Trang

Music

Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2014

Tự tình đời CÁT


Một ngày mùa hè, từ phố núi, tôi về với vùng biển- vùng đất xứ người, nơi mà khoảnh khắc nào đó tôi đã từng gắn bó. Biển xanh hiền hòa gợn sóng trước mặt tôi. Con đường ven biển quen thuộc đệm gót cho bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu đời người đi qua. Một đêm, tôi dừng chân đứng lại, nghe biển đêm dốc muôn ngàn tâm sự. Tôi dừng chân đứng lại, lặng nghe tiếng sóng vỗ ngàn đời nối tiếp nhau, đón gió biển mơn man trên da thịt xoa dịu những tâm sự buồn vui của ngày tháng qua.
Phố biển về đêm của hôm nay không còn hoang vu lặng lẽ như năm xưa. Biển đêm rộn rã tiếng cười của bao con người dưới ánh đèn đường hào nhoáng. Dẫu vậy, những ký ức của ngày xưa với bước chân trần một mình trên bãi cát dài phẳng lặng vẫn còn đâu đây. Ngày ấy vẫn còn gần lắm, gần lắm. Tôi nghe tiếng sóng biển gào thét mà quên hẳn mọi nỗi buồn, lòng trút được bao tâm sự như biển đang lắng nghe tiếng lòng tận trong sâu thẳm. Về với biển, lòng tôi được nghe biển hiền hòa chất chứa bao nỗi niềm riêng. Gió biển ngàn đời vẫn kiên nhẫn nuôi lớn cảm xúc của trái tim tôi từ lâu, lâu lắm.
Chẳng biết, tôi nặng nợ gì với vùng biển này mà cứ mãi yêu thiết tha. Câu hát nào tự đáy lòng cất lên cũng dạt dào tiếng biển. Cung đàn nào rung nhịp cũng chất đầy tiếng sóng vỗ yêu thương. Nỗi nhớ nào rồi cũng chênh chếch ánh trăng vàng lững lờ trên phố biển chiều ấy. Niềm vui cũng mơn man như từng đợt sóng ùa vào. Tôi, tự thấy mình là cát. Tôi, mặc nhiên xem như đó là gắn bó số phận của mình khi trở về với biển, với núi và những cơn gió nóng của xứ sở chẳng phải quê mình.

Bước chân cứ thế bao năm trên mọi miền trong sứ vụ tông đồ. Tôi bỗng thấy rằng tình yêu với biển là số phận, để muốn níu kéo, để mãi mãi trôi theo niềm vui nỗi buồn lênh đênh với những con sóng bạc đầu ru hoài trong mỗi đêm dài không mộng mị. Và tôi chắc chắn, dẫu bao bước chân có đi đến đâu, tôi vẫn sẽ nhớ về biển, về những ngọn sóng xô bờ ngàn năm thương nhớ, cùng biết bao kỷ niệm buồn vui của lứa tuổi đầy mộng mơ trên xứ người ngày ấy.
Và dù cho bước chân tôi còn muốn tung tăng khắp chân trời góc bể, trái tim tôi còn nhiều lắm những khát khao và cháy bỏng đam mê cho những đợi chờ phía trước con đường, tình yêu tôi còn trải dài mênh mông vô tận cho hết mọi vạn vật trên thế trần này, thì tôi vẫn muốn mình mãi là cát- một hạt cát bé tí ti, để mãi ngàn đời được gắn bó với biển, để được biển vỗ về ăm ắp yêu thương và để sóng mơn man vỗ bờ chơi điệu Rhumba tình tứ đầy yêu thương mãi mãi.
Tôi chỉ là một hạt cát bé nhỏ thôi, giữa đại dương bao la rộng lớn...

Thứ Hai, 14 tháng 7, 2014

Gió vô tình


Bạn ngồi ở đó, quán cà phê ven biển lộng gió. Gương mặt điển trai của ngày xưa giờ phong trần hơn rất nhiều. Vẫn nét đa tình năm xưa, bạn thu hút người đối diện bằng những lời lẽ chân thành, đơn sơ mà thấm thía. Bạn của ngày xưa và bạn của hiện tại, vẫn là một. Con người ấy chỉ khác là bạn đã có một gia đình hạnh phúc, còn mình cũng đã theo đuổi lý tưởng của đời mình. Lần đầu gặp bạn khi bọn mình còn ngồi trên ghế nhà trường với bao ước mơ hoài bão lớn lao. Bạn là người ấy, người bạn 15 năm trước của mình, dẫu ngày ấy đã xa, xa lắm.
Bầu trời đêm nay giữa thành phố biển chẳng có sao. Ánh trăng tháng Bảy mờ đục cũng bị che khuất bởi sự hào nhoáng của những ánh đèn đường sáng rực. Biển đêm với từng đợt sóng dập dồn ùa vào rồi lại vỡ tan ra, như ký ức của bao năm bỗng chợt hiện về chóng vánh. Bạn cười buồn mông lung bảo rằng ngày xưa bạn bị đối xử một cách vô tình đến tàn nhẫn… Câu nói chân thành ấy khiến lòng mình chợt xốn xang. Ngày xưa ấy đã trôi bẵng đi bởi cái vô hình của không gian và vô tình của thời gian. Hồi ấy, mình đón nhận cuộc sống với nụ cười tươi, đơn sơ chẳng chút bận tâm. Và có lẽ chính vì tính cách đơn sơ ngây ngô ấy mà mình bị trách là vô tình đến nhẫn tâm chăng? Bạn chẳng trả lời, chỉ nhìn vào ánh mắt mình như muốn hờn trách điều gì đó.
Rồi cả hai đều cười nhẹ như những bọt nước đêm tung trắng xóa vỡ tan. Nhìn nhau, đã thấy thoáng thời gian vùn vụt. Bạn đã trưởng thành lên rất nhiều, trông lam lũ hơn vì mưu sinh, chững chạc hơn vì những trải nghiệm. Bạn bảo người ở độc thân trông trẻ, mình chỉ mỉm cười. Ngoảnh mặt, đã thấy nét thơ ngây thuở nào chỉ còn là những vết hằn mông lung sâu hoắm trong đáy mắt. Chúng mình đã lớn hết rồi, nhanh thật, và cũng không còn phải tránh né hay dối lòng như ngày xưa nữa. Năm tháng dần trôi, nhưng gương mặt ta vẫn còn tràn đầy nhựa sống qua bao thử thách gian lao.
Mình đã từng nghe ai đó nói, để biết một người từng trải hay không, chỉ cần nhìn vào đôi mắt người ấy. Đôi mắt chính là nơi chứa đựng tất cả những ký ức vui buồn, những tâm sự chất chồng. Thế gian, hết thảy có thể vứt bỏ, hết thảy đều thay đổi, duy chỉ đôi mắt con người là có thể lưu giữ lại. Đời thay đổi, người thay đổi, nhưng ánh mắt vĩnh viễn không là tờ giấy trắng. Đôi mắt bạn chất chứa đầy suy nghĩ, đặt trong trái tim nhỏ bé của mình một chuỗi dấu chấm hỏi chưa có câu trả lời.
Gió thổi mỗi lúc mạnh hơn, dường như sắp có cơn mưa đêm. Bạn nghiêng đầu, lắc nhẹ ly cà phê đen, ánh mắt nhìn xa xăm, nụ cười nhẹ như gió thoảng. Câu chuyện về hiện tại của bạn cũng không có gì đáng phiền muộn. Đành rằng cuộc sống không bao giờ như ý mình, nhưng bạn đã biết mở lòng đón nhận tất cả, và nhờ tính lạc quan mà bạn có thể vượt qua được biết bao sóng gió ập đến trong cuộc đời. Bất chợt bạn bảo mình hãy cứ vô tình và nhẫn tâm như thế nhé để có thể tiếp tục bước tiếp trên hành trình đời mình. Mình chợt thắc mắc trong lòng: Tại sao bạn lại lấy kinh nghiệm đau thương của bản thân mà bảo mình cứ tiếp tục làm như thế nhỉ? Bạn cười nhẹ: “Qua trải nghiệm, T thấy thế! T không muốn bạn bị tổn thương như ngày xưa nữa…”. Mình chột dạ. Mình có vô tình quá chăng, để rồi ngày ấy, “một người đi, một người quên”?
Mình liếc nhìn đồng hồ, vội vã chào tạm biệt và rời khỏi. Bạn trách, “Mấy năm gặp lại mà chỉ gặp nhau có nửa giờ thôi sao? Lại vô tình nữa rồi, người bạn vô tình của tôi ơi!”. Nhưng thôi, hãy cứ vô tình như thế để cõi lòng được nhẹ tênh như đám mây đen đang bay vội để tránh những giọt nước mưa rơi xuống làm mất đi giây phút lãng mạn của những đôi uyên ương hò hẹn đêm nay. Hình ảnh cuối cùng cũng như hình ảnh đầu tiên là nụ cười bí ẩn mà chân thành của bạn khiến mình chẳng thể quên. 
... 
Và rồi ta đến và đi nhẹ nhàng như cơn gió thoảng. Hãy cứ thế nhé! Hãy cứ là cơn gió vô tình, không ràng buộc, không làm khổ nhau để cho nụ cười vẫn đọng mãi trên môi, bạn thân nhé!

