Trong bất cứ xã
hội nào người ta cũng thường phân biệt kẻ giàu người nghèo và sự phân chia giai
cấp cũng xuất phát từ đó. Người nghèo là những con người thiếu thốn về vật chất
và tinh thần, họ cần cậy dựa vào một ai đó.
Chúa Giêsu trong Tin mừng Matthêu đã lên
tiếng: “Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó”(Mt
5,2) Chúa nhấn mạnh đến sự nghèo khó tâm hồn. Đối với cái nghèo vật chất, nếu
ta không dính bén với nó, không cảm thấy mình có nhu cầu, như thế là ta đã đủ
giàu rồi. Còn đối với cái nghèo tinh thần, ta cần phải nhận ra mình thực sự là
người nghèo của Thiên Chúa. Trong ánh sáng đức tin, ta có thể thấy sự bất lực
của bản thân, trông chờ mọi sự nơi Thiên Chúa. Để sống đức tin, ta phải làm một cuộc “lột xác” thực sự và hoàn
toàn, để cuối cùng ta dám mạnh mẽ tuyên xưng như Thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi mà là
Đức Kitô sống trong tôi” ( Gl 2,20).
Người nghèo là
người không dính bén với điều gì và luôn trông chờ mọi sự nơi Thiên Chúa. Họ có phúc vì đã dành trọn trái tim họ
cho Thiên Chúa. Nước Trời sẽ thuộc về họ bởi vì họ có Thiên Chúa, bởi vì trái
tim họ tự do để thuộc về Người. Tôi có đức tin trong mức độ tôi là người có tâm
hồn nghèo khó. Từ “nghèo khó” ở đây không nhất thiết là nghèo về vật chất nhưng
là nghèo về tinh thần, nghĩa là nhận mình là hư vô còn Thiên Chúa là tất cả.
Một người có tâm hồn nghèo khó là người không tự phụ vì biết rằng mình không
cậy dựa vào bản thân, không cậy vào sức mạnh riêng mình. Họ luôn trông chờ mọi
sự từ Thiên Chúa và không bám vào của
cải chóng qua. Tôi học biết qua mẫu gương tổ phụ Abraham, Vua Đavit và tấm
gương sáng chói nơi Mẹ Maria và biết bao vị Thánh- những con người đã hủy mình
hoàn toàn, đã nhận mình thấp bé để đón ơn cứu độ.
Nếu tôi cảm thấy
mình mạnh mẽ bởi vì tôi dựa vào khả năng tự nhiên thì đức tin của tôi không thể
phát triển lên được. Tôi cần cảm nghiệm sự yếu đuối của mình, cần nhận ra những
điều tôi không thể làm được. Tôi cần thấy mình hoàn toàn bất lực trong việc làm
chủ bản thân trước những cám dỗ để như thế tôi sẽ tiến đến với đức tin. Sự yếu
đuối và bất lực của tôi sẽ trở thành một vết nứt và qua đó ân sủng đức tin sẽ
ngấm vào tâm hồn tôi. Qua các vết thương của tôi, Thiên Chúa sẽ ban cho tôi ơn
đào sâu vào đức tin. Nếu tôi cho mình là công chính, ân sủng sẽ không có hiệu
quả cho tôi vì tôi cho rằng mình không bị tổn thương, không có khuyết điểm, tôi
thấy mình là người trưởng thành và mạnh mẽ trước mặt Thiên Chúa. Bởi vì tôi không thấy mình thiếu gì cả
nên chẳng có gì được ban cho tôi. Tình yêu của Thiên Chúa không chữa lành những
ai không có vêt thương. Ân sủng không thể thấm vào những người tự cho mình là
công chính. Dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện đã
minh chứng rõ nét cho xác tín ấy.
