Trang

Music

Chủ Nhật, 14 tháng 1, 2018

Viết cho mùa trở gió

Đã mấy tuần nay, trời chiều phố núi chẳng vương hạt nắng, khuôn viên Tu viện bốn bề vắng lặng. Suốt cả ngày chỉ vài hạt nắng nhẹ ghé qua rồi mây xám lại bao quanh. Dường như trời đất cũng hiểu nỗi lòng người bạn của nó nên cứ lặng lẽ đến hoang vu.
Sau khi người cuối cùng tôi đặt niềm tin làm tôi ngỡ ngàng, kể từ dạo ấy, tôi không thể nói, không cười, chỉ lặng lẽ cố gắng chu toàn bổn phận hằng ngày. Những người xung quanh không thể hiểu sự im lặng trong tôi kinh khủng đến thế nào. Chính tôi, tôi cũng chẳng thể tin có ngày mình lại không thể hát, không cười, không nói, lúc nào cũng suy nghĩ. Mặc dù luôn dặn lòng, hãy đơn giản hóa mọi vấn đề, bớt suy nghĩ để bớt đau khổ. Hôm trước đi đường suy nghĩ mông lung thế nào mà bị công an giao thông gọi lại phạt. Ấy thế mà cũng đứng khóc ngon lành, khóc cả quãng đường về, đến hôm sau hai mắt vẫn nặng trĩu. Lạ, từ lâu rồi chẳng khóc, vậy mà sao giờ thấy dễ khóc thế không biết.
Đôi lúc tôi chẳng hiểu nổi mình. Và rồi, những trắc trở làm tôi phân vân trong chọn lựa. Đi tiếp? Hay dừng lại? Rẽ lối hay thẳng tiến? Tôi không thể trả lời. Thiên Chúa cũng im lặng. Người chỉ ở trên thánh giá đó, nhìn tôi. Sự im lặng đôi lúc khiến tôi ngột ngạt. Tôi chờ câu trả lời từ Chúa cho rõ ràng để tôi còn tính toán cho chặng đường phía trước của mình. Nhiều lúc tôi tự hỏi: Tại sao Chúa không dựng nên một tôi khác, vô tư, chăng suy nghĩ cho bớt khổ? Nhưng dường như Thiên Chúa đã ấn định mỗi người như thế rồi, như Ngài dựng nên gần 8 tỉ con người trên trái đất này có ai giống ai đâu. Nghĩ thế, tôi bắt đầu tập chấp nhận mình. Kệ, mình thế nào cứ để thế ấy, học hỏi được gì thì học hỏi, chứ không gắng gượng để trở thành một con người khác. Cha linh hướng, người dìu dắt từ những bước đầu đời tu có nói: “Lúc nào Cha cũng thấy con suy tư, lặng lẽ, khó hòa nhập. Như thế khổ tâm lắm con ạ!”. Tôi nhớ như in những lời đó. Tuy nhiên, gần 20 năm qua, và bao lần Cha vẫn nhắc lại, nhưng tôi vẫn chẳng thể thay đổi được. Tôi nói với Cha: “Bao năm qua con cũng cố gắng nhưng chẳng khác được. Con nghĩ có lẽ Chúa tạo nên con như thế rồi, bây giờ con sẽ chấp nhận mình. Con nói với Chúa rằng: "Con là vậy đó, xin Chúa giúp con.” Và kể từ dạo ấy, tôi chỉ biết tìm đến con chữ, buồn cũng viết, vui cũng viết để trang trải lòng mình. Tôi sợ hiệu ứng đám đông. Có lẽ chưa ai đủ thấu hiểu tôi. Ngay cả đến cha mẹ, những người yêu thương tôi nhất cũng không thể hiểu. Bởi càng yêu thương, tôi càng không muốn cho ba mẹ biết những trăn trở của tôi. Cũng có người hiểu tôi, yêu thương và không muốn cuộc đời tôi phải tiếp tục rơi những giọt nước mắt, nhưng người ấy cũng qua rồi. Bây giờ, tôi lại như ngày xưa, tự tìm sức mạnh cho mình.
Giữa lúc mọi sự chênh vênh, lòng người chông chênh, cuộc đời cũng chông chênh, tôi buồn đấy nhưng vẫn tin vào một phép màu. Trong thinh lặng là lúc tôi cảm nhận được những điều mới mẻ nảy sinh từ những suy tư.
Trong cộng việc hằng ngày, tôi tiếp xúc với những đứa trẻ, chúng hồn nhiên, vô tư. Chúng hạnh phúc vì chúng không có quá khứ, cũng chẳng nghĩ đến tương lai. Chúng chỉ tập trung sống giây phút hiện tại. Chúng vừa khóc đấy nhưng cũng có thể cười ngay. Vô ưu lắm! Đáng yêu lắm!
Có lẽ không ai có thể chấp nhận một con người đã đi quá nửa đời người mà lại còn than vãn cuộc đời. Tôi thì vốn dĩ không biết khoe mình trên những trang mạng xã hội, chỉ trân trọng những điều chân thành. Trước đây, tôi chỉ viết Blog. Đó là thế giới nhỏ của tôi sau một ngày. Từ ngày Facebook lên ngôi, tôi cũng tham gia, nhưng không thích kết bạn nhiều. Tôi không thích nhìn cả dãy đèn sáng xanh mà chẳng thể nói chuyện được với một ai, thậm chí kết bạn mà chẳng biết bạn là ai. Tôi nối kết lại với những người bạn học hơn mười lăm năm trước. Nhưng bạn bè tôi, ai cũng có cuộc sống riêng, bộn bề với bao lo toan cơm áo gạo tiền, con cái. Chỉ mình tôi chọn lối sống của kẻ tu hành. Vốn dĩ làm việc với tốc độ khá nhanh, tôi luôn tạo việc thêm để mình làm cho không còn thời gian mà suy nghĩ lung tung. Mấy năm viết lách cùng những giải thưởng đã tôn vinh tôi thành “nhà văn” đấy, nhưng tôi chưa bao giờ nhận danh dự đó về mình. Nhớ lần thi tuyển vào khối C, đề tự luận: Văn học là nhân học”. Tôi thấm thía tới giờ. Mình viết thì mình phải sống. Thế mà, đôi lúc tôi viết chỉ đủ để trấn an, động viên khích lệ mình, để lúc đau khổ đến tột cùng, tôi đọc lại tìm kiếm sức mạnh bước tiếp. Thế nên tôi chẳng dám nhận mình là nhà Văn bao giờ. Tôi là tôi, vui thì hát, buồn thì viết hay lang thang đâu đó, chán thì lao vào công việc, ngủ được thì ngủ. Thế thôi, tôi chẳng hay ho gì, cũng chẳng là một kẻ đặc biệt.
