại dấu ấn của ta trong cuộc sống? Quan trọng không phải là những thứ tôi mang theo bên mình, mà là những gì tôi đã chân thành đóng góp cho tha nhân. Quan trọng không phải là những thứ tôi nhận được mà là những gì tôi đã cho đi. Quan trọng không phải là những thành công tôi đã có được trong cuộc đời, mà là ý nghĩa thanh cao của chúng. Quan trọng không phải là những thứ tôi học được, mà là những gì tôi đã truyền lại cho người khác.Quan trọng không còn là năng lực của tôi, mà chính là tính cách - là những gì mà tôi đã cư xử với mọi người xung quanh. Quan trọng là những khoảnh khắc cử chỉ, thái độ mà tôi đã vô tình hay cố ý khắc ghi trong lòng người khác, khi cùng chia sẻ với họ những lo âu, phiền muộn, khi tôi an ủi và làm yên lòng họ bằng cách riêng nào đó của mình, hay chỉ đơn giản là một nụ cười hoan hỉ hay một cái nắm tay, đỡ cho một người khỏi ngã. Quan trọng không phải là tôi quen biết thật nhiều người, mà là bao nhiêu người sẽ đau xót khi mất tôi trong đời.


Hành trình tôi đang đi hôm nay là mỗi bước tôi tiến đến phía cuối con đường. Nếu có những bước đi đẹp, tôi sẽ đến đích với một niềm hạnh phúc khôn tả và ngược lại đích đến sẽ là một sự nặng nề hãi sợ nếu những bước đi hôm nay của tôi nặng nề bởi dính bén tiền bạc, tranh đấu, hơn thua,…Có thanh thoát và nhẹ nhàng, tôi mới có thể đến đích, vì những hành trang lỉnh kỉnh sẽ khiến tôi chật vật vướng bận lối đi.Có những người đã chết mà chưa được một ngày thực sự sống bởi cuộc sống của họ chỉ lo chạy đua để kiếm tìm quyền lực địa vị. Ôi! Tất cả chỉ là phù vân, chỉ là công dã tràng xe cát. Nhưng có những con người trải dài trong ngày sống thật đẹp. Mỗi ngày họ dệt một sợi yêu, mỗi phút họ đan một sợi thương, mỗi chặng đường họ đan dệt những tấm thảm của lòng quảng đại, bao dung, tha thứ để phía cuối con đường là cả một bể trời yêu thương đang chờ đón họ. Thật hạnh phúc thay. Vậy thì, hãy nhìn cuộc sống bằng ánh mắt yêu thương. Bởi vì chỉ có tình yêu thương mới đem lại những điều kỳ diệu cho cuộc sống. Không ai có thể sống hộ tôi, cũng chẳng ai chết thay cho tôi, Chẳng ai đi cùng tôi. Tôi sẽ giã biệt cõi đời này trong sự lẻ loi. Họ cũng sẽ chẳng nhớ đến tôi như đã từng quên bao người đã ra đi trước đó. Có thể họ cũng nhớ tôi như đôi khi tôi nhớ người này kẻ kia. Nhưng dù nhớ dù thương thì họ cũng chẳng thể làm gì để níu kéo tôi. Phía cuối con đường là tất cả những gì chính tôi phải có trách nhiệm và trả giá cho những việc mình đã làm. Vậy tại sao ngày hôm nay tôi không lo xây những tòa nhà yêu thương cho đời mình sau con đường trần gian này? Chết không phải là hết, nhưng là chấm dứt một quy luật tạm bợ để bước vào cõi sống thật. Nếu hành trình đẹp thì chắc chắn phía cuối con đường sẽ ngát hương. Có lúc nào đó, tôi băn khoăn lo âu và sợ sệt. Phải chăng lo âu chính là dấu hiệu nói cho tôi rằng tôi chưa chuẩn bị đủ, là hồn tôi còn ngổn ngang? Tôi lo sợ và tự hỏi bao giờ thì chuyến tàu định mệnh sẽ đem tôi đi? Hôm nay hay ngày mai, mùa thu này hay mùa xuân tới? Chắc chắn tôi chẳng thể biết được mà chỉ có thể luôn chuẩn bị một cách sẵn sàng để giờ ra đi không phải hối tiếc. 



Mỗi năm đến tháng 11, nghĩa trang lại được trang hoàng thật đẹp và đông người thăm viếng, vì đây là tháng mà những người còn sống nhớ về những người đã khuất. Người người đi thắp nhang đông như ngày hội. Những dòng chữ trên tấm bia mộ nhắc nhở tôi hãy nhớ về người đã khuất. Tôi quan sát thấy có ngôi mộ ngập hoa, lại có nấm mồ quạnh hiu rêu cỏ mọc đầy phủ kín cả nỗi nhớ. Có thể họ bất hạnh vì chẳng ai còn nhớ đến họ. Nghĩa trang là nơi thường mọc một loài hoa màu tím ngát hương, người ta gọi đó là hoa lưu ly, còn có tên là “forget me not”- xin đừng quên tôi. Cánh hoa tím buồn man mác như muốn ngỏ lời thay cho những người đã khuất là hãy nhớ về họ. Người ra đi sợ cô đơn nên nhắc nhớ người ở lại đừng quên họ. Tôi muốn người khác nhớ đến tôi ngày mai thì tôi phải mang những dấu ấn đẹp trong từng bước đi của ngày hôm nay. Chẳng ai muốn nhớ đến quá khứ hận thù hay đau buồn. Người ta chỉ mong sống lại những kỷ niệm đẹp, có sức an ủi làm ấm áp lòng họ. Muốn có những bước đi đẹp, tôi phải quên mình đi để chỉ nghĩ đến hạnh phúc của người khác.



Lạy Chúa, để phía cuối con đường là mây ngàn cứu rỗi thì con phải chết đi mỗi ngày cho những đam mê, cho tính ích kỷ cố hữu trong lòng. Thập giá mỗi ngày là con biết đón nhận mọi sự trong yêu thương. Xin cho con được cùng vác thập giá  với Chúa lên đỉnh Calve mỗi ngày, con không biết mình sẽ đi đến đâu: chân đồi, lưng đồi hay đỉnh đồi? Nhưng dẫu có mệt mỏi gian nan thế nào, con cũng xin được theo Chúa. Xin cho những hành trình còn lại của con là những bước đi đẹp của tha thứ và yêu thương, phản ảnh nét dịu hiền và xinh đẹp của Chúa dẫu như thế đời con có phải thiệt thòi và cũng không tránh khỏi những đêm khóc thầm vì hy hiến, để phía cuối con đường sẽ là những cánh đồng hoa lưu ly xinh thơm ngát yêu thương trải dài đến tận chân trời- nơi Chúa đang dang rộng vòng tay để ôm ấp con trong tình thương diệu kỳ của Người, bởi Người đã ngỏ lời với con rằng: dù cho tất cả mọi người bỏ con, thì Chúa vẫn không bao giờ quên con.

                                                                         Hatcatnho 29/11/2013