Thứ Tư, 9 tháng 7, 2014

Trăng trên phố núi


Phố núi hoang vu, lành lạnh dưới làn sương mỏng của buổi chớm bình minh. Chút ánh sáng mỏng manh còn sót lại của mảnh trăng mờ đục tháng Sáu vẫn kiên nhẫn phơi mình trên đỉnh núi như chưa muốn nhường chỗ cho ngày đang đến. Hạ về với những cơn mưa dai dẳng không dứt khiến cái lạnh thấm vào thịt da làm lòng nó xao động lắm.
Giờ đây, nó ngồi viết những dòng này trong cô tịnh thanh vắng của cõi lòng, sau dư tàn của những ngày trại hè mệt lả nhưng cũng tràn niềm vui. Đời tông đồ với những bước chân không ngưng nghỉ trong sứ vụ khiến cho người sứ ngôn có khi cũng muốn chùn gối. Và rồi cũng phục vụ không hẳn lúc nào cũng là bài ca của niềm vui, mà trong góc khuất nào đó vẫn còn dư âm của những giọt nước mắt. Lửa cháy mãi thì cũng phải tàn. Nhưng người tông đồ phải mang lửa về tim để ánh sáng bất diệt ấy được cháy mãi, tỏa sáng và hâm nóng lửa nhiệt thành, không được để cho những đêm đen u tối hoành hành tiêu diệt. Mỗi khi lửa vụt tắt, nó không chấp nhận ngồi nguyền rủa bóng tối. Không bao giờ, nhưng lại cố gắng khơi lên dù chỉ là chút ánh sáng le lói bé bỏng như tiếng trái tim đang đập từng nhịp yếu ớt trong lồng ngực nó.
Ánh trăng mùa này không sáng dưới màn trời mờ hơi sương, đủ để cho lòng nó thấu cảm nỗi xót xa về đời tông đồ qua cuộc đời của Thánh Phanxico Xavie. Dẫu chưa được diễm phúc đến viếng mộ của thánh nhân nhưng trong lòng nó vô cùng cảm kích về con người vĩ đại này. Nó đang ở nơi phố núi để hình dung ra phố biển ngày ấy, lâu lắm rồi…
Nó hình dung con người đầy dũng cảm trong những ngày đầu tiên trên đất Ấn. Hơn 400 năm về trước, Phanxicô Xavie là một người đàn ông mới ngoài tam thập, ba mươi sáu, hơn nó một chút thôi, nhưng đã dũng cảm tự nguyện đến một vùng đất đầy chướng khí, âm u, muỗi độc, nước độc. Thời bấy giờ, lên đường truyền giáo là vĩnh biệt quê hương, là ra đi không hẹn ngày trở lại, là thực sự chết đi trong lòng một tiếng gọi cho một tiếng gọi cao cả. Không biết hôm ở bến tàu Lisbon từ giã thành phố Châu Âu diễm lệ, Phanxicô có những xúc cảm nghẹn ngào, có bịn rịn nhớ thương gia đình, những người đã từng gắn bó trong lý tưởng và ngài có biết đây là cuộc ra đi không hẹn ngày trở lại không?
Và thật sự là thế, chuyến tàu định mệnh ấy đem Phanxico ra đi. Chàng trai này đã vĩnh biệt quê hương bằng một chuyến đi không bao giờ trở về. Bến cũ mênh mông trong tưởng nhớ. Người ra đi thanh thoát nhẹ nhàng cất bước bỏ lại sau lưng mọi nỗi vấn vương. Đến hôm nay mình vẫn không thể hình dung nổi khi ra đi làm sao Phanxico lại không có bùi ngùi nhớ thương về gia đình, bạn bè, con đường xưa? Làm sao nhiệt huyết tông đồ vẫn mãi cháy sáng để không có lúc xót xa cho phận mình?
Nó không biết tâm trạng Phanxico lúc ấy thế nào. Trên chuyến tàu ấy, Phanxico đã ra đi một mình. Chắc hẳn trên bước chân của người tông đồ ấy, ngài cũng đã thấm lạnh những nỗi cô đơn trong tâm hồn. Bước chân ấy cũng không tránh khỏi những rã rời mỏi mệt. Nhưng hồn tông đồ thì không bao giờ bị những khó khăn vùi giập. Ngài vẫn ra đi. Ước mơ lớn nhất của Phanxico là được vào Trung Hoa, nhưng tiếc thay vượt qua bao khó khăn, ngài chỉ mới đến được đảo Thượng Xuyên và vĩnh viễn nằm xuống. Nơi đây ngài cũng làm tông đồ trong sự chờ đợi, nhưng sau những năm lặn lội và lao đao trên đường truyền giáo, ngài bắt đầu thấm mệt. Dẫu gặp bao khó khăn, ngài nói: “Nguy hiểm lớn nhất chính là mất lòng trông cậy và tin tưởng vào Thiên Chúa từ nhân”. Chính vì vậy, dù khó khăn đến mấy, Thánh nhân vẫn ra đi, lòng bửng cháy lửa nhiệt thành tông đồ.
Nó gọi Phanxicô Xavie là Ánh Trăng trên phố biển. Ánh trăng đó dẫu chưa đạt được ước mơ đặt chân đến đất Hoa Lục để truyền giáo, thì ánh sáng vẫn không hề mờ tan. Ngài đã nằm xuống và mãi chiếu giãi ánh sáng đến cho bao con người muốn hướng tìm về Chân- Thiện- Mỹ.
……..
Gió thổi mơn man làn tóc rối. Nó và phố núi nơi này trở mình đón hạ với chút nỗi niềm riêng- chút chạnh lòng với giây phút cô đơn của đời tông đồ, nhưng cũng cố gắng tự nhóm lên trong lòng ngọn lửa ấy, từng ngày, từng giờ… Ước mong trăng vẫn sáng trên phố núi nơi này như đã kiên nhẫn hiên ngang chiếu sáng trên phố biển năm xưa. Hy vọng, hy vọng mãi….
Dòng đời vẫn cứ trôi. Lòng người có chông chênh thế nào thì gió hạ vẫn về. Vẫn với nụ cười nhẹ tênh xua tan mọi phiền muộn, để đón chờ những ngày tháng tới, viết tiếp những trang đời nồng nàn như Ánh Trăng trên phố biển mãi rực sáng năm nào.