Có lẽ chẳng ai đăng lên Fb những lời như tôi nhỉ? Trên trang mạng xã hội, người ta thường khoe mẽ, quảng cáo, tô vẽ, đánh bóng mình bằng những lời ca ngợi, còn thực thụ họ có hạnh phúc không thì tự họ biết. Ảo kinh khủng! Còn tôi, tôi chẳng tìm kiếm like, commens, bởi với tôi, tôi hiểu tôi, thế là đủ. Tôi cũng không có thời gian vào trang người khác mà khen tụng họ. Bởi điều đó chẳng thật tí nào. Thế đó, con người của tôi, thích lang thang đâu đó, thích lặng lẽ một mình. Biển, sông, núi, gió, trời trăng là những bạn tâm giao mà tôi có thể trút bầu tâm sự, có thể khóc, cười hồn nhiên như một đứa trẻ, có thể trở về với chính mình, với con người thật của mình. Và nơi đó, hạnh phúc và bình yên có chỗ trú ngụ.
Chiều nay, sau những ngày vật vã với bao nước mắt, những ngày mà tôi có thể khóc như một đứa trẻ vì những cơn đau của thân thể và vì những đắng cay, nghiệt ngã của cuộc sống, tôi đã có thể bắt đầu mỉm cười. Kệ nó, biết được lòng người chông chênh, buồn, nhưng đó cũng là bài học để bớt đặt niềm tin nơi họ. Mấy ngày qua, trong những lúc phiền muộn nhất, tôi tìm đến những người già neo đơn, những hoàn cảnh khổ cực để mình thấy nỗi đau của mình chẳng là gì cả. Có lẽ nhờ vậy mà thấy lòng phấn chấn lên. Khi quên mình để nghĩ đến người khác, ta sẽ thấy mình bớt ích kỷ. Và khi quan tâm đến người khác, ta cũng quên đi những phiền muộn nơi mình.
Có lúc ngồi ngẫm nghĩ, nếu tôi chọn một cuộc sống khác, có lẽ tôi cũng tất bật lắm, chẳng có thời gian ngồi đây mà lý lẽ với cuộc đời. Kể từ dạo có thể viết là trái tim có nụ cười. Làm được những điều mình thích là hạnh phúc rồi, đơn giản thế! Chỉ tiếc là thực tế thì người ta thích xem hình ảnh hơn, vì nó nhanh và bắt mắt. Thời đại này, xã hội này bắt người ta phải chạy mà nên cứ đăng hình là cả mớ likes, còn viết thì may ra có vài kẻ miễn cưỡng nhấp vào cho lịch sự, có khi cũng chẳng đọc. Nhưng tôi đâu viết cho họ, tôi viết cho chính mình tôi. Viết cho những niềm vui nỗi buồn qua những thăm trầm của cuộc đời.
Cuối năm về với những cơn gió Đông ào ạt và những cơn mưa trái mùa bất chợt. Thôi, mây mù đã bay qua rồi, cảm ơn tất cả những đau thương ghé qua. Mình còn sống, làm được gì thì hãy làm cho những người con bé nhỏ nhất của Chúa, để thấy mình còn hạnh phúc, để thấy được rằng sống là một niềm vui. Trời đất cũng nhẹ nhàng sau những ngày đỏng đảnh đến phát ghét, bởi nó khiến thân thể tôi nhức nhối. Sau tất cả, tôi hiểu rằng MỌI SỰ RỒI CŨNG QUA, cái gì cũng có thể qua.
Có cơn gió mồ côi ghé ngang, thổi sạch mọi phiền muộn.
Bình yên nhé!

