Trời năm nay dường như lập đông sớm thì phải.
Cái se lạnh đầu đông đã về như không muốn níu giữ những chiếc lá mới ngả vàng trên
những cành cây. Mấy ngày này bỗng nhiên gió chướng, có lẽ bị ảnh hưởng bởi những
cơn bão và những đợt áp thấp kéo dài cứ lành lạnh, hanh hanh gợi cho nó nhiều cảm
xúc khó tả...
Vào một ngày mùa đông của 30 năm về trước,
có ai đó đã được Thượng Đế ưu ái cho hiện diện trên cõi trần này từ cung lòng của
mẹ. Được sinh ra trong mùa đông nên dường như nó cũng yêu mùa đông như yêu
chính nó vậy. Nó có một cái thú rất kỳ lạ là thích thân với những người cũng
sinh ra trong mùa đông như mình, mà có lẽ ít lắm, vì bác sĩ bảo mẹ nó: những đứa
bé sinh ra trong mùa đông sẽ có sức đề kháng yếu. Một nhà tâm lý nọ cũng khẳng định:
những con người được sinh ra trong mùa thu và đông hay nhiều cảm xúc, dễ khổ...Nó
chẳng biết nữa nhưng nó thấy những người sinh vào mùa đông thường là những tâm
hồn nhạy cảm, cũng lãng đãng thơ mộng như nó vậy.
Xa quê bao năm nhưng nó vẫn nhớ như in tất
cả những kỷ niệm về mùa thu Hà Nội với con đường có lá vàng rơi xào xạc dưới những
bước chân trẻ thơ rộn ràng nhẹ nắng. Nó cũng không quên những con phố thơm đầy
hoa sữa cuốn hút tuổi thơ trong sáng. Nó mãi nhớ cái cảm giác rét buốt đến cắt
da cắt thịt ở Hà Nội quê nhà. Khí hậu khắc nghiệt đó lại làm nó thêm yêu cuộc sống
và tạo nên nhiều cung bậc cho cảm xúc thăng hoa. Nó yêu vùng trời yêu dấu tuổi
thơ nơi anh chị em nó đã được sinh ra và lớn lên dẫu có lúc nghèo khó. Năm
tháng trôi, gia đình nó chuyển vào Nam để sống, nhưng cho đến bây giờ những hình
ảnh mùa đông quê nhà vẫn rõ mồn một như mới xảy ra hôm qua đây thôi, gần lắm. Để
rồi cứ mỗi độ trời trở lạnh, nó thấy sống mũi cay cay và nỗi nhớ càng da diết đến
cháy lòng. Thèm một lần về Hà Nội bước những bước nhè nhẹ trên con phố đầy hoa
sữa thơm dưới bầu trờ nhẹ nắng hay lắng nghe tiếng lá rơi xào xạc rừng thu.
Thèm lắm cái cảm giác đi trên con phố mùa đông lạnh buốt, đôi môi bầm tím, hai
hàm răng như muốn “giao lưu” nhưng lại cứ thích đùa giỡn với khí hậu khắc nghiệt
như một anh hùng quả cảm. Vào những đêm đông, chỉ cần gió rít nhẹ cũng đủ làm những tán lá cây run rẩy.
Tiết trời nơi đây chỉ hơi se lạnh nhưng
cũng đủ gợi cho nó trở về với tuổi thơ yêu dấu của anh chị em nó với những đêm
đông ngồi xung quanh đống lửa sưởi ấm và nghe bà kể chuyện cổ tích về cô Tiên,
ông Bụt. Bây giờ xa rồi, anh chị em cưới vợ lấy chồng, sinh con, mỗi người chọn
cho mình một hướng đi. Ngỡ tưởng những chật vật với cơm áo gạo tiền làm cho người
ta quên đi, nhưng dường như thời gian càng làm cho những kỷ niệm tuôi thơ sống
lại. Dẫu không còn được bước đi trên những hè phố cũ nhặt lá bàng rơi nhưng có
dịp ngồi ôn lại thì những kỷ niệm xưa lại hiện về rõ mồn một.