Thứ Tư, 2 tháng 7, 2014

Quê hương- chốn tìm về


Một chiều hè khi dạo quanh trên con đường có lá me bay của Sài thành, tôi bất chợt nghe được những âm thanh thật trong trẻo. Giọng ca của Vân Khánh ngọt ngào vang lên từ một góc cà phê bên đường:
Mỗi một tình yêu, mỗi một cuộc đời
Qua bao nhiêu thăng trầm lửa thử vàng mới nên người
Biển xanh vẫn hát những lời yêu thương
Biển lại hát tình ca biển kể chuyện quê hương
. ( Biển hát chiều nay- Hồng Đăng)
           Chao ôi! Tôi đã nghe bài hát này bao nhiêu lần mà sao mỗi khi nghe lại vẫn nguyên vẹn những cảm xúc, vẫn thấy da diết một tình yêu với quê hương. Những lời hát khiến lòng tôi xốn xang. Tôi nhận ra tự bao lâu đã để lòng mình lơ đễnh và có lúc nào đó đã quên mất hương vị biển quê nhà. Chợt thấy nhớ quê đến nao lòng. Tôi yêu quê mình bởi ở đó có ông bà, bố mẹ… những người mà tôi yêu thương. Tôi yêu quê mình nơi đó tuổi thơ tôi đã đi qua với bao nhiêu kỷ niệm. Đó là triền cát trắng nơi tôi cùng lũ bạn nhặt vỏ sò chơi trò đuổi bắt, đó là những đêm trăng cả lũ nằm dài trên bờ biển nghe tiếng sóng vỗ, ngửi mùi mặn của biển, đó là những trưa hè trốn mẹ đi ra bãi biển xây những lâu đài cát mịn….
Tôi không được diễm phúc sinh ra ở vùng biển. Sau những ngày tháng cơ cực ở đồng bằng Bắc Bộ, ba mẹ dìu dắt anh chị em chúng tôi đến vùng biển, nơi những người dân chài sống cùng biển và núi. Bến Đá là vùng đất nuôi lớn đời tôi trong những tháng ngày tuổi thơ yêu dấu. Mặc dầu không là dân gốc biển nhưng những kỷ niệm về biển không bao giờ có thể phai nhạt trong tâm trí tôi từ ngày ấy. Tôi yêu những con sóng bạc đầu thời gian, yêu những buổi chiều ba đèo mấy anh em tôi trên con đường Trần Phú quen thuộc dẫn đến những bãi biển rộng mênh mông. Chúng tôi ngắm biển, hét lên cho thỏa lòng thích thú trong lúc ba cặm cụi cắt từng vạt muống rừng đang mùa trổ bông tim tím leo từ sườn đồi ra đến tận mí nước để làm thức ăn cho đàn lợn đang chờ ở nhà. Ngày ấy còn ít khách du lịch, đường sá cũng vắng vẻ hơn bây giờ, mỗi lần được ba cho đi tắm ở Bãi Sau thì tha hồ thỏa thích đùa với sóng, rồi chạy chân trần trên bãi cát nhặt vỏ sò, xây lâu đài cát,...
Mỗi đêm có trăng, cả nhà tôi đi tản bộ trên con đường hăng nồng mùi cá của những xưởng lớn đầy những loại cá, đi đến những bờ xây ven biển để hưởng làm gió mát. Mấy anh em tôi thỏa thích ngắm sao trên bầu trời hòa vào giọng kể của mẹ trong câu chuyện cổ tích thần tiên. Những câu chuyện kể của mẹ làm kho tàng cổ tích của tôi dồi dào, giàu có như chính giấc mơ tôi. Mỗi lần đứng trước biển, tôi tự hỏi: không biết nàng tiên cá đang ở đâu? Tại sao cối xay muối lại xay ra nhiều muối trong cái đại dương mênh mông vô tận thế? Và mong tôi cá vàng xuất hiện ban cho tôi một điều ước.
Biển quê tôi không sầm uất như những khu du lịch, cái đẹp chính là màu vẩn đục của nước biển vì thường xuyên diễn ra hoạt động chài lưới, thu hoạch, buôn bán ven bờ. 
Những buổi hoàng hôn, mặt trời to và đỏ rực, giận hờn khuất sau những lớp sóng cao ngất đầu, tôi cứ ngỡ mặt trời đang lặn dần xuống đáy biển. Hoạt động của thiên nhiên bắt đầu ngưng đọng cũng là lúc người dân quê tôi tất bật đậu thuyền vào bến, mỗi người một việc, phụ nữ tất tả gỡ lưới, đếm và phân loại cá; đàn ông khệnh khạng chuyển chiến lợi phẩm sau ngày dài ra khơi xuống thuyền; trẻ con nhốn nháo vây quanh tò mò, rồi tíu tít chạy nhặt những con cá rơi vãi trên bãi cát.
          Ở xóm xung quanh nhà tôi, hầu như nhà ai cũng làm cá, làm tôm. Cái mùi cá cũng đi vào tiềm thức của tôi như một dấu ấn kỷ niệm khó phai mờ. Mỗi lần về quê lên, đồng nghiệp lại chọc tôi: “ Cứ nghe mùi cá là biết liền bồ mới ở quê lên!”. Tôi mỉm cười, không biết mình đã mang “quê” Bến Đá từ hồi nào nhưng cái cảm giác hãnh diện len lỏi trong tôi, thấy vui chi lạ. Dần dà, tôi cũng bớt dị ứng và  “yêu” cái mùi nồng nặc ấy từ hồi nào không hay biết.