Thứ Tư, 10 tháng 1, 2018

Gió cuối mùa


Gần như chiều nào cũng vậy, hắn lái xe đến trước cổng trường khi tôi đang trả học sinh về cho ba má chúng. Hắn tự lái chiếc xe lắc (lái rất giỏi) để đến nhà thờ hằng ngày, trước khi lên nhà thờ, hắn bảo thích trò chuyện với tôi. Ban đầu, tôi thật chẳng hiểu được ngôn ngữ của hắn, vì hắn phát âm rất khó nghe. Nhưng đến hôm nay thì tôi đã nghe gần như hết các từ ngữ mà hắn muốn diễn đạt.

Chiều nay, không có thánh lễ, hắn như muốn tâm sự lâu hơn. Tôi hơi miễn cưỡng trò chuyện vì rất bận và khá mỏi chân vì mình phải đứng. Và cũng thương hắn vì mỗi khi nói hắn cứ phải gồng lên trông tội lắm. Thực ra hắn nói chuyện khá hấp dẫn. Chiếc xe lăn của hắn không thể đi qua cổng trường được, đành vậy.

Một đứng, một ngồi, hắn hỏi tôi đang đọc sách gì?
Tôi trả lời: “Sách "Được gọi để sống". Hay lắm!”
Hắn hỏi nội dung?
Tôi lược sơ qua: “Mỗi người sinh ra trên cõi đời này không đương nhiên, nhưng do ý định ngàn đời của Thiên Chúa... là một ơn gọi cao quý…”
Tôi nói thêm: “Ấy mới thấy những người tự kết liễu cuộc đời hay tự hủy hoại mình là do họ chưa ý thức được rằng sống là một ơn gọi.”
Tự dưng hắn như muốn khóc, rồi bảo rằng hồi hai mươi tuổi, có lần hắn đã muốn tự tử.
Tôi hỏi tại sao?
Hắn trả lời: “Lúc ấy mới có cảm giác mặc cảm thực sự vì mình không giống ai: không thể đứng, không thể nói như người bình thường, mặt mũi cũng chẳng giống ai, tay chân thì khoòng khoèo,… Rồi thì không muốn sống nữa.”
Tôi cười cảm thông rồi hỏi: “Thế bây giờ còn ý định đó nữa không?”
Hắn cười tươi rói: “Không bao giờ”.
Im lặng một lúc, hắn bảo: “Lúc ấy chỉ nhìn lên mà không chịu nhìn xuống. Giờ nhìn xuống thấy mình còn may mắn hơn bao người khác.” (À, lúc ấy có một đứa bé 10 tuổi mà chỉ nặng 7 kg, “người tí hon” mới vào trường ra về. Con bé do cha mẹ không muốn sinh ra nên đã làm đủ mọi cách phá, nhưng nó vẫn ra đời đương nhiên trong một thân hình dị dạng).
Hắn bảo: “Vẫn còn hơn bé này.” (Hắn chỉ theo khi người đón bé đã rồ ga xe máy).
Rồi hắn nói nữa, nói nhiều điều mà tôi không nghĩ hắn chỉ ngồi trên chiếc xe lăn lại có thể hiểu biết sâu sắc đến vậy. 
Nắng chiều vàng vọt xuyên qua kẽ lá dọi vào mặt, nhưng tôi chẳng thấy chút nóng, cũng chẳng cảm thấy mỏi chân dù đứng khá lâu. Cơn gió cuối mùa ghé ngang dường như cũng làm dịu nhẹ cả hồn đất trời. Chỉ thấy tuy chỉ mất chút thời giờ nhưng mình đã “được” nhiều quá. Xem ra cái thân thể tuy khiếm khuyết kia lại dư dật lòng quảng đại, lòng biết ơn cuộc đời. Còn mình có khi đủ cả tay chân mắt mũi mà lại thiếu đi điều cần nhất trong cuộc sống là mở rộng tầm nhìn.
Những lời của hắn làm tôi suy nghĩ mãi: “Nhìn xuống”. Có lẽ tôi sẽ nên nhìn xuống nhiều hơn là nhìn lên để biết bằng lòng với cuộc sống, một cuộc sống đôi lúc không như ý mình, để cũng biết tập tha thứ, yêu thương mình và người khác.

Và cũng đã đủ lớn để mong bé lại...


Tôi gặp em trong một buổi sớm chớm hạ khi nắng đã len qua ngọn đồi. Có một sự khá ngỡ ngàng khi trông thấy em. Em như cô búp bê tí hon biết nói trong truyện cổ tích khi xưa được nghe bà kể bên bếp lửa chiều Đông vậy.
Tôi đã từng thăm viếng những mái ấm khuyết tật, hay bị hội chứng down, nhưng trường hợp như em thì chưa bao giờ thấy cả. Sáng hôm ấy, thấy em nhút nhát đi bên người bảo hộ, tôi bèn cố gắng phá tan cái hàng rào ngăn cách và lạ lẫm ấy bằng một nụ cười. Nụ cười mà mấy ngày sau khi quen em bảo: “Con thích nụ cười ấy của cô. Cô cười con mới dám đến nói chuyện với cô, vì con sợ người lạ lắm”. Tôi bồng em trên tay, nhẹ bẫng, hỏi han vài câu chuyện. Em trả lời như một người lớn. Em đã mười tuổi, nhưng chỉ nặng gần bảy ký lô. Trong cơ thể em, cái gì cũng nhỏ xíu. Trừ cái đầu rất thông minh, nhạy bén hơn người. 
Hỏi thêm vài thông tin từ người bảo hộ, người nuôi em, thì biết rằng ba mẹ em không muốn sự hiện diện của em nên đã tìm mọi cách phá, nhưng không được. Em vẫn ra đời. Người nuôi em kể rằng khi ra đời, em chỉ bé bằng trái bắp, bác sĩ thương ráng nuôi, ráng nuôi, và may mắn, em vẫn sống, vẫn hiện hữu như một người bình thường. Mẹ em khi vừa sinh ra em trông thấy dị quá đã bỏ em đi xa, còn lại người cha một thân một mình bèn gởi cho bà nội. Mấy năm sau, một lần bà nội chở em đi thì bị tai nạn, bà qua đời. Em thì bị gãy mũi nhưng vẫn còn sống. Ba em phải đi làm nên cứ nhốt em một mình trong phòng cả ngày, có người thấy thương bèn đem về nuôi. Và bây giờ họ cho em đến trường.
Tôi bế em trên tay, trò chuyện, ban đầu cô bé thấy lạ nên chẳng chịu nói thật, chỉ trả lời quanh quẩn. Nhưng chỉ sau một ngày, cô bé nói hết cho tôi hay về ước mơ, về ba mẹ, người nuôi,… một cách rất tế nhị. Giọng nói lanh lảnh cứ như cái đài phát thanh nhỏ xíu vậy. Tôi cảm thấy gần gũi cô bé búp bê này. Thương cho em, cho ước mơ của em: con thích trở thành ca sĩ (bé hát tốt), thành người mẫu và diễn viên đóng phim. 
Cứ nghĩ về cô bé búp bê này, tôi thầm cảm tạ Thượng Đế vô vàn. Mạng sống mong manh của em, dù có người muốn tiêu hủy, nhưng…. Không gì nằm ngoài thánh ý của Thiên Chúa. Người muốn em sống, và em đã sống dù bao nguy hiểm đe dọa. Em vẫn cười, vẫn nói, vẫn vui, vẫn ủ ấp ước mơ như bao con người và hạnh phúc trong từng ngày sống. 
Tôi hỏi: “Bé có vui không nào?”
Cô bé cười tươi trả lời: “Con vui chứ, đi học được gặp các bạn, gặp cô, con vui nè!”
Trẻ thơ đơn sơ như thế đó. Chỉ một điều bé nhỏ cũng làm em hạnh phúc. Còn tôi, có khi nào tôi thấy rằng hạnh phúc là khi còn được thức giấc nhìn thấy ánh nắng lên, nghe tiếng chim ca mỗi buổi sớm? Hay tôi cứ đi mải mê tìm đâu xa xôi rồi đau khổ trong vô vọng?
Có lẽ lúc này là lúc đủ lớn để mong bé lại….?