Bao mùa thu cây thay là, bao mùa hạ nắng
chói chang đổ lửa, bao mùa xuân đâm chồi nảy lộc đã qua. Bốn mùa thời tiết thay
đổi cũng không làm cho nó quên đi cái se lạnh của mùa đông. Lạnh, cô đơn nhưng
không cô độc, buồn man mác nhưng không bi lụy. Mùa đông không tàn phá những chiếc
lá trên cành cây nhưng lại cho một sự chờ đợi, khắc khoải đến nao lòng của một
mùa xuân mới đâm chồi nảy lộc. Bao mùa đông đã qua ở nhiều nơi nó đã từng sống,
từ thành phố xa hoa đến miền quê nghèo mộc mạc chân chất không làm nó quên đi hồi
ức của phố mùa đông Hà thành ngày xưa. Mỗi cuối năm ngồi ôn lại kỷ niệm, mọi thứ
có thể phai nhạt song những kỷ niệm về mùa đông không bao giờ bị xóa nhòa theo
thời gian.
Mùa đông là mùa của sự khó quên. Đến bây giờ
nó không thể không bật cười khi nhớ lại hình ảnh con bé sợ sệt không dám về nhà
vì sợ Ba đánh đòn bởi lỡ tay làm vỡ chiếc tách trà cổ mà Ba nó rất quý. Nó co
ro trong giá lạnh lâu giờ, nó sợ đến nỗi
tay cứ vân vê chiếc áo len mẹ đan rồi cứ kéo sợi đến lúc nhìn trên bàn tay đã
thành một cuộn len nhiều màu, còn chiếc áo thì đã ngắn gần một nửa. Nỗi sợ này
chưa hết, nỗi sợ khác lại ùa về khiến con bé đứng khóc ngon lành trong gió lạnh.
Mãi hai giờ sau, Ba mẹ chạy hớt hải đi tìm mới thấy nó đứng khóc giữa giá đông
lạnh lẽo có cả mưa phùn đang lất phất bay. Ba chạy tới ôm chầm lấy nó trong khi
mẹ vội mặc cho nó chiếc áo len dày cộm, có cả mũ che đầu và đôi găng tay ấm nữa.
Hình ảnh con bé đứng giữa tình thương của Ba mẹ khiến nó không thể nào quên được
mùa đông đong đầy kỷ niệm ấy. Vào sống trong Nam, lâu lâu mẹ nó vẫn kể lại câu
chuyện đó. Vì thế mỗi độ đông về, mỗi khi trời trở lạnh ở nơi đất khách, nó lại
nhớ chiếc áo ấm của mẹ ngày xưa đến nao lòng.
Rồi cũng vào một mùa đông, gia đình nó giã
biết Hà Nội để lên tàu vào Nam sinh sống. Mới bảy tuổi đầu, tâm hồn nó đã chất
chứa cả bể nỗi nhớ về thầy cô, bè bạn, về tuổi thơ từng chiều thả diểu trên
cánh đồng lúa xanh mênh mông bất tận, về những đêm hè mấy anh em đi tắm ở con sông
chảy trước nhà, ba chặt cho cây chuối để
nó tập bơi nhưng nó chẳng bao giờ dám lội nước quá đầu gối mà chỉ dám đứng trên
bờ cổ vũ cho các anh chị bơi đua. Rồi những đêm trăng rằm nằm trên sân thượng
nghe ba kể chuyện ngày xửa ngày xưa trong khi chờ mẹ đi lễ về để cùng ăn cơm tối
trước sân. Tuổi thơ của nó lớn lên cùng với đám bạn chơi lò cò mỗi sáng trong
sân nhà dưới bóng rợp của cây hồng xiêm gần giếng nước mà ba vẫn múc vào bể để mẹ
tắm cho anh chị em nó mỗi ngày... Hơn hai mươi năm xa quê chưa có dịp về lại.
Vài lần ba mẹ về thăm quê cùng làng xóm, những con người xưa ở quê còn nhớ nó
nhưng nó lại chẳng nhớ nổi ai. Hình ảnh về con người có thể quên đi nhưng những
con phố đầy hoa sữa thơm và con đường ngày ngày nó đến trường thì chẳng thể nào
phai nhạt trong ký ức. Dường như tâm trí nó chỉ có kỷ niệm và kỷ niệm, mẹ nó bảo
vậy. Nó nhớ rất rõ cái ngày mà gia đình sắp lên đường, chỉ sớm mai thôi, nhà nó
đông người như có đám. Người ở đâu rất đông, họ đến trao quà, thăm hỏi và chia
tay gia đình nó. Những lá thư, từng nắm cơm mo cau, những quả trứng luộc ăn đường
gói ghém bao tình làng nghĩa xóm. Thấy mọi người khóc, nó chẳng hiểu gì, chỉ mải
cùng đám bạn lấy tàu cau làm xe kéo lòng vòng quanh sân nhà. Mọi người ôm nó
bùi ngùi dặn dò nhớ học giỏi, ngoan ngoãn và nhớ về họ. Đêm ấy ánh trăng thượng
tuần sáng vằng vặc, Ba mẹ nó không ngủ được, nó cũng thức dậy ra hiên ngồi mà
chẳng hiểu nỗi lòng của Ba mẹ nó.
Sáng hôm sau, mẹ mặc cho nó chiêc áo len ấm,
rồi mọi người cũng thức dậy sớm tiễn gia đình nó lên xe. Những cánh tay vẫy
chào tạm biệt cùng những giọt nước mắt lúc ấy khiến nó hiểu rằng từ đây nó sẽ
không bao giờ được trở lại nơi đây nữa, lần này là lần cuối. Nghĩ thế, suốt chặng
đường tới sân ga để lên tàu và trên chuyến hành trình ba ngày hai đêm ấy, nó
không ngủ nhưng cứ ngắm cảnh trên đường với đầy cảm xúc, mặc cho mẹ nó năn nỉ vỗ
về vì sợ nó mệt. Ba mẹ khóc, nó cũng khóc theo, những giọt nước mắt nóng hổi vụng
dại cứ chảy tràn trên khuôn mặt ngây thơ. Lúc này nó đủ lớn để hiểu nỗi xót xa
của sự chia tay giã từ nơi chôn nhau cắt rốn. Trời mờ sáng, ngồi trên xe, nó
nhìn từng ngôi nhà, từng tán cây, mái trường Tiểu học ba năm được Thầy cô yêu
thương dạy dỗ, những cây cầu gỗ mà bao lần nó đứng bên này khóc như mưa khi anh
Hai không chịu cõng nó qua lại bảo nó “đi qua đi, không sao đâu” để nó về nhà
méc Ba là anh Hai lại bị ăn đòn, rồi nhìn xóm chợ phiên bao lần lẽo đẽo theo mẹ
đòi quà đến từng con phố thân quen mà nó chưa kịp biết tên. Bao năm sống ở quê
người vẫn không thể xóa nhòa vết bụi thời gian.
Rồi cũng có mùa đông nó chia tay ai đó để
giã từ tình cảm mà người ta dành cho nó. Ngày sinh nhật mùa đông, nó vùi đầu
vào chăn khóc như mưa sau khi quyết định, dẫu vẫn muốn đi theo lý tưởng nhưng sự
chia tay không làm nó khỏi ngậm ngùi. Ai mà không muốn mình có ai đó để yêu thương
và nó cũng đâu ngoại trừ. Tuy nhiên, vì hạnh phúc của người ta, nó không muốn cứ
tiếp tục kéo dài để thêm vấn vương rồi không thể dứt bỏ và khiến người ta phải
chờ đợi nó trong đau khổ. Người ta buồn bã bảo nó có quá nhiều ước muốn nên khổ.
Nó im lặng chẳng đáp lại gì. Nó chỉ nói cám ơn tình cảm người ta đã dành cho
nó, rồi bảo tiếng gọi của lý tưởng lớn hơn nên đi theo con đường đã chọn, mong
họ hiểu cho. Trước khi chia tay, nó lấy hết can đảm như mỗi lần hiên ngang đứng
mỉm cười đùa giỡn với giá lạnh mùa đông để nói với người ta rằng: “nếu người
thương tôi thật tình xin hãy nhìn hạnh phúc của tôi chứ đừng nhìn tôi mà hạnh
phúc”. Gió đông lại thổi vào mặt nó lạnh buốt. Nó muốn khóc nhưng không thể
khóc trước mặt người ta sợ rằng không thể dứt nổi. Nói xong nó bước đi thật
nhanh, chạy về phòng khóc nức nở như chưa bao giờ được khóc sau khi chia tay để
mỗi người tự do theo tiếng gọi của mình. Lần chia tay tình đầu trớ trêu thay
cũng vào mùa đông để giờ đây mỗi lần tình cảm chạm vào trái tim thì nó lại nhức
nhối như bị vết dao đâm làm rỉ máu.
Chiều nay, nhiều con gió lớn quá, không biết
ở đâu mà mẹ thiên nhiên lại ưu ái ban nhiều gió đến thế. Ngày nghỉ, nó thu mình
ngồi trong căn phòng nhỏ. Tiết trời lành lạnh lại dấy lên trong lòng nó nhiều cảm
xúc khó tả. Không biết có ai giống nó không nhỉ? Nó sợ lạnh nhưng lại yêu mùa
đông, thích đùa nghịch với những làn gió rét buốt đến tím tái bờ môi. Đang miên
man suy nghĩ, chợt tiếng chuông chiều từ nhà thờ vọng xa kéo nó về lại kỷ niệm
ngày xưa. Chiếc radio phát chương trình quà tặng âm nhạc, giọng ca trầm ấm của
Phú Quang với “Em ơi Hà Nội phố” nghe đến nao lòng, dắt nó trở về chiều đông Hà
thành với cây bàng và những nóc phố mồ côi mùa đông. Từng mái ngói xô nghiêng
nao nao kỷ niệm khiến ai đó chẳng nhớ nổi tên một con đường. Và rồi Mỹ Linh
thánh thót với “Nỗi nhớ mùa đông” lại
thêm mời mọc nó trở về với quê hương tuổi thơ yêu dấu, nơi bốn mùa xuân hạ thu
đông rõ rệt, với những cơn gió mùa đông Bắc se lạnh tràn về nó cùng mẹ thức dậy
che cho đàn gà đỡ lạnh, với lũ trẻ con nô đùa trên phố đông nhặt từng chiếc lá
bàng rơi xâu thành từng dây mang về cho mẹ thổi cơm ngày mưa bão. Chút gió lạnh
đầu mùa đã bao trọn cả con tim chứa đầy nhức nhối của ảo vọng, của quá khứ cứ dồn
dập nối đuôi nhau gõ cửa khiến lòng nó hoang hoải như ánh trăng chiều cô liêu,
ma mị. Nó thèm về lại được mùa đông Hà Nội, được ngắm dòng sông xưa với đôi bờ
cát trắng của tuổi thơ hồn nhiên đầy ắp tiếng cười kỷ niệm. Dầu cho quá khứ có
qua chẳng bao giờ trở lại như cánh buồm xưa ấy mãi khơi xa nhưng những kỷ niệm
vẫn đong đầy nỗi nhớ giúp tâm hồn nó sống mãi với những thời khắc đẹp nhất đời
người.
Cám ơn những cơn gió lạnh đầu đông như bản
tình ca bất hủ đã dắt nó trở về với cõi lòng sau những bộn bề toan tính, của những
giận hờn, vui buồn sướng khổ của chờ đợi mòn hao. Một khúc tự tình đầu đông
vang lên cho nó tìm lại hạnh phúc xưa tưởng chừng đã mất vì những tất bật vội
vã chợ đời.
Gió bên ngoài vẫn thổi mạnh. Ngồi bó gối với
những suy nghĩ miên man khiến đêm đã khuya lúc nào nó cũng không biết. Những
cơn gió thổi qua vườn cao su sau nhà nghe xào xạc đến nao lòng. Càng về khuya
tiết trời càng lạnh, nó kéo tấm chăn bông dày mẹ mua cho từ lúc xa nhà với bao
lời dặn dò yêu thương nhớ không được để cơ thể bị nhiễm lạnh đắp kín đến tận cổ.
Với tay chỉnh volumm từ chiếc radio nhỏ lại rồi cứ thế để mùa đông ru hoài vào
giấc ngủ với quê hương đong đầy kỷ niệm của tuổi thơ êm đềm thuở nào.
Hatcatnho
23/11/2013
con rất thích câu này của Sơ : “nếu người thương tôi thật tình xin hãy nhìn hạnh phúc của tôi chứ đừng nhìn tôi mà hạnh phúc”.
Trả lờiXóaCam on loi chan tinh cua CK. Chac la luc ay duoc Thien Than ho menh nen du can dam va khon ngoan de noi loi ay. Neu khong thi....bay gio dau co the duoc o DL, ban nhi?
XóaCau nguyen nhieu cho minh nhe!