        Tôi yêu những buổi học Giáo lý Chúa Nhật thật vui, yêu những tối sinh hoạt cùng các anh chị giáo lý viên trong xứ. Tuy ở không cách trung tâm thành phố Vũng Tàu bao xa, nhưng Bến Đá lại rất “quê”- quê ở chỗ con người sống gần gũi, gắn bó với nhau như anh em một nhà. Quê ỏ chỗ gặp ai người ta cũng chào hỏi cười nói vui vẻ khiến tôi có cảm giác như gia đình mình cũng cùng sinh ra và sống với họ nơi đây.

         Bạn tôi yêu Hà Nội với những con phố đầy hoa sữa. Tôi yêu Sài thành với con đường có lá me bay, có hoa bằng lăng tím lãng mạn một chiều. Nhưng ... không có miền đất nào có thể thay thế được Bến Đá trong tim tôi, không có bến đỗ nào bình yên bằng quê mình dù chẳng thiếu những buổi trưa nắng chói chang, hay những buổi chiều gió biển như muốn quật tung ngôi nhà cấp bốn của gia đình tôi, hoặc những ngày biển gào sóng thét, nhìn xa xa chỉ toàn một màu xám xịt, những ghe thuyền phải cập bến tránh bão,... rồi những ngày hanh nóng thức dậy sớm làm cá cùng mẹ. Giờ nghĩ lại thương mẹ cháy lòng. Bến Đá quê tôi là thế, muôn đời vẫn thế qua bao thăng trầm lửa thử vàng mới nên người”. Bốn năm xa quê tôi không phải sống trong mưa bão, không phải sống trong những ngày lo lắng. Để rồi mỗi khi nghe tin bão biển lòng tôi lại nhói đau. Bây giờ nơi tôi sống không có sóng, chẳng có gió mạnh, chỉ có ồn ào tấp nập, bon chen chợ đời, thèm lắm chút tình người dân biển hiền lành chất phác, thèm được nghe tiếng sóng vỗ của biển đêm quê mình. Bốn năm Đại học sống ở quê người để tôi biết tình người Bến Đá sâu nặng lắm, một dĩa cá cơm nhỏ cũng đủ ấm lòng người. Chỉ nhìn làn da nâu sạm nắng và gió – nhận ra dân quê mình rồi như đã quen từ lâu lắm. Mỗi khi cuộc sống ở đô thị bộn bề đầy lo toan, nhớ mỗi tối sau giờ học căng thẳng tôi thường thưởng cho mình bằng cách tản bộ chân trần trên triền cát trắng, nghe gió biển thổi mát rượi trên da thịt mình, mọi ưu sầu nặng nề được gió thổi tan biến hết. Giờ đây tôi thèm cảm giác đó biết bao.
Có những điều tưởng như bình thường lắm nhưng khi xa rồi người ta mới yêu mới qúy đến nhường nào. Ngày tôi đặt bút vào hồ sơ đăng kí thi đại học, tôi đã nói : tôi sẽ lập nghiệp ở một nơi nào đó không phải mảnh đất đầy sóng và gió này. Mười tám tuổi bồng bột với nhiều hoài bão, mẹ thở dài không ngăn được tôi. Để bây giờ khi tôi nhận ra tôi yêu Bến Đá, tôi yêu mẹ đến nhường nào thì tôi đã theo một con đường khác khó có thể trở về. Nhưng nơi ấy tôi vẫn sẽ cống hiến cho quê hương, nơi ấy tôi vẫn hướng về mẹ, hướng về Bến Đá với tình yêu thiêng liêng nhất.