Chuyện mùa Đông


Phố núi đang lặng chìm trong cái lạnh tàn đông.
Tiết trời nay không còn ảm đạm, rét buốt như những ngày đầu Đông, hay những đêm gần Lễ Noel ôm vai đi giữa những ánh đèn lấp lánh sắc màu nữa. Nhớ về mấy đêm co ro trong căn phòng tối, chỉ biết ngồi đó, ngó ra ô cửa mịt mùng đón cái rét tạt vào mặt rồi nghe “Chuyện của mùa Đông” hay “Đêm nằm mơ phố” để cho ký ức được phép trở về thực tại. Cái rét phương Nam tuy không buốt như phương Bắc năm xưa, nhưng cảm xúc cũng đủ ùa về. Lạnh đấy nhưng cũng ấm áp lắm.
Tôi, vẫn sống, vẫn làm và cũng vẫn tận hưởng được cái đẹp của không gian và thời gian. Nhưng viết lách thì chỉ khoảng Thu- Đông thì cảm xúc mới trọn vẹn. Tôi cảm phục những người luôn có thể đồng điệu hồn mình với không gian để mà thưởng thức tròn vẹn thời gian. Kẻ có thể uống được nét thơ của vị hè dẫu trên đầu là nắng thiêu như đổ lửa. Một vài người lại có thể lang thang trên phố, bên cạnh những ánh đèn vàng khuya khoắt, trầm mặc, lạnh lùng mà hôn vào phiến môi trần băng tuyết của mùa đông. Hay những khi gió rét quay cuồng, mọi thứ cần được có đôi cũng như những kẻ cô đơn khát thèm một hơi rượu cay, một làn khói nóng. Hay những khi sương giá trải dài sau mỗi bàn chân, những khốc khô như muốn len lỏi khắp mọi nẻo đường mà vỗ về những cánh áo mỏng tang, những bờ môi run rẩy. Ấy vậy mà luôn có những kẻ vô tư độc bước, cất lên mùa nghêu ngao tiếng hát, thở vào đời cơn gió si mê…
Hôm nay, cái lạnh đã dịu dần đi. Gió rét vẫn còn sót lại nhưng bên cạnh đó thì nắng cũng đã ươm vàng. Phố núi lại hiền hòa với những đường trời luồn qua mây trắng, trông như dải gấm xanh biếc lộng lẫy vắt ngang qua một dòng sông thơ mộng. Tiễn bước hoàng hôn, từ căn phòng quen thuộc ngập những nhánh thủy sinh, những bông hoa ép khô, không còn nữa mây mù và lạnh lẽo. Thay vào đó là ánh hoàng hôn len lỏi làm ấm áp cả một góc phòng. Chiều nay còn có cơn mưa bất chợt ghé qua. Mưa trái mùa. Nhưng nhờ mưa mà những nặng nề trên thân thể biến mất sau mấy ngày mà lúc nằm xuống chỉ mong một giấc ngủ ngàn thu.
Chiều nay, học trò về trễ vì cơn mưa ghé ngang chẳng báo trước, đứng ngắm mưa trò chuyện với phụ huynh tự dưng nhớ đến cơn mưa bất chợt của cái Tết nào đó trên con lộ dài ngút ngàn, thử thách cả quãng đường đi. Lạnh lắm nhưng lòng lại ấm lắm, không hiểu sao? Nhớ ngày xưa cô giáo dạy Văn có câu: “… kỷ niệm bất chợt ùa về như những con sóng nối tiếp nhau xô vào bờ ký ức…”. Chỉ mấy hạt nước mưa tạt vào mặt thôi mà như có bàn tay lạnh giá ngày nào vừa mới chạm phải.
Đám học trò nhỏ đã về hết, một mình trở về với ca dạy đàn sau cùng, hành lang vắng lặng, chỉ có cơn gió thổi nhẹ hong khô mấy giọt mưa còn sót lại. Mùi ẩm của đất khô bốc lên ngai ngái, bỗng dưng thấy tỉnh táo sau bao ngày nằm oằn mình trên những cơn đau. Cuộc sống mà, đến rồi lại đi, chẳng ai đau mãi, chẳng có gì tồn tại mãi, chỉ là ta có đủ kiên nhẫn để đợi chờ mây mù bay qua hay không mà thôi. Một chiếc lá nhẹ rơi trước mặt, ta bỗng thấy mọi sự nhẹ nhàng, thanh thoát dưới ánh hoàng hôn muộn. Nếu cứ đạp lên đau thương mà dang đôi tay với đầy hạnh phúc liệu một ngày ta có quên mất rằng mình đã là ai? Chi bằng một chút nghĩ về những điều mình đã trải qua mà trân trọng hơn những thứ hôm nay cuộc đời mang lại. Để biết rằng ở chốn tận cùng của tuyệt vọng và xơ xác cũng có những điều đẹp đẽ đến lạ lùng, mà bất cứ ai đã một lần lãng quên, bất cứ ai đã một lần đành lòng vứt bỏ sẽ không bao giờ hiểu được. Đau thương và hạnh phúc là đôi ngả đường song song vô tận, những kẻ phiêu diêu trên nỗi buồn thì luôn ngoảnh cổ khát thèm hạnh phúc, còn những người đang bước trên con đường hạnh phúc sẽ luôn nhìn thấy nỗi buồn ở bên cạnh mình. Cứ mải miết đuổi theo những thứ xa hút tầm tay, thì thử hỏi sao lòng lại không trống trải? Có những thứ qua rồi mới chợt nhận ra nó đẹp, có những người xa rồi mới ngỡ ngàng biết đã yêu thương.
Phố núi cuối Đông thật đẹp với những cánh rừng cao su đang thay bộ cánh như chiếc thảm khổng lồ đỏ úa... Và ta sẽ lại dạo bước trên con phố ấy, nhưng không phải phố của ngày xưa nữa. Phố mới cũng ngỡ ngàng chào đón ta của hôm nay với những trầm mặc nhưng vẫn nở nụ cười, nhẹ nhàng lướt qua mọi phiền muộn của ngày xưa.
Bình yên nhé!