Trước quyền năng
của Thiên Chúa, con người luôn cảm thấy mình nhỏ bé và yếu đuối, đó là điều tôi
có thể làm đẹp lòng Người vì chính sự yếu đuối nơi tôi sẽ dành chỗ cho quyền
năng Thiên Chúa. Khi tôi tội lỗi, tôi yếu đuối, tôi không thể cậy dựa vào bản
thân, lúc đó tôi chỉ còn cách quay về với Thiên Chúa và mong muốn cậy dựa vào
Người. Đó cũng chính là ân sủng của sự yếu đuối mà Thánh Phao lô đã hãnh diện:
“Tôi rất vui mừng và tự hào về những yếu
đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi” (2Cr 12, 10). Qua
những trải nghiệm cuộc sống cho tôi nhận ra rằng sức mạnh ở trần gian một ngày
nào đó sẽ biến tan, sẽ có ngày tôi mất đi vẻ đẹp tuổi thanh xuân này, tôi sẽ
già đi, bệnh tật, rồi những năng động của một thời tuổi trẻ sẽ không còn. Khi
ấy tôi mới hiểu chỉ có Thiên Chúa mới
vĩnh viễn tồn tại, còn tất cả mọi sự khác ở đời đều biến tan. Nhìn lại đời mình
tôi cảm nghiệm được biết bao Hồng Ân Chúa ban trong khi tôi chẳng xứng đáng
được lãnh nhận. Thiên Chúa đặt hồng ân của Người trong một bình sành giòn mỏng
để bất cứ điều gì tôi làm đều không phải do sức mạnh của tôi mà là do quyền
năng của Thiên Chúa ân ban. Tạ ơn Thiên Chúa đã làm cho tôi thấy mình thực sự
yếu hèn và nhỏ bé để tôi biết trông chờ vào quyền năng và tình thương của
Người.
Trong cuộc đời
tôi và bạn, chắc chắn đều có những vết thương nhức nhối, có thể đó là một sự
thù hận chưa thể vượt qua được, có thể là nỗi cay đắng âm thầm hay vết thương
sau một lần sai lầm nào đó trong đời. Có lúc tôi thất vọng cho đó là kết quả
cuối cùng rồi, tuy nhiên đối với Thiên Chúa thì không phải như thế. Tất cả là
một kênh để chuyển thông ân sủng cho tôi. Thiên Chúa cho phép xảy đến những vết
thương như vậy là để tôi có thể cảm nghiệm được sự yếu đuối của mình và qua đó
tôi biết mở lòng ra cho ân sủng tuôn vào. Nỗi đau càng lớn là nỗi đau được Chúa
chúc phúc, nó mở đường cho ân sủng vì đó là cơ hội để tôi đào sâu đức tin của
mình. Nhờ đức tin mà những yếu đuối đó đã dành chỗ cho quyền năng Thiên Chúa
hành động nơi tôi. Khi tôi yếu đuối, tôi cần đến Thiên Chúa, lúc đó chắc chắn
đức tin và lòng tín thác nơi Thiên Chúa của tôi sẽ lớn lên và tôi sẽ luôn tìm
kiếm sự trợ giúp của Người. Khi tôi cho mình lớn lao lại là lúc tôi bị hạ
xuống. Mỗi vết thương trong đời làm cho tôi dần dần trở nên giống như trẻ thơ
mà Tin mừng đòi hỏi, vì khi ấy tôi biết mình chẳng làm được gì, chỉ còn một
cách duy nhất có thể giải thoát là tôi “nhảy bổ” vào lòng thương xót vô bờ của Chúa.
Lạy Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót! Xin
biến đổi con để con thực sự trở nên người nghèo của Chúa- một kẻ nghèo nhất trong những người
nghèo để con không còn gì nữa, nhờ đó con biết trông cậy hoàn toàn vào quyền
năng của Chúa. Khi con trở nên yếu đuối là lúc con sẽ chiến thắng- một cuộc
chiến thắng không phải bởi sức con nhưng là do tình yêu thương vô bờ của Chúa.
Amen.
Hatcatnho 20/7/2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét