“Anh em không thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể làm tôi Thiên Chúa lẫn tiền tài”.
Trong thời đại ngày nay đồng tiền nhảy lên vị trí hàng đầu. Dường như có tiền là có tất cả. Người ta dùng đồng tiền làm thước đo giá trị con người. Những người có thế giá, tiền bạc, địa vị thường kết thân với nhau và khi hết tiền cũng là lúc cạn tình.
Theo Chúa Kitô, người Kitô hữu được mời gọi làm tôi Thiên Chúa, nghĩa là gắn bó với Chúa Kitô, vì Người là Chúa và là tình yêu duy nhất của ta. Ta phải hướng về và gắn bó với Người vì Người là giá trị lớn nhất của cuộc đời ta. Sự gắn bó ấy đòi hỏi ta phải khước từ việc tôn thờ tiền của và những thứ làm ta xa cách Thiên Chúa bởi Thiên Chúa và tiền của là hai sự đối chọi triệt để. Tiền của (mammon) ở đây là những giá trị vật chất mau qua…..
Ta không thể vừa gắn bó với Thiên Chúa lại vừa gắn bó với tiền của được. Nếu ta gắn bó với chủ này thì chắc chắn sẽ ghét chủ kia, nếu ta yêu chủ này thì chắc chắn sẽ ghét chủ kia. Nếu ta muốn tôn thờ cả hai thì trong lòng ta luôn bị bất an và sống giả dối với chính mình, vì ta không thể hòa hợp và kết hợp hai điều đối kháng nhau được.
Phụng sự tiền của là ta trở thành nô lệ cho nó và trở nên lệ thuộc vào một lợi ích vật chất hay tinh thần nào đó. Nếu ta thực sự yếu mến và phụng sự Thiên Chúa thì ta phải khinh chê việc dính bén lợi ích vật chất hay tinh thần và ngược lại nếu ta yêu thích việc dính bén với mammon, nghĩa là ta đã khinh dể Thiên Chúa.
Là Kitô hữu, ta không chấp nhận khi người khác cho mình là khinh dể Thiên Chúa vì thực tế ta vẫn thờ Thiên Chúa, vẫn đi lễ đọc kinh,…Ta chứng minh việc chúng ta tôn thờ Thiên Chúa bằng những hình thức bên ngoài đó, tuy nhiên cõi lòng chúng ta lại biết rất rõ mình. Chúng ta muốn một lúc bắt cá hai tay, chúng ta thờ Chúa và coi Chúa như cái bụng, chúng ta muốn Thiên Chúa là một vị thần luôn đáp ứng những đòi hỏi của ta. Đàng khác, chúng ta không chấp nhận mình là một kẻ tôn thờ tiền của. Thinh lặng mà xét lại ta có thấy rõ mình luôn dính bén với những lợi ích vật chất không? Ta giao du với những con người giàu có, thế lực. Tận thâm tâm ta mong mình có một chỗ đứng ổn định, được tôn vinh, yếu mến. Ta thèm khát tiếng vỗ tay, những lời tán đồng, ca tụng,…Tất cả những điều đó có chứng minh ta đang tôn thờ mammon không? Những dính bén ấy khiến ta không kéo nổi lòng mình lên tới Thiên Chúa và siêu thoát trong tình yêu đối với Người. Lòng ta còn bận rộn vì những ngổn ngang tính toán hơn thua. Trái tim ta còn thổn thức bởi những tình ngang ý dọc với kẻ này người nọ. Cõi lòng ta còn chất ngập những hận thù, chia rẽ. Tâm trí ta còn ngập ngụa những ích kỷ, tham lam, cố chấp, ghen tương và hận thù. Thử hỏi có mấy phút giây trong đời cõi lòng thật sự được bình an và thanh thoát khỏi những vướng bận ấy? Dính bén với mammon khiến ta căng thẳng, náo động trong lòng, nó kéo ghì lòng ta xuống bởi những nỗi buồn của người thiếu vắng Thiên Chúa là nguồn vui và bình an đích thực của tâm hồn.
Người tách lìa khỏi những dính bén sẽ được tràn ngập sự bình an của Thiên Chúa. Sự bình an đó giúp xây dựng và khôi phục sức khỏe thể xác cũng như tâm linh. Khi ấy ta sẽ được thoát khỏi mọi ràng buộc và được tự do như cánh chim bay liệng trên bầu trời xanh, không căng thẳng, không phải lo âu điều gì vì đã thực sự trao mình vào tay Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, giữa những cám dỗ đang bủa vây, xin Chúa cùng con chiến đấu để trái tim con được tự do trong sự kết hợp bền chặt với Thiên Chúa – Đấng giàu có vô cùng và là chủ mọi sự. Xin thanh tẩy tâm hồn con – một tâm hồn bị nhiễm uế bởi các dính bén vì phục vụ mammon. Xin ban cho con sự tự do hoàn toàn và đừng để trái tim con bị chia năm xẻ bảy cho những mammon khác nhau nhưng biết dành trọn vẹn cho Chúa. Amen.
Hatcatnho 12/7